Bệnh đột quỵ nguy hiểm khó lường

Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, Đơn vị đột quỵ (thuộc Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) đã điều trị cho gần 5 ngàn trường hợp đột quỵ não.

Bác sĩ Nguyễn Đình Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh khám cho bệnh nhân có những dấu hiệu của bệnh đột quỵ. Ảnh: H.Dung

Bác sĩ Nguyễn Đình Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh khám cho bệnh nhân có những dấu hiệu của bệnh đột quỵ. Ảnh: H.Dung

BS.Nguyễn Đình Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh cho biết, bệnh đột quỵ nếu không được phát hiện và điều trị sớm dễ dẫn đến tai biến, thậm chí tử vong.

* Các thể của đột quỵ

Theo BS. Nguyễn Đình Quang, bệnh đột quỵ chia làm 2 thể: xuất huyết não (mạch máu bị vỡ ra) và mạch máu bị tắc nghẽn. Cả 2 thể này đều làm cho một vùng não không có máu nuôi, giống như đường ống nước bị vỡ hoặc tắc nghẽn ở một điểm nào đó thì những nhà ở phía xa đường ống nước sẽ bị mất nước.

Do không có máu nuôi não nên vùng não ở phía xa sẽ bị chết. Những triệu chứng thường gặp trước khi vùng não bị chết là yếu, liệt, nói khó. Thậm chí, vùng não không có máu nuôi nguy cấp có thể dẫn đến tử vong.

Ca bệnh đột quỵ được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết đầu tiên mà Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thực hiện là năm 2012 khi chưa thành lập Đơn vị đột quỵ. Từ năm 2017 đến nay, số trường hợp đột quỵ được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết tăng cao. Tỷ lệ thành công trong điều trị thuốc khoảng 50%, can thiệp bằng dụng cụ khoảng 70%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến một người bị đột quỵ. Mỗi thể đột quỵ khác nhau có những nhóm nguyên nhân khác nhau. Cụ thể, với nhóm mạch máu bị tắc nghẽn (chiếm khoảng 80% tổng số bệnh nhân bị đột quỵ), nguyên nhân do người bệnh bị cao huyết áp, tiểu đường (gây bệnh mạch máu lớn, bệnh mạch máu nhỏ), bệnh tim (rung nhĩ), mỡ máu cao, những nguyên nhân khác (bệnh huyết học như máu bị cô đặc hơn bình thường, viêm mạch máu) và những nguyên nhân không xác định.

Nhóm bệnh xuất huyết não chiếm khoảng 20% tổng số ca đột quỵ. Nguyên nhân đa phần do huyết áp cao, mạch máu bị giãn, bị rối loạn đông máu (do dùng thuốc kháng đông, có những bất thường về đông máu, bị xơ gan…), do bệnh mạch máu dạng bột.

Những yếu tố nguy cơ dẫn đến bị đột quỵ như: tiểu đường, huyết áp, thuốc lá, béo phì, chủng tộc, giới, ít vận động. Người nào càng có nhiều yếu tố nguy cơ thì càng dễ bị đột quỵ. Người càng lớn tuổi thì nguy cơ đột quỵ càng tăng.

Tuy nhiên, độ tuổi của đột quỵ đang trẻ hóa. Nguyên nhân có thể do sự phát triển của xã hội, lối sống đô thị, chế độ ăn, cách sinh hoạt gây nên những bệnh mà trước đây thường lớn tuổi mới mắc, đó là tiểu đường, huyết áp.

* Nhận biết và điều trị sớm

Từ FAST được thế giới sử dụng để mô tả những dấu hiệu nhận biết của bệnh đột quỵ. Chữ F nghĩa là Face: gương mặt bị méo mó, không cân đối; chữ A nghĩa là Arm: cánh tay đột ngột bị yếu; chữ S nghĩa là Speak: giọng nói đớ, ngọng, không được bình thường như trước; chữ T là Time: phải xác định được thời gian từ khi phát bệnh để điều trị sớm, đem lại kết quả cao. Bệnh đột quỵ nếu phát hiện trễ sẽ có nguy cơ biến chứng và tử vong cao.

BS.Nguyễn Đình Quang cho hay, có những người đang ngồi ăn cơm hoặc uống cà phê bỗng dưng tay run, yếu, không cầm được ly, chén, hoặc có những người đang buôn bán ở chợ bỗng dưng yếu liệt, ngã xuống thì cần xác định người đó đã bị đột quỵ.

Trong quý IV-2019, Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được Hội Đột quỵ châu Âu công nhận đạt chứng nhận bạch kim sau 2 lần đạt chứng nhận tiêu chuẩn vàng điều trị đột quỵ.

Người dân cần nhanh chóng đưa người thân của mình đến các cơ sở y tế có bác sĩ chuyên môn để được thăm khám, điều trị càng sớm càng tốt.

Đối với thể đột quỵ xuất huyết não, tùy theo nguyên nhân, vị trí và mức độ tổn thương, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp như kiểm soát huyết áp hoặc phẫu thuật. (Những trường hợp u não, chảy máu, dị dạng mạch máu, máu chảy ra thì cần phải phẫu thuật. Trường hợp rối loạn đông máu thì phải điều chỉnh đông máu bằng những chế phẩm của máu).

Đối với thể tắc nghẽn mạch máu, cần được điều trị trong thời gian vàng (tức là 3 giờ đầu kể từ khi có triệu chứng hoặc có thể kéo dài đến 6 giờ tùy từng trường hợp) giúp bệnh nhân giảm di chứng, tái hòa nhập cộng đồng. Điều trị càng sớm thì lợi ích càng cao.

Giai đoạn điều trị cấp, bác sĩ sẽ dùng thuốc tiêu sợi huyết để làm tan cục máu đông trong não bệnh nhân (trong vòng 4-5 giờ từ khi bệnh nhân có triệu chứng, có hiệu quả trong trường hợp các mạch máu nhỏ bị tắc). Những bệnh nhân vào bệnh viện quá 4-5 giờ, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ để di chuyển tới cục máu đông đang bị tắc và tái thông mạch máu. Cả 2 cách này đều nhằm mục tiêu cuối cùng là mạch máu lưu thông trở lại giúp vùng não không bị chết hoặc tổn thương ở mức độ nhẹ hơn. Trường hợp các mạch máu lớn bị tắc, sau khi sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, bác sĩ sẽ đưa bệnh nhân vào phòng thủ thuật để dùng các dụng cụ can thiệp.

Sau khi được điều trị cấp, bệnh nhân sẽ bước sang giai đoạn điều trị phòng ngừa vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để thực hiện tốt, tránh trường hợp bệnh tái phát.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202004/benh-dot-quy-nguy-hiem-kho-luong-2998744/