Bên trong ga tàu điện đẹp như kiệt tác ở Thụy Điển

Tại Stockholm - thủ đô của Thụy Điển, tàu điện ngầm là cả một không gian nghệ bên cạnh công năng di chuyển thường thấy.

Hệ thống tàu điện ngầm của Stockholm được khai trương vào năm 1950, dài 110 km và hiện có 100 ga. Ở Thụy Điển, metro được gọi là T-bana, viết tắt của "tunnelbana" (đường hầm) với 3 tuyến chính được phân biệt bằng màu đỏ, xanh dương và xanh lá cây. Du khách thường ví von hệ thống ga ở Stockholm là phòng trưng bày nghệ thuật khổng lồ khi tới 90 nhà ga được trang trí sặc sỡ. Đi du lịch bằng tàu điện ngầm tại đây giống như đi qua một câu chuyện thú vị kéo dài từ những người tiên phong nghệ thuật vào năm 1950 và thế hệ kế thừa ngày nay. Trong ảnh là tuyến trung tâm Tekniska Högskolan (hoặc T-Centralen - một trong số ga bận rộn nhất Stockholm), có thể dẫn bạn đến Viện Công nghệ Hoàng gia KTH. Nghệ sĩ Per Olof Ultvedt muốn tạo sự bình yên, thư giãn cho hành khách giữa môi trường đông đúc, căng thẳng như nhà ga với màu xanh dương của biển cả kết hợp với họa tiết rêu cách điệu. Bên cạnh đó, độ dài của rêu gợi sự liên tưởng đến đường ray. Ảnh: Olof Ultvedt/Bildupphovsrätt.

Kungsträdgården được đánh giá là một trong số ga được thiết kế đẹp nhất tại Stockholm. Đây là điểm nằm cuối tuyến ga màu xanh dương. Theo Visit Stockholm, Kungsträdgården là một địa danh công cộng lâu đời bậc nhất thủ đô. Tên của ga có nghĩa là "Khu vườn của nhà vua", bắt nguồn từ lịch sử hoàng gia của khu vực. Từ năm 1643-1825, tọa lạc tại đây là Cung điện Makalös với một khu vườn kiểu Pháp. Sau khi Makalös bị thiêu rụi, địa điểm này được sử dụng cho các cuộc tập trận quân sự. Cuối cùng, vào năm 1875, điểm đến đã được Hội đồng Thành phố Stockholm chăm sóc, quản lý và mở cửa đón công chúng. Ảnh: Ulrik Samuleson/Bildupphovsrätt.

Ga Solna Centrum được khai trương với nhánh đầu tiên của tuyến màu xanh dương vào năm 1975. Đây là bức tranh phong cảnh với xanh lá cây tượng trưng cho khu rừng và màu đỏ là mặt trời buổi tối lặn sau những ngọn cây. Sau khi hoàn thành, nghệ sĩ Karl-Olov Björk và Anders Åberg cảm thấy tác phẩm đang thiếu thứ gì đó. Vì vậy, cặp đôi tiếp tục thêm nhiều chi tiết khác nhau vào khu rừng chẳng hạn như hàng thông. Ngoài ẩn ý nghệ thuật, tác phẩm có ngụ ý liên quan một số chủ đề xã hội được tranh luận nhiều nhất ở Thụy Điển những năm 70 - môi trường, nạn phá rừng và sự suy giảm dân số ở các khu vực nông thôn. Ảnh: Karl-Olov Björk, Anders Åberg/Bildupphovsrätt.

Tekniska Högskolan (nằm trên tuyến đỏ) được đặt theo tên của Kungliga Tekniska Högskolan (Viện Công nghệ Hoàng gia KTH - được thành lập năm 1827). Theo Visit Stockholm, đây là ga tàu điện ngầm riêng dành cho sinh viên và giảng viên, giáo sư đến Viện. Tác phẩm tại ga do Lennart Mörk thiết kế thể hiện những tiến bộ khoa học trong nghệ thuật. Chi tiết bắt mắt nhất là 5 khối đa diện đều Platon được treo trên trần, mỗi khối đại diện cho một trên 5 yếu tố lửa, nước, không khí, đất và không gian (ether). Bên cạnh đó, du khách còn có thể thấy chi tiết khác đại diện cho thuyết nhật tâm Copernicus, bảng chữ cái cơ học của Polhem, ba định luật chuyển động của Newton và những nỗ lực của da Vinci trong việc tạo ra một cỗ máy bay, theo hướng dẫn viên nghệ thuật Marie Andersson. Ảnh: Lennart Mörk/Bildupphovsrätt.

