Bị trừng phạt, Trung Quốc triệu tập các nhà ngoại giao EU

Bắc Kinh triệu tập các nhà ngoại giao EU nhằm phản đối việc các nước phương Tây đồng loạt trừng phạt các quan chức cấp cao Trung Quốc liên quan vấn đề Tân Cương.

Hãng tin AP đưa tin Trung Quốc ngày 23-3 cho biết đã triệu tập đại sứ của Liên minh châu Âu (EU) và Anh tại nước này nhằm thể hiện sự phản đối sau khi Mỹ, EU, Canada và Anh cùng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức cấp cao của Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh hôm 22-3 đã triệu tập ông Nicolas Chapuis - Đại sứ EU tại Trung Quốc - để phản đối các lệnh trừng phạt của EU.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. Ảnh: REUTERS

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. Ảnh: REUTERS

Phát biểu tại cuộc họp giao ban hôm 23-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh gọi các biện pháp trừng phạt mới là "sự vu khống và xúc phạm danh tiếng và phẩm giá của người dân Trung Quốc".

“Tôi khuyên họ không nên đánh giá thấp quyết tâm kiên định của người Trung Quốc trong việc bảo vệ lợi ích và phẩm giá quốc gia, và họ sẽ phải trả giá cho sự điên rồ và kiêu ngạo của mình” - bà Hoa nhấn mạnh.

Động thái triệu tập của Trung Quốc được đưa ra sau Mỹ, EU, Anh và Canada hôm 22-3 đã phối hợp trừng phạt các quan chức Trung Quốc vì những cáo buộc lạm dụng nhân quyền ở Tân Cương.

Chính phủ Úc và New Zealand nhắc lại mối quan ngại sâu sắc về số lượng ngày càng tăng các báo cáo đáng tin cậy về tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Tân Cương. Hai nước này chưa đưa ra biện pháp trừng phạt nào, do có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại với Trung Quốc.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết các biện pháp trừng phạt đa quốc gia là một phần của “chính sách ngoại giao chuyên sâu” của Anh, Mỹ, Canada và 27 quốc gia EU trong bối cảnh có nhiều bằng chứng về tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với người Duy Ngô Nhĩ.

“Các biện pháp trừng phạt sẽ được áp đặt ngay lập tức, bao gồm lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với bốn quan chức Trung Quốc” - ông Raab nói.

Trong một tuyên bố Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết phản ứng thống nhất này "gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ tới những người vi phạm hoặc lạm dụng nhân quyền, và chúng tôi sẽ thực hiện các hành động tiếp theo phối hợp với các đối tác có cùng chí hướng".

Trung Quốc cho biết những người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo thiểu số khác ở khu vực Tân Cương đã “tự nguyện tham gia các khóa đào tạo việc làm và chống cực đoan hóa”. Trung Quốc bác bỏ cáo buộc rằng hơn một triệu người đã bị giam giữ trong các trại cải tạo, nơi họ buộc phải từ chối văn hóa bản địa và cam kết trung thành với chính quyền nước này.

Các phương tiện truyền thông, chính phủ nước ngoài và các nhóm hoạt động nói rằng các vụ lạm dụng, bao gồm cả lao động cưỡng bức và kiểm soát sinh đẻ cưỡng bức, đang diễn ra.

Nga, Trung lên tiếng

Động thái của Bắc Kinh được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lên án làn sóng chỉ trích và trừng phạt mới đối với cả hai nước liên quan vấn đề nhân quyền.

Tại cuộc họp báo ở TP. Nam Ninh, miền nam Trung Quốc, ông Vương và ông Lavrov đã bác bỏ những chỉ trích từ bên ngoài về chính quyền Bắc Kinh và Moscow, đồng thời nói rằng họ đang nỗ lực để đạt được tiến bộ toàn cầu hơn nữa trong các vấn đề từ biến đổi khí hậu đến đối phó đại dịch COVID-19.

Ông Vương cho biết: “Các quốc gia nên hợp tác với nhau để phản đối tất cả các hình thức trừng phạt đơn phương. Những biện pháp này sẽ không được cộng đồng quốc tế chấp nhận".

Theo AP, Nga cũng đang chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây với cáo buộc vi phạm nhân quyền và gây hấn quân sự với Ukraine.

Ngoại trưởng Lavrov cho biết mối quan hệ của Nga với Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ khi quan hệ giữa Moscow với EU bị tổn hại. Ông Lavrov đồng thời cáo buộc phương Tây "áp đặt các quy tắc của riêng họ lên tất cả những nước khác, điều mà họ tin rằng sẽ giúp củng cố trật tự thế giới".

Trong một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp, hai vị quan chức cho biết không quốc gia nào nên tìm cách áp đặt hình thức dân chủ của mình lên nước khác.

“Việc can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền với lý do ‘thúc đẩy nền dân chủ’ là không thể chấp nhận được” - tuyên bố nêu rõ.

HÒA ĐẶNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/bi-trung-phat-trung-quoc-trieu-tap-cac-nha-ngoai-giao-eu-974391.html