Bên lề Quốc hội: giải quyết xung đột giữa các ngành trong thực hiện các quy hoạch

Nội dung quy hoạch và việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phải tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch, đảm bảo không có sự trùng lặp về nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật.

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang khai thác quá tải, dẫn đến hiện tượng ùn tắc cả vùng trời, khu bay, nhà ga và hệ thống kết nối giao thông. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN

Mặc dù, còn có một số ý kiến khác nhau về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV nhưng Ban soạn thảo Luật kỳ vọng, dự án Luật nếu được thông qua sẽ tránh được sự trùng lặp, xung đột, mâu thuẫn về nội dung giữa các quy hoạch cũng như những vướng mắc trong lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đinh Thanh Tâm xung quanh những nội dung của dự án Luật.

Phóng viên: Xin ông cho biết, những điểm mới trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch lần này? Luật này được xây dựng dựa trên những quan điểm nào?

Ông Đinh Thanh Tâm: Trước hết, việc ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch để đồng bộ với Luật Quy hoạch là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, sự trùng lặp, xung đột, mâu thuẫn về nội dung giữa các quy hoạch cũng như những vướng mắc trong lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh.

Việc xây dựng dự án Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nghị quyết số 11-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, bãi bỏ các quy hoạch về phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể đang là các “giấy phép con” cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Việc bãi bỏ này cũng thống nhất với các nguyên tắc sửa đổi luật đã được áp dụng trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật có liên quan đến quy hoạch.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến quy hoạch lần này sẽ sửa đổi, bổ sung 37 luật. Theo đó, dự thảo gồm 32 điều; trong đó có 31 điều quy định việc sửa đổi các luật và 1 điều về quy định hiệu lực thi hành luật. Nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến cấp, loại, nội dung quy hoạch, thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch, nội dung quy hoạch và các nội dung kỹ thuật đơn giản khác.

Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đinh Thanh Tâm trao đổi xung quanh những nội dung của dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, vẫn có quá nhiều các quy định còn chồng chéo giữa Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch với các Luật khác. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Ông Đinh Thanh Tâm: Nguyên tắc sửa đổi của Luật trình kỳ họp này là đối với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, Luật chuyên ngành chỉ quy định các nguyên tắc lập, yêu cầu đối với nội dung mang tính kỹ thuật của chuyên ngành đó. Nội dung quy hoạch và việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phải tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch, đảm bảo không có sự trùng lặp về nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, để cụ thể hóa các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia thì cần đảm bảo tuân thủ đúng danh mục đã được quy định trong Luật Quy hoạch, quy định rõ nội dung quy hoạch, thẩm quyền lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch.

Đối với các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, pháp luật hiện hành còn đang quy định rất chung chung, nhiều quy hoạch có nội dung trùng nhau hoặc mâu thuẫn nhau.

Như vậy có thể nói, dự thảo Luật được xây dựng để đảm bảo sự thống nhất rất chặt chẽ và đồng bộ giữa các luật, không có chồng chéo. Đồng thời, đảm bảo nâng cao chất lượng của quy hoạch, cũng như phân định rõ về thẩm quyền lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch.

Hiện tại, chỉ còn một số ý kiến chưa thống nhất với quy định về thẩm quyền lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Tuy nhiên, để đảm bảo sự độc lập trong lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch như đã nói ở trên cũng như tuân thủ các nguyên tắc sửa đổi luật mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, đưa ra các nguyên tắc phân định thẩm quyền và chỉnh lý dự thảo Luật cho phù hợp.

Phóng viên: Xin ông cho biết những điểm nổi bật được dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch điều chỉnh lần này?

Ông Đinh Thanh Tâm: Dự án Luật đã rà soát các quy định pháp luật hiện hành có nội dung, quy định về quy hoạch, đặc biệt là các quy định liên quan đến quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ như: quy hoạch phát triển ngành công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển, quy hoạch cơ sở phá dỡ tàu biển, quy hoạch về an toàn thông tin mạng; quy hoạch phương tiện vận tải….

Từ trước tới nay, nhiều cơ quan quản lý nhà nước vẫn coi quy hoạch như là giấy phép con. Do vậy, việc loại bỏ các quy hoạch nói trên tại dự án Luật lần này sẽ góp phần xóa bỏ cơ chế xin - cho, loại bỏ những quy hoạch không phù hợp với cơ chế thị trường theo đúng chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo (Chính phủ xây dựng hạ tầng cho phát triển, cung cấp và hỗ trợ về thông tin thị trường, công nghệ, còn việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh hàng hóa, sản phẩm sẽ do thị trường quyết định theo quy luật cung - cầu).

Việc quản lý Nhà nước về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể sẽ được thực hiện thông qua việc ban hành và áp dụng các quy định về điều kiện, đầu tư, kinh doanh hoặc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành, phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Qua đó, tạo bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh, đảm bảo công khai, minh bạch, thông thoáng và hiệu quả, đúng với tinh thần về việc phát triển kinh tế tư nhân thành động lực phát triển kinh tế.

Ngoài ra, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cũng đề xuất sửa đổi các luật theo hướng bãi bỏ các giấy phép, chứng chỉ không phù hợp với nguyên tắc, công khai, minh bạch trong hoạt động quy hoạch đã được Luật Quy hoạch quy định như “giấy phép quy hoạch xây dựng”, “chứng chỉ quy hoạch”, các quy định này cũng đang là những rào cản trong đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu kiến nghị sửa đổi là quy định rõ hơn việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng để tạo sự ổn định trong phát triển, đúng nguyên tắc của hoạt động quy hoạch, tránh điều chỉnh một cách tùy tiện, gây áp lực cho cơ sở hạ tầng. Cơ quan chủ trì soạn thảo hiện đang phối hợp với các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, xem xét các kiến nghị nói trên.

Phóng viên: Một số ý kiến đặt câu hỏi có nên tồn tại một số loại quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành hay tích hợp hết vào các quy hoạch theo Luật Quy hoạch hay không? Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao ?

Ông Đinh Thanh Tâm: Hiện nay, một số bộ, ngành muốn tạo ra các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành riêng, nhưng theo tinh thần của Luật Quy hoạch cũng như chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành chỉ là cụ thể hóa, triển khