Bến Tre ứng phó với mặn xâm nhập sớm bất thường
Tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính ở tỉnh Bến Tre đang diễn biến sớm và cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng hai tháng.
Hiện độ mặn 4‰ xâm nhập cách cửa sông 45-60km, độ mặn 1‰ xâm nhập cách cửa sông 52-76km. Mặn xâm nhập sâu và sớm hơn đã được dự báo nhưng một số người dân, nhất là những người trồng lúa vẫn bất chấp khuyến cáo để xuống giống vụ đông xuân 2019-2020. Việc bất chấp khuyến cáo khiến nhiều hộ dân rơi vào cảnh khốn đốn, thậm chí đối mặt với nguy cơ mất trắng.
Bất chấp khuyến cáo
Mấy ngày qua, gia đình ông Trần Văn Nguyện ở ấp 4, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm như ngồi trên đống lửa, bởi 1,3ha đất trồng lúa đang trong giai đoạn mạ non rất cần nước, nhưng các tuyến kênh gần đó đều bị nhiễm mặn. Ông Nguyên bộc bạch: “Chính quyền địa phương có vận động người dân không nên xuống giống vụ 3 nhằm tránh thiệt hại do xâm nhập mặn. Tuy nhiên, do kinh tế phụ thuộc vào cây lúa nên tôi và nhiều hộ khác đã xuống giống. Giờ chỉ còn biết hy vọng vào lượng nước được trữ trong các kênh nội đồng để cứu lúa qua đợt mặn”.
Tương tự, 8.000m2 đất trồng lúa của gia đình ông Lê Văn Tùng ở xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm đang trong giai đoạn mạ cũng bị bỏ bởi thiếu nước tưới. Theo ông Tùng, độ mặn đo được tại kênh hiện cao hơn 1‰. Với độ mặn này, cây lúa sẽ không phát triển, đất cũng bị ảnh hưởng. “Mặc dù được cán bộ khuyến nông cảnh báo không nên xuống giống vụ 3 nhưng thấy nhiều người sạ nên tôi cũng làm theo. Năm 2018, lúa làm đòng mà nước ngoài kênh chưa được 1‰ và vụ lúa đông xuân năm 2018-2019, người dân trúng lúa từ 500kg-700kg/1.000m2 nên năm nay mặc kệ khuyến cáo, tôi vẫn xuống giống, giờ thì mất trắng”, ông Tùng ngậm ngùi.
Hiện tại, không riêng huyện Giồng Trôm mà nhiều hộ dân ở huyện Ba Tri đều đang xót xa khi chứng kiến những ruộng lúa bị chết dần từng ngày. Theo ông Trần Quốc Khánh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Ba Tri: Tính đến nay, toàn huyện có khoảng 1.700ha lúa đã được xuống giống, tập trung ở các xã: Mỹ Chánh, Mỹ Hòa, Mỹ Nhơn và Mỹ Thạnh. Huyện đã triển khai, tuyên truyền vận động để người dân biết xâm nhập mặn nhưng người dân vẫn bất chấp.
Chia sẻ về phương án giúp dân trong thời điểm hiện tại, ông Khánh thông tin: “Trước mắt, địa phương sẽ tăng cường biện pháp tuyên truyền để người dân không tiếp tục xuống giống và cử lực lượng trực 24/24 tại các cống, đập, kiểm tra thường xuyên độ mặn kịp thời bơm nước vào nội đồng, giúp cứu diện tích lúa đã gieo sạ”.
Nguy cơ ảnh hưởng lớn
Theo thông tin của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, hiện tại nước mặn đã xâm nhập sâu vào các tuyến sông trên địa bàn. Trong đó, vùng sâu nhất trong đất liền ở huyện Chợ Lách cũng bị nước mặn bủa vây, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, độ mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất đến xã Thanh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc) trên sông Hàm Luông, cách cửa sông khoảng 60km; độ mặn 1‰ đã xâm nhập sâu nhất đến thị trấn Chợ Lách (huyện Chợ Lách) trên sông Cổ Chiên, cách cửa sông khoảng 76km.
Số liệu thống kê sơ bộ của cơ quan chuyên môn và các huyện cho thấy, có khoảng 2.000ha lúa ở huyện Giồng Trôm và Ba Tri ước bị thiệt hại hơn 70%; diện tích cây ăn trái thiệt hại khoảng hơn 20.000ha (trong đó, chôm chôm, bưởi da xanh, nhãn, măng cụt, sầu riêng ước thiệt hại khoảng 30-70%); toàn bộ diện tích dừa hơn 72.000ha sẽ bị ảnh hưởng do mặn, trong đó dưới 30% bị thiệt hại. Riêng huyện Chợ Lách có hơn 11 triệu sản phẩm hoa kiểng sản xuất phục vụ Tết Nguyên đán và 30 triệu cây giống các loại có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi nước mặn.
Theo dự báo của tỉnh Bến Tre, nếu hạn mặn kéo dài, nguy cơ thiếu nước xảy ra trên diện rộng, thậm chí không có nước sinh hoạt hợp vệ sinh, người dân phải lấy nước trực tiếp từ sông rạch bị nhiễm mặn để dùng trong sinh hoạt. Ước có khoảng 56.800 hộ dân (205.000 người) sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, bãi ngang, ven biển, trên các cù lao, các cồn ở sông Hàm Luông, sông Tiền, sông Cổ Chiên… nguy cơ không có nước sinh.
Theo ông Bùi Văn Lâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, ngành nông nghiệp đã xây dựng một số giải pháp cấp bách triển khai thực hiện khi xâm nhập mặn xảy ra tình huống bất lợi nhất. Theo đó, sở đã chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn vận hành các điểm cấp nước tập trung đã xây dựng năm 2016 và hệ thống lọc mặn RO được trang bị để cấp nước sinh hoạt cho người dân; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các ngành có liên quan và địa phương cử cán bộ kỹ thuật tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý khi có dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản nhằm hạn chế thiệt hại. Sở cũng chỉ đạo Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre tăng cường hỗ trợ các trạm, nhà máy nước ở địa phương kịp thời cung cấp nước cho người dân; vận hành Trạm bơm nước thô Cái Cỏ đưa về Nhà máy nước Sơn Đông để tăng lưu lượng phục vụ; vận chuyển nước để cung cấp cho các bệnh viện, trường học, khu dân cư,…
“Với tình hình hạn mặn trên địa bàn diễn biến phức tạp, trước mắt chúng tôi đã hướng dẫn người dân các biện pháp trữ nước ngọt, như: Đắp bể có trải bạt trữ nước, trang bị túi trữ nước ngọt, sử dụng ống hồ, thùng chứa; khuyến cáo người dân tưới nước tiết kiệm, sử dụng màng phủ nông nghiệp, lưới phủ, đậy gốc để tránh mất nước cho cây trồng. Thời gian tới, tỉnh sẽ đưa vào sử dụng túi trữ nước. Túi được làm từ vật liệu bạt xuất khẩu, dung tích 15m3, giá 2,1 triệu đồng/túi. Túi có khả năng chịu tải tốt, thời gian sử dụng hơn 10 năm và có thể xếp gọn khi không sử dụng”, ông Lâm thông tin.