Bí quyết để làm bài thi vào lớp 10 đạt điểm cao

Để có suất vào lớp 10 công lập, học sinh phải nắm chắc kiến thức và có kỹ năng khi làm bài.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ diễn ra trong hai ngày 6 và 7-6 tới. Học sinh (HS) sẽ dự thi ba môn bắt buộc gồm văn, toán và ngoại ngữ.

Nhiều giáo viên giàu kinh nghiệm đã chia sẻ những bí kíp để các em có thể đạt điểm cao trong kỳ thi sắp tới.

Môn văn: Nắm chắc cấu trúc đề thi

Theo cô Nguyễn Thị Liên Chi (giáo viên Trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh, TP.HCM), muốn đạt kết quả cao môn văn, HS phải nắm vững cấu trúc đề cũng như kỹ năng làm bài của từng phần.

Phần đọc hiểu gồm bốn câu hỏi. Câu thứ nhất (0,5 điểm) phát hiện chi tiết từ văn bản. HS phải trích dẫn đầy đủ, chính xác, rõ ràng. Câu thứ hai liên quan đến các phép liên kết (phép lặp, phép nối, phép thế), các thành phần biệt lập (gọi được tên và chỉ rõ từ ngữ), phát hiện biện pháp tu từ, từ vựng (cần gọi được tên và chỉ đúng)... HS cần trả lời rõ ràng.

Cô Nguyễn Thị Liên Chi (giáo viên Trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh, TP.HCM) trong một tiết dạy. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Cô Nguyễn Thị Liên Chi (giáo viên Trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh, TP.HCM) trong một tiết dạy. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Câu thứ ba nói về nội dung của văn bản, đề cập điểm giống nhau và khác nhau của hai văn bản hoặc nêu ý nghĩa. HS cần gạch dưới những từ khóa được thể hiện ở câu đầu đoạn và cuối đoạn, nguồn trích của văn bản để trả lời chính xác.

Câu thứ tư yêu cầu viết đoạn văn gồm 4-6 dòng hoặc 5-7 câu. HS phải trình bày đúng theo yêu cầu của đề, trả lời đúng trọng tâm, tránh dài dòng.

Phần nghị luận xã hội thường có ba dạng.

Dạng đề nhận định, đánh giá, câu hỏi. HS thường lúng túng với phần đặt câu hỏi, trong trường hợp này, đề ra câu hỏi nhưng HS đã xác định được chủ đề có thể làm tương tự như một nhận định.

Dạng cho tình huống để lựa chọn, các em nên xác định vấn đề ngay từ đầu. Tình huống nào cũng có mặt tích cực nên cần phải xoáy sâu vào vấn đề này.

Đối với dạng là những câu chuyện, HS phải chú ý nguồn dẫn, tiêu đề để xác định được chủ đề.

Phần nghị luận văn học thường gồm hai đề. Phần này, HS cần rèn luyện kỹ năng phân tích, cảm nhận tác phẩm văn học theo thể loại thơ, truyện; nắm vững kỹ năng viết bài văn nghị luận; dùng kiến thức và trải nghiệm đọc tác phẩm để giải quyết tình huống. HS tránh tình trạng diễn xuôi lại tác phẩm, bài làm thiếu cảm xúc do ít đọc, ít suy tư, không hiểu rõ yêu cầu của đề, viết lại nội dung máy móc.

Môn toán: Chắc từng câu, có kỹ năng giải toán thực tế

Cô Phạm Vy Anh (giáo viên Trường THCS Trần Quang Khải, quận 12, TP.HCM) cho hay đề toán gồm tám bài. Trong đó, bài 1 là toán đồ thị, bài 2 là hệ thức Vi-et ở mức độ nhận biết, thông hiểu. HS rất dễ lấy điểm nên phải làm bài cẩn thận.

Năm bài tiếp theo là dạng toán thực tế, HS phải đọc kỹ đề, gạch dưới những từ quan trọng, chú ý đơn vị, thế số cho đúng, tính toán hợp lý, dùng những dữ kiện hợp lý để giải.

