Bị khởi tố và bãi nhiệm ĐBQH, Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái sẽ bị xử lý về mặt Đảng ra sao?
Ông Dương Văn Thái vi phạm đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự (đã bị khởi tố, bắt tạm giam) nên sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng, thẩm quyền này thuộc Ban Chấp hành Trung ương.
Chiều hôm qua (2-5), tại kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội đã thực hiện quy trình bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Dương Văn Thái, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.
Trước đó, ông Thái cũng đã bị khởi tố bị can sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1046/NQ-UBTVQH15 đồng ý đề nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam đại biểu quốc hội.
Ông Dương Văn Thái khi bị bắt đang là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang. Do đó, bên cạnh quy trình tố tụng, sau khi bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, quy trình xử lý tiếp theo về mặt Đảng đối với ông Thái ra sao?
Hiện nay, việc kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo nguyên tắc là kỷ luật của Đảng đồng bộ với kỷ luật hành chính.
Về mặt hành chính, ông Dương Văn Thái là cán bộ. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 7, Nghị định 112/2020 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 71/2023) thì đối với cán bộ có 4 hình thức kỷ luật, đó là: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.
Ông Dương Văn Thái bị kỷ luật với hình thức “bãi nhiệm” đại biểu Quốc hội, tức là hình thức kỷ luật cao nhất đối với cán bộ.
Về kỷ luật đảng, theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Quy định 69-QĐ/TW ngày 6-7-2022 của Bộ Chính trị, có 4 hình thức kỷ luật áp dụng đối với đảng viên chính thức là: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức (nếu có chức vụ), khai trừ.
Trường hợp ở Lâm Đồng
Hẳn bạn đọc còn nhớ, ngày 2-1, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng để điều tra về tội nhận hối lộ.
Mở rộng điều tra, C03 bắt giữ ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng để điều tra hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Sau đó, Bộ Chính trị phân công ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng, tạm thời phụ trách Tỉnh ủy Lâm Đồng cho đến khi có nhân sự mới.
Theo phụ lục 1 về các chức danh cán bộ diện Trung ương quản lý kèm theo Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18-8-2022 của Bộ Chính trị, cả hai vị trí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang mà ông Dương Văn Thái đảm nhiệm đều thuộc thẩm quyền quản lý cán bộ của Bộ Chính trị.
Trong khi đó, Điều 11 Quy định 22-QĐ/TW ngày 28-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương “về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng”:
Thứ nhất, Ban Bí thư, Bộ Chính trị quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý; khiển trách, cảnh cáo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (kể cả Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị) vi phạm phẩm chất chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên. Trường hợp cách chức, khai trừ thì Ban Bí thư, Bộ Chính trị báo cáo Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định.
Thứ hai, Ban Chấp hành Trung ương là cấp quyết định kỷ luật cuối cùng; quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư.
Trong trường hợp của ông Dương Văn Thái đã bị “bãi nhiệm” Đại biểu Quốc hội, mà kỷ luật hành chính “đồng bộ”, “tương xứng” với kỷ luật đảng nên ông Thái sẽ bị cách chức Ủy viên Trung ương, cách chức Bí thư Tỉnh ủy và có thể bị khai trừ ra khỏi đảng.
Tuy nhiên trước đó, ông Thái đã bị khởi tố, bắt tạm giam, như vậy ông thuộc diện bị “truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Mà theo quy định tại Khoản 9 Điều 2 Quy định 69-QĐ/TW thì: “Đảng viên vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, bị truy nã, bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì khai trừ ra khỏi Đảng; nếu hình phạt nhẹ hơn cải tạo không giam giữ thì tùy nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ để thi hành kỷ luật đảng tương xứng. Nếu làm thất thoát tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì phải xem xét trách nhiệm và bồi thường”.
Với quy định này, đảng viên vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ khai trừ ra khỏi Đảng.
Như vậy, ông Dương Văn Thái sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng. Thẩm quyền này thuộc Ban Chấp hành Trung ương.
Và tới đây, trong cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương gần nhất, Bộ Chính trị sẽ báo cáo Ban Chấp hành Trung ương để Ban Chấp hành Trung ương thực hiện quy trình kỷ luật đối với ông Dương Văn Thái, đó có thể:
Một là, có thể biểu quyết cách chức Ủy viên Trung ương Đảng, cách chức Bí thư Tỉnh ủy và khai trừ ra khỏi Đảng.
Hai là, biểu quyết khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Dương Văn Thái. Khi đã bị khai trừ ra khỏi Đảng, chắc chắn tất cả các chức vụ về Đảng mà ông Dương Văn Thái hiện đảm nhiệm như Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy cũng sẽ không còn.
Các chức danh cán bộ do Bộ Chính trị quyết định
Theo phụ lục 1 về các chức danh cán bộ diện Trung ương quản lý kèm theo Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18-8-2022 của Bộ Chính trị “về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử” thì các chức danh cán bộ do Bộ Chính trị quyết định bao gồm:
Các cơ quan Trung ương:
- Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Thường trực Ban Bí thư; Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Bí thư; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Phó Chủ tịch nước; Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch Quốc hội.
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng - An ninh.
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia.
- Trưởng các ban chỉ đạo, tiểu ban, hội đồng do Bộ Chính trị thành lập.
- Thành viên Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ.
- Ủy viên Trung ương Đảng chính thức (Ủy viên Trung ương dự khuyết đang đảm nhiệm vị trí công tác nào thì được xác định vị trí thứ bậc và hưởng các chế độ, chính sách theo chức vụ đang công tác).
- Trưởng ban, cơ quan đảng ở Trung ương; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
- Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Trưởng Ban Công tác đại biểu, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội).
- Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
- Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.
- Tổng Kiểm toán Nhà nước.
- Trưởng tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
- Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.
Các tỉnh, thành phố và đảng ủy khối trực thuộc Trung ương
- Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương.
- Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Quân đội, Công an
- Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương.
- Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
TS VŨ TRUNG KIÊN, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Khu vực II