Tensta là ga nằm tại vùng ngoại ô cùng tên được khởi chạy từ năm 1975. Nghệ sĩ Helga Henschen, Arne Sedell và anh trai Lars mất hơn một năm để trang trí bên trong ga với các tác phẩm điêu khắc động vật và những chiếc lá cách điệu trên một bức tường trắng sáng. Tensta sở hữu phần lớn dân nhập cư vào Thụy Điển. Do đó, nhóm tác giả muốn mọi hành khách xuống trạm cảm thấy được chào đón bất kể nguồn gốc. Các tác phẩm khác nhau cũng được đặt tên dựa trên ý tưởng này bao gồm "Một bông hồng cho người nhập cư", "Đoàn kết", "Họ hàng". Ảnh: Helga Heschen/Bildupphovsrätt.

Citybanan - Odenplan là một tuyến đường mới cho các chuyến từ Stockholm kết nối trực tiếp T-Centralen với Odenplan. Được hoàn thành vào năm 2017, Citybanan là tuyến tương đối trẻ so với các tuyến khác trong hệ thống. Do đó, tác phẩm nghệ thuật được thiết kế mang hơi hướm hiện đại hơn. Treo trên trần hành lang lối vào phía tây của Odenplan, Life Line là một trong những tác phẩm bắt mắt nhất của tuyến. Tác phẩm của David Svensson bao gồm 400 m đèn LED đường ánh sáng huỳnh quang màu trắng lởm chởm, chiếu sáng rực rỡ trong đường hầm. Hình dạng của đèn được lấy cảm hứng từ nhịp tim của con trai nghệ sĩ hiển thị trên màn hình CTG trong quá trình sinh nở. Ảnh: Visit Stockholm.

Stadion là một trong những trạm hang động đầu tiên của Stockholm. 2 nghệ sĩ Åke Pallarp và Enno Hallek muốn đưa bầu trời vào hang làm giảm nổi sợ hãi bên trong thế giới ngầm và nhắc nhở hành khách về tầm quan trọng của Stadion trong lịch sử thể thao. Gần ga là Sân vận động Olympic Stockholm, địa điểm tổ chức Thế vận hội năm 1912 và trận chung kết khúc côn cầu của Thụy Điển (từ năm 1913-1965). Ngày nay, chi tiết cầu vồng bên trong ga mang ý nghĩa chào mừng hành khách đến địa phương tham gia sự kiện (thể thao, hòa nhạc...). Ảnh: Visit Stockholm.

Tác phẩm nghệ thuật trong ga Solna Strand thể hiện sự tương phản giữa các khối lập phương thiên đường nhô ra từ trần nhà và mặt sàn. Theo Marie, chủ đề hang động tối tăm là nét đặc trưng nghệ thuật của Takashi Naraha. Nghệ sĩ Nhật Bản thường sử dụng chủ đề âm dương trong tác phẩm của mình. Ảnh: Visit Stockholm.

Ga Östermalmstorg nằm dưới mực nước biển khoảng 23 m. Đây là ga ngầm sâu thứ ba trong hệ thống tàu điện ngầm của Stockholm. Nhà ga được hoàn thành vào năm 1965, nằm ở trung tâm của các quận sang trọng và đắt đỏ nhất của thành phố. Nhà ga trưng bày một số tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ khác nhau, nhưng trọng tâm là các bản phác thảo của Siri Derkert. Các bức họa được tái hiện mang không khí vui tươi và mang tính cá nhân. Nghệ sĩ người Thụy Điển đã 77 tuổi khi nhà ga mở cửa và nghệ thuật của nhà ga tựa như là một bản tóm tắt về tác phẩm phi thường của bà. Nội dung tác phẩm bao gồm chân dung những người làm việc vì môi trường, các vấn đề về quyền phụ nữ. Ảnh: Visit Stockholm.

Tường Vi

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ben-trong-ga-tau-dien-dep-nhu-kiet-tac-o-thuy-dien-post1520131.html