Bi kịch vì thừa tài sản, thiếu… tiền mặt
Có một thực trạng đáng chú ý là nhiều người đang sở hữu lượng tài sản lớn dưới dạng bất động sản và chứng khoán nhưng lại rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền cho chi tiêu hàng ngày.
Nhiều tài sản nhưng vẫn “đói” tiền mặt
Gia đình anh Đặng Văn Hiệu (Văn Phú, Hà Đông) cả năm nay phải “thắt lưng buộc bụng”, chi tiêu dè xẻn vì có bao nhiều tiền anh đều dồn hết vào bất động sản và chứng khoán. Nếu so với bạn bè anh cũng là người có tiền có của. Hai vợ chồng được thừa hưởng một căn nhà liền kề ở Văn Phú, Hà Đông hơn chục tỉ, thế nhưng vì máu đầu tư, nên cách đây 2 năm anh bán hết đi, đầu tư mua mấy mảnh đất ở Hòa Bình, Bắc Ninh, với hi vọng vài năm sau nhân đôi tài khoản.
Chưa kể, hai vợ chồng còn chung tiền với bạn bè, mua đi bán lại các căn hộ chung cư để kiếm tiền chênh. Tuy nhiên, sau vài năm, căn liền kề anh Hiệu từng bán đã tăng giá gần gấp đôi, còn những mảnh đất mua ở tỉnh xa của hai vợ chồng giá không nhích lên được là mấy. Điều nghịch lý là dù có trong tay hơn chục tỉ đồng nhưng hai vợ chồng, hai đứa con vẫn phải đi thuê nhà 15 triệu đồng/ tháng. Các căn chung cư mà vợ chồng anh đầu tư mua đi bán lại cũng tăng giá chóng mặt, thậm chí tăng gấp đôi. Tính ra số tiền chênh thu về chẳng đáng bao nhiêu và tính cả tiền gốc tiền lãi, thì đến giờ anh cũng chẳng đủ tiền để mua lại những căn hộ đã bán. Chưa kể đầu tư gần 2 tỷ chứng khoán, hai năm qua anh Hiệu cũng gần như trắng tay.
Vay cả tiền bạn bè, trả lãi hàng tháng để ném vào chứng khoán, thế nhưng tài khoản cứ dần bốc hơi theo những phiên downtrend của thị trường. Hàng tháng phải trả nợ lãi, lại thêm tiền ăn, tiền học, tiền nhà… của các con đè nặng. Anh Hiệu vốn là công chức nhà nước, lương “ba cọc ba đồng”, vợ anh làm nghề kinh doanh quần áo, nhưng lợi nhuận mang về cũng không đủ so với chi tiêu hàng tháng của gia đình. Áp lực cuộc sống đè nặng, có những lúc vợ anh còn dọa ly hôn vì chồng không mang được đồng nào về nuôi con. “Trót vay nợ đầu tư thì đâm lao phải theo lao. Cùng lắm phải bán lỗ một mảnh đất, nếu khó khăn quá”, anh Hiệu cho hay.
Tương tự anh Hoàng Văn Dương (đường Cầu Giấy, Hà Nội) cũng luôn phải sống trong tình trạng lo trả lãi hàng tháng, nợ nần như “chúa chổm”. Có chút tiền tích cóp từ hai vợ chồng và tiền ông bà nội ngoại cho, anh đem đầu tư 1 căn biệt thự vùng ven bằng cách vay thêm ngân hàng, trả lãi trong vòng 10 năm. Thế nhưng mua đúng đỉnh sóng, sau hai năm được miễn trả lãi, sang năm thứ 3, vợ chồng bắt đầu xoay như chong chóng để vừa cày cuốc lo phí sinh hoạt hàng ngày, vừa tiết kiệm trả lãi ngân hàng.
Với số tiền vay lên đến 5 tỷ đồng, chưa kể, anh còn cắm sổ đỏ căn chung cư cao cấp đang ở để vay thêm 2 tỷ đầu tư vào chứng khoán, mỗi tháng vợ chồng anh Dương phải trả cả gốc lẫn lãi gần 100 triệu đồng. Chưa kể chi phí dịch vụ ở khu chung cư khá đắt đỏ, cộng với tiền học hành, ăn uống của các con… Trong khi chứng khoán thì càng ngày càng bết bát, căn biệt thự mới đầu tư thì mất giá, chỉ sau 3 năm mua đỉnh, giờ chấp nhận bán cắt lỗ cả tỉ vẫn không bán được, ở cũng không xong vì quá xa, anh đành ngậm ngùi cho thuê giá rẻ để giữ nhà, với hi vọng có ngày thị trường bất động sản hồi phục.
“Có những tháng vợ chồng cãi chửi nhau vì không có tiền tiêu. Đến tháng, các loại hóa đơn đập vào mặt, rồi tiền lãi ngân hàng đến kì phải thanh toán, nếu không sẽ thành nợ xấu. “Nhiều lần tôi còn phải vay nóng chỗ no, đập vào chỗ kia, thậm chí phải bán cắt lỗ chứng khoán. Bất động sản thì đóng băng, chứng khoán thì đầu tư mã nào “chết” mã đấy. Mà trót vay nợ, giờ không thể bán rẻ nhà, hay bán hết chứng khoán được, đành cố xoay sở để trả nợ, hi vọng có ngày thị trường bất động sản hay chứng khoán hồi phục”, anh Dương ngao ngán.
