Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói không với phong bì
Tấm biển 'Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang nói không với phong bì' được đặt trang trọng, dễ quan sát trước cửa các khoa, phòng của bệnh viện. Đây là phong trào thi đua lần đầu tiên xuất hiện tại một bệnh viện tuyến tỉnh, là lời tuyên chiến với vấn nạn phong bì.
Theo một nghiên cứu được triển khai trong 2 năm (2010-2011) của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) về ảnh hưởng của các khoản chi phí không chính thức trong ngành Y tế cho thấy, đây là sự phổ biến khi sử dụng dịch vụ y tế tại các cơ sở y tế công lập, mức độ càng tăng khi lên tuyến trên. Qua ý kiến những đại diện tổ chức và cá nhân được phỏng vấn thì đưa phong bì không những không làm tăng chất lượng điều trị như người dân mong muốn, mà còn làm xấu đi hình ảnh của người thầy thuốc; người bệnh dùng phong bì để cạnh tranh lẫn nhau và người nghèo sẽ là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Trước vấn nạn này, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế, ngày 15 - 6, Công đoàn cơ sở Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua thực hiện “Nói không với phong bì”. Đây là hành động có ý nghĩa thiết thực, chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025. Bác sỹ CK II Đoàn Lương Anh, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, phương châm trong tuyên chiến với vấn nạn phong bì sẽ là “Không đưa tiền, quà cho y, bác sỹ, nếu đưa sẽ không nhận, nếu cố tình đưa chúng tôi sẽ từ chối phục vụ”. Để phong trào có sức lan tỏa, Ban Giám đốc cùng các khoa, phòng đã chủ động ký cam kết thực hiện, nếu có sai phạm, lãnh đạo đơn vị đó sẽ chịu trách nhiệm.
Chị Trần Thị Thu, xã Thiện Kế (Sơn Dương) chia sẻ, ngày 14 - 7 chị phải vào bệnh viện mổ tại Khoa Tai - Mũi - Họng, sau khi ca mổ thành công, gia đình có đưa cho bác sỹ phong bì 1 triệu đồng để cảm ơn nhưng bị từ chối. Gia đình cũng bất ngờ trước hành động của bác sỹ trong bệnh viện, tuy là lần đầu tiên chị Thu đến bệnh viện tỉnh để chữa bệnh, nhưng hành động trên và sự quan tâm, chăm sóc của y, bác sỹ trong viện làm chị cảm thấy vô cùng biết ơn. Qua đây, chị cũng thay đổi cách nhìn về bệnh viện tuyến tỉnh.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện có trên 40 khoa, phòng chức năng, với trên 700 cán bộ, y bác sỹ. Nhiều người có trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ. Trung bình mỗi ngày có khoảng 850 bệnh nhân nội trú, 800 bệnh nhân tới khám ngoại trú. Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, đội ngũ y, bác sỹ bệnh viện được kiện toàn, bổ sung cả về số lượng và chất lượng, vững về chuyên môn, sáng về y đức. Cũng nhờ sự năng động của Ban Giám đốc mà thu nhập của cán bộ, nhân viên ngày càng được nâng cao, đảm bảo cuộc sống theo mặt bằng chung tại tỉnh; bệnh viện có dịch vụ tự nguyện, khám sức khỏe định kỳ, thi bằng lái xe... Nhiều trường hợp bệnh nhân nghèo cũng được bệnh viện nhiệt tình giúp giảm viện phí, hỗ trợ xe đưa đón tận nơi...
Mới đây, gia đình bác sỹ Vũ Văn Tần, nguyên là Trưởng Khoa Ngoại - Chấn thương đã nghỉ hưu từ năm 2012 đã chủ động ủng hộ số tiền 10 triệu đồng để giúp 46 bệnh nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn có tiền mua thuốc khám, chữa bệnh. Lúc còn sống, bác sỹ Tần cũng là tấm gương y đức mẫu mực, luôn giúp đỡ mọi người và bệnh nhân khi gặp khó khăn.
Phong trào “Nói không với phong bì” của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang nhận được sự đồng tình của nhân dân. Để phong trào có sức lan tỏa rộng khắp thì cần nhất là sự tự giác, ý thức của mỗi cá nhân và cả tập thể. Đặc biệt, nếu người bệnh, người nhà người bệnh phát hiện trường hợp y, bác sỹ của bệnh viện có thái độ hạch sách, vòi vĩnh đòi bồi dưỡng phong bì thì phản ánh ngay đến số điện thoại của lãnh đạo trực bệnh viện: 0965.351.010 để kiên quyết xử lý. Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ quyết liệt lấy lại hình ảnh tốt đẹp, “Lương y như từ mẫu” trong lòng nhân dân.