Biên giới là nhà...
Người dân biên cương xem biên giới chính là nhà mình. Họ ý thức cao vai trò, trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.
Gần 70 năm sống ở biên cương, ông Can luôn xem biên giới là nhà của mình1. Những ngày đầu tháng 12, thời tiết dịu hẳn, cái lạnh bắt đầu, chúng tôi có mặt trên tuyến tuần tra biên giới của tỉnh để có dịp gặp gỡ và ghi chép một vài mẩu chuyện của người dân nơi đây trong việc tham gia cùng địa phương, lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ nơi biên cương giữ gìn, bảo vệ đường biên, cộc mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Tuyến Quốc lộ 62 đưa chúng tôi rời TP.Tân An, tỉnh Long An đến thị xã Kiến Tường, tiếp tục men theo Đường tỉnh 831 để về huyện Vĩnh Hưng. Sau một hồi dò hỏi, chúng tôi cũng đến được ấp Trung Thành, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng. Một trong những ấp của xã tiếp giáp nước bạn Campuchia. Dọc hai tuyến đường nơi xã biên giới này, cờ, hoa đua nhau khoe sắc. Những ruộng lúa bắt đầu xanh tốt, kết quả của những ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” của người dân nơi đây. “Biên giới bây giờ đổi mới từ diện mạo cho đến đời sống của người dân. Chúng tôi ai nấy cũng đều có cuộc sống đầy đủ, sung túc hơn trước nên rất vui mừng, phấn khởi” - ông Nguyễn Trung Can, ngụ ấp Trung Thành, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, mở đầu câu chuyện.
Gần 70 năm sống ở nơi biên giới, có thể nói ông Can quá am hiểu vùng đất này. Từ những tuyến đường, con sông, rạch hay những ruộng lúa của người dân ông đều kể vanh vách khi chúng tôi nhắc đến. Ông nói: “Trong tưởng tượng, tôi cũng không dám nghĩ đến sự đổi thay nhanh chóng của vùng quê nghèo này. Từ khi lọt lòng mẹ đến nay, biên giới mỗi ngày mỗi khác theo hướng tích cực hơn. Đây là cả một quá trình cố gắng, phấn đấu của chính quyền, người dân. Trước đây, vùng này, người dân chỉ toàn dùng xuồng, ghe để di chuyển, còn bây giờ xe ôtô có thể đến tận ruộng lúa. Con em đi học cũng dễ dàng hơn, trường lớp ngày càng được đầu tư, nâng chất,…”.
“Sống nơi biên giới, tôi xác định đây là nhà, mảnh đất của ông cha khó nhọc để giữ gìn, xây dựng, vì thế bản thân ý thức cao vai trò, trách nhiệm của mình đối với việc giữ gìn, bảo vệ từng tấc đất của quê hương. Ngày trước, anh em bộ đội biên phòng lên đây làm nhiệm vụ còn thiếu nhiều thứ, nhất là phương tiện đi lại, chúng tôi ở đây ai có gì hỗ trợ nấy để anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Giờ thì điều kiện tốt hơn, chúng tôi phối hợp lực lượng vũ trang, địa phương giữ gìn, bảo vệ đường biên, cột mốc bằng việc quan sát, theo dõi nếu phát hiện có gì bất thường, người lạ sẽ báo ngay. Bên cạnh đó, tôi luôn giữ gìn mối quan hệ bạn bè tốt đẹp với người dân nước bạn Campuchia. Vì canh tác ruộng lúa cập tuyến biên giới nên tôi có điều kiện hơn một số hộ khác trong việc quan sát tình hình. Giữ gìn, xây dựng, bảo vệ biên giới là một trong những mục tiêu sống quan trọng nhất của tôi. Do đó, thời gian tới, tôi tiếp tục phối hợp địa phương, bộ đội biên phòng để thực hiện vai trò thiêng liêng của mình” - ông Can chia sẻ.
2. Chúng tôi tiếp tục men theo tuyến đường tuần tra biên giới để về huyện Tân Hưng. Hai bên đường nhà cửa người dân mọc san sát nhau, kiên cố, khang trang. Hoa màu, ruộng lúa xanh tốt cùng hình ảnh người dân tất bật làm việc, tiếng cười, nói rộn ràng,…tạo cho biên giới một sức sống mới, một diện mạo mới khác biệt so với thời gian trước chúng tôi từng đến.
Hai năm trước, chúng tôi có mặt tại ấp Sông Trăng, xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng. Vùng đất biên giới này còn lắm khó khăn từ hạ tầng đến đời sống người dân thiếu thốn về mọi mặt. Nhưng lần trở lại này, vùng đất này cho chúng tôi sự ngỡ ngàng bởi đường giao thông được đầu tư xây dựng khang trang, người dân buôn bán tấp nập, khác hẳn với sự đìu hiu lúc trước.
Ông Võ Chí Thanh, ngụ ấp Sông Trăng, xã Hưng Hà, cho biết: “Nếu không chứng kiến tận mắt, sống ở đây thì tôi cũng không thể tin nổi vùng biên giới này đổi thay nhanh chóng như vậy. Mọi thứ mỗi ngày mỗi khác. Người dân chúng tôi ai nấy cũng đều vui mừng vì cuộc sống ngày càng được nâng cao hơn”.
Ánh mắt rực sáng, đầy tự hào của ông Thanh khi chúng tôi đề cập đến việc tham gia với bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương trong việc bảo vệ đường biên, cột mốc biên cương. Ông nói: “Tôi là bộ đội xuất ngũ, từng tham gia chiến đấu và một phần xương máu nằm lại trên chiến trường nên hơn ai hết, tôi hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Sống ở biên giới, nơi đây là quê hương, nhà của mình. Chính vì vậy, mỗi người phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn và xây dựng. Đó là trách nhiệm chung của mọi người dân chứ không thuộc về một ai cả. Được bảo vệ đường biên, cột mốc biên cương là một nhiệm vụ hết sức thiêng liêng, tôi sẽ tiếp tục ra sức để thực hiện nhiệm vụ ấy; đồng thời, sẽ giáo dục con cháu, vận động mọi người cùng tham gia”.
Theo Đại úy Nguyễn Xuân Linh - Chính trị viên Đồn Biên phòng Sông Trăng (xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng), người dân biên giới ý thức cao trong việc giữ gìn, xây dựng, bảo vệ đường biên, cột mốc biên cương. Họ tích cực phối hợp đơn vị để thực hiện việc này. Tình quân - dân biên cương luôn gắn bó như răng với môi. Chúng tôi luôn được người dân đồng hành, hỗ trợ để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngược lại, bộ đội giúp dân khắc phục các thiên tai, sửa chữa nhà cửa, thu hoạch hoa màu,… Thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những quy định mới, phối hợp các đơn vị khác, người dân để bảo đảm biên giới bình yên, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu, mạnh./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/bien-gioi-la-nha--a86469.html