Anh Hoàng Văn Thư, sống tại Mễ Trì cho biết, anh cũng đang trong tình trạng khá éo le khi tổng tài sản hiện có ước tính khoảng hơn 30 tỷ đồng bao gồm 1 căn hộ chung cư giá 9 tỷ; 2 căn liền kề vùng trị giá gần 20 chục tỉ, chưa kể có vài tỉ đầu tư chứng khoán, thế nhưng có những lúc cần tiền, anh không thể bán đất, chứng khoán hiện vẫn đang trong tình trạng lỗ nặng, nên có những lúc anh đành muối mặt đi vay mượn bạn bè, bố mẹ 2 bên. Dù mang tiếng khá giả thế nhưng không ai nghĩ anh Thư vẫn phải đi vay tứ tung để trả nợ.
Chữa căn bệnh trầm kha
Người dân Việt Nam từ lâu đã coi bất động sản là một kênh đầu tư an toàn và sinh lời ổn định. Nhiều người sẵn sàng vay ngân hàng hoặc bán tài sản khác để mua thêm nhà đất với hy vọng giá sẽ tiếp tục tăng.
Trong khi đó, chứng khoán trở thành lựa chọn của thế hệ trẻ với kỳ vọng kiếm lợi nhanh từ các đợt tăng trưởng ngắn hạn. Tuy nhiên, thay vì cân đối dòng tiền, họ thường dồn phần lớn thu nhập và tiết kiệm vào các kênh này, dẫn đến việc thiếu hụt tiền mặt cho nhu cầu thiết yếu.
Ông Nguyễn Thành Lê, Tổng giám đốc một công ty chứng khoán nhận định, phần lớn nhà đầu tư không được đào tạo bài bản về tài chính cá nhân, thiếu kiến thức, kinh nghiệm và thông tin trên thị trường kinh doanh, đặc biệt là bất động sản, chứng khoán. Điều này dẫn đến khi ra quyết định đầu tư, phần lớn đều theo lời “con tim mách bảo” và có những hành động cảm tính, không cân nhắc được và mất, không biết tính ổn định của dòng thu nhập. Thêm vào đó là tâm lý đám đông ham làm giàu nhanh của đại bộ phận người trẻ hiện nay.
“Phần lớn nhiều người không hiểu rõ thị trường nhưng bị cuốn vào làn sóng đầu tư do nghe theo bạn bè, người quen hoặc các nguồn thông tin không chính thống. Có những trường hợp, nhà đầu tư mặc dù biết giá đất đã tăng 30-40%, song chỉ cần nghe người thân, bạn bè vừa chốt lời được hay có những tin đồn về quy hoạch là sẵn sàng xuống tiền đầu tư. Tâm lý “sợ bị bỏ lỡ cơ hội” (FOMO) khiến họ đầu tư một cách vội vàng mà không có chiến lược cụ thể. Họ không phân biệt được giữa đầu tư dài hạn và đầu cơ ngắn hạn, dẫn đến việc chạy theo lợi nhuận nhanh mà không đánh giá rủi ro.
Thị trường bất động sản và chứng khoán ở Việt Nam đôi khi chịu ảnh hưởng từ các yếu tố đầu cơ, thông tin giả, hoặc chiêu trò “bơm thổi” giá. Nhà đầu tư nên nhớ bản chất sốt đất là đầu cơ trên thông tin kỳ vọng của hạ tầng. Tuy nhiên, thời gian để triển khai của các hạng mục này thường rất lâu, có khi là 5-10 năm. Để kì vọng giá đất tăng thì điều quan trọng hơn nữa là hạ tầng phát triển phải đi kèm với sự phát triển dân sinh. Đã có rất nhiều bài học nhãn tiền, song đến nay điều đó vẫn chưa được khắc phục”, ông Lê cho biết.
Thực tế cho thấy, nhiều người đầu tư gần như toàn bộ tài sản hoặc đi vay để đầu tư, dẫn đến tình trạng thiếu tiền mặt cho các nhu cầu sinh hoạt hoặc trả nợ. Khi thị trường bất động sản hoặc chứng khoán suy giảm, họ rơi vào tình trạng “kẹt vốn”, không thể chuyển đổi tài sản thành tiền mặt nhanh chóng. Nhiều người vay vốn ngân hàng để đầu tư, dẫn đến gánh nặng trả lãi và gốc hàng tháng. Điều này khiến họ luôn trong trạng thái thiếu tiền, dù tài sản trên sổ sách có giá trị lớn.
Thực trạng người dân giàu tài sản nhưng nghèo tiền mặt phản ánh sự thiếu cân bằng trong quản lý tài chính cá nhân. Tâm lý của người Việt Nam luôn thích bất động sản vì cho rằng “người có thể đẻ, đất không đẻ được, đầu tư đất chắc chắn sẽ thắng”. Nhưng thực tế bất động sản cũng có tính chu kỳ xoay quanh sự vận động của nền kinh tế tại từng thời điểm.
Sự đổ xô đầu tư vào bất động sản và chứng khoán mà không dựa trên giá trị thực có thể dẫn đến bong bóng, gây ra khủng hoảng khi bong bóng vỡ. Việc vay vốn để đầu tư thất bại làm gia tăng tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng đến khả năng cung cấp tín dụng của nền kinh tế. Dòng tiền tập trung quá mức vào chứng khoán và bất động sản có thể làm suy giảm đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, công nghệ, hoặc giáo dục - những ngành cần thiết cho sự phát triển bền vững.
Việc đầu tư thông minh không chỉ dựa vào việc sở hữu tài sản mà còn phải đảm bảo khả năng duy trì cuộc sống hàng ngày. Đây là lời cảnh tỉnh cho những ai đang chạy theo cơn sốt bất động sản và chứng khoán mà bỏ quên giá trị của tiền mặt trong bức tranh tài chính tổng thể.