BIDV và ADB công bố báo cáo 'Thị trường tài chính Việt Nam 2022 và triển vọng 2023'

Ngày 20/4/2023, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chủ trì là Viện Đào tạo và nghiên cứu và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đồng tổ chức Hội thảo công bố báo cáo 'Thị trường tài chính Việt Nam 2022 và triển vọng 2023'.

Nội dung báo cáo cho thấy, thị trường tài chính Việt Nam vẫn trong giai đoạn phát triển, nhạy cảm trước tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Tuy nhiên, với kinh nghiệm điều hành, chính sách linh hoạt và phối hợp đồng bộ, thị trường tài chính Việt Nam đã cơ bản ổn định trở lại, góp phần tăng khả năng cung ứng vốn, đầu tư và phân bổ vốn cho nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Trần Phương - Phó Tổng giám đốc BIDV phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: C.T

Ông Trần Phương - Phó Tổng giám đốc BIDV phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: C.T

Triển vọng tăng trưởng năm 2023 đối mặt nhiều thách thức ADB: Tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 dự kiến ở mức 6,5%

Sang năm 2023, bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái nhẹ, tăng trưởng chậm lại với giá cả, lạm phát đã dịu đi, tỷ giá ổn định hơn và lãi suất chững lại, nhưng còn ở mức cao, thị trường tài chính, ngân hàng có nhiều rủi ro tiềm ẩn, nhất là sau sự cố sụp đổ của một số ngân hàng Mỹ và Thụy Sỹ, dù đã được khoanh vùng xử lý. Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng chậm lại (5,5 – 6%) với lạm phát có thể sẽ cao hơn năm 2022 (4 - 4,5%).

Trong bối cảnh đó, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã và đang chủ động, linh hoạt, thích ứng, ưu tiên hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, hạ dần lãi suất nhưng không chủ quan với lạm phát. Chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm với việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tiếp tục một số chính sách giãn, hoãn, giảm thuế, phí nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, kích thích tăng trưởng.

Các điều chỉnh chính sách như: Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Nghị quyết 33/2023/NQ-CP về phát triển thị trường bất động sản, Nghị định 10/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số nghị định hướng dẫn Luật Đất đai, Đề án phát triển nhà ở xã hội… được kỳ vọng ổn định và lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, bất động sản nhưng cần theo dõi sát sao và phản ứng chính sách kịp thời vì rủi ro tài chính – ngân hàng toàn cầu gia tăng cũng như những tồn tại trên thị trường tài chính, bất động sản cần thời gian để khắc phục.

Cùng với đó, hành vi người dùng đã thay đổi nhiều sau dịch Covid-19 với việc ưu tiên sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt hơn, quản lý đầu tư và chi tiêu chặt chẽ hơn. Các nhà quản lý cần có chính sách thúc đẩy hành vi không dùng tiền mặt của người tiêu dùng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý (kể cả cơ chế Sandbox) để phát triển tài chính số và Fintech.

Nội dung về phát triển tài chính xanh tại Việt Nam

Một trong những điểm mới của báo cáo lần này là phần nội dung về thực trạng, cơ hội và thách thức đối với tài chính xanh. Tài chính xanh đang là một xu hướng lớn trên toàn thế giới với sự tham gia vào cuộc của các tổ chức tài chính quốc tế, Chính phủ của các nước cũng như hệ thống tài chính của từng quốc gia, khu vực. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó khi đang thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và chứng kiến thị trường tài chính xanh phát triển nhanh hơn trong thời gian gần đây.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bidv-va-adb-cong-bo-bao-cao-thi-truong-tai-chinh-viet-nam-2022-va-trien-vong-2023-126156.html