'Biển người' đổ về xem lễ hội Gióng 2024

Lễ hội Gióng 2024 chính thức được khai mạc tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Tp.Hà Nội) thu hút hàng nghìn du khách thập phương.

Là một trong "tứ bất tử" trong tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam, Thánh Gióng gắn liền với truyền thuyết về cậu bé làng Phù Đổng đánh giặc Ân, mang lại thái bình cho đất nước. Truyền rằng, sau khi đánh tan quân giặc, Thánh Gióng phi ngựa đến chân núi Sóc (huyện Sóc Sơn), cởi bỏ giáp trụ rồi cưỡi ngựa sắt bay về trời. Đây được coi là một trong những hình tượng đẹp và hào hùng nhất trong kho tàng truyền thuyết Việt Nam.

Để tưởng nhớ công đức của ngài, tại chân núi Sóc, nơi Thánh Gióng dừng ngựa trước khi về trời, Nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và mở hội hàng năm, từ ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng âm lịch.

Ghi nhận Người Đưa Tin, Lễ hội Gióng 2024 thu hút hàng nghìn du khách thập phương.

Lễ rước voi chiến vào đền Sóc.

Lễ dâng trầu cau của thôn Đan Tảo.

Các lễ vật truyền thống của dân làng 8 thôn thuộc 6 xã của huyện Sóc Sơn đã rước vật phẩm vào tế lễ, gồm thôn Vệ Linh (xã Phù Linh) rước giò hoa tre; thôn Phù Mã (xã Phù Linh) rước ngựa sắt; thôn Dược Thượng (xã Tiên Dược) rước voi chiến; thôn Xuân Tảo (xã Xuân Giang) rước cỏ voi; thôn Xuân Tàng (xã Bắc Phú) rước nữ tướng; thôn Xuân Dục (xã Tân Minh) rước cầu húc; thôn Đức Hậu (xã Đức Hòa) rước ngà voi và thôn Đan Tảo (xã Tân Minh) rước trầu cau.

Lễ rước nữ tướng.

Năm nay, “nữ tướng” được thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú) lựa chọn thực hiện lễ rước tại khai hội có tên là Nghiêm Thị Bích Ngọc, 11 tuổi. Bích Ngọc hiện đang theo học lớp 5 tại trường Tiểu học xã Bắc Phú. Liên tiếp những năm học đã qua, Bích Ngọc luôn là con ngoan trò giỏi, được thầy cô giáo và bạn bè quý mến

“Nữ tướng trẻ” sau khi làm lễ tại các điểm đền được thay trang phục, di chuyển về nhà dưới sự bảo vệ, giám sát, bảo đảm an toàn của các lực lượng chức năng.

Nghi lễ rước kiệu “nữ tướng trẻ” diễn ra trong yên bình.

Điểm nổi bật khác biệt trong mùa lễ hội Gióng 2024 tập trung vào phần hội. Theo đó, các trò chơi dân gian tiếp tục được Ban tổ chức lễ hội duy trì như: Đi cà kheo, đập niêu đất, hội thi nấu cơm, hội thi cầu húc.

Hàng nghìn người dân cùng nhau đến Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc để xem lễ hội Gióng 2024.

Người dân thành tâm dâng hương, cầu nguyện cho gia đình năm mới bình an và may mắn.

Người dân lấy lá trầu không và cau để lấy lộc đầu năm.

Nguyễn Hữu Thắng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bien-nguoi-do-ve-xem-le-hoi-giong-2024-a649839.html