Về phần hình học, HS phải rèn kỹ năng kẻ hình cho đúng, cố gắng làm câu a vì câu này không khó.

“Khi làm bài phải tính toán cẩn thận, làm bài nào chắc bài đó. Đừng để mất điểm vì những sơ sẩy như chép đề sai, quên đổi đơn vị, vẽ hình không đúng...” - cô Anh khuyên.

Tương tự, thầy Nguyễn Đăng Khoa (giáo viên Trường THCS Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM) cũng cho rằng các bài toán thực tế thường liên quan đến hàm số, các vấn đề mua bán (giảm giá, lãi suất), hình học không gian (hình trụ, hình nón, hình cầu)... Để làm tốt các dạng bài này, HS cần phải đọc thật kỹ đề, xác định các dữ liệu liên quan quan trọng. Đa phần bài toán đều được đưa về dạng toán tính phần trăm hay lập hệ phương trình… Vì thế, khi làm bài, các em phải xem sẽ sử dụng công thức gì, thống nhất đơn vị chưa để thực hiện cho đúng. Đối với bài toán hình không gian, phải xác định vật ra trong đề là hình gì, viết công thức cho đúng…

Theo thầy Khoa, HS thường bị mất điểm do chưa quy đổi đơn vị, sử dụng công thức sai và đặc biệt là quên làm tròn số trong bài toán thực tế.

Môn tiếng Anh: Chú ý vốn từ vựng, tránh viết sai chính tả

Cô Vũ Thị Thanh Tâm (giáo viên tiếng Anh Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết đề thi gồm 40 câu. Trong đó, từ câu 1 đến câu 14 là trắc nghiệm (có bốn câu phát âm), hai câu biển báo, hai bài đọc hiểu (reading - 12 câu), sáu câu word form, bốn câu viết lại, hai câu sắp xếp các cụm từ thành câu hoàn chỉnh.

Theo cô Tâm, HS hay bị sai ở phần phát âm, do đó các em cần phải cẩn thận khi làm bài.

Các câu trắc nghiệm còn lại chủ yếu kiểm tra về từ vụng, giới từ, các câu hỏi đáp (thường nằm trong các chủ đề đã học).

Đối với phần đọc hiểu, đòi hỏi HS phải có vốn từ tốt. Hiện nay, bài thi không thiên về ngữ pháp mà chú trọng đến từ vựng. Do đó, HS phải đọc kỹ các bài, các chủ đề trong sách để có vốn từ. Khi ôn, không ôn từ riêng lẻ mà nên ôn theo cụm từ. Phần này, HS thường mất điểm do ẩu, thiếu cẩn thận, đọc đề không kỹ nên trả lời sai.

Ở phần tự luận, HS thường bị mất điểm do viết sai chính tả hoặc viết không rõ chữ. Bài thi không yêu cầu các em phải viết chữ đẹp nhưng các em phải viết rõ ràng đáp án.

Dạng viết lại câu cũng là phần HS bị mất điểm. Dạng này chủ yếu đổi sang câu bị động, viết lại câu điều kiện hay câu tường thuật. Tuy nhiên, khi làm bài HS thường không nắm được dạng câu, diễn xuôi theo văn nói, viết không đúng nên không được chấm điểm.

Thầy Trần Tiến Thành (chuyên viên ngữ văn, Sở GD&ĐT TP.HCM) chỉ ra những yếu tố gây ảnh hưởng khi các em làm bài như phân bố thời gian không hợp lý cho các phần, các câu; đọc đề không kỹ dẫn đến trả lời không đúng trọng tâm hoặc trả lời dài dòng, thừa ý; trình bày, viết chữ cẩu thả, khó đọc; bài làm không hoàn chỉnh (do quá say sưa viết về một ý dẫn đến quên kết bài hoặc kết bài quá sơ sài).

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/bi-quyet-de-lam-bai-thi-vao-lop-10-dat-diem-cao-post734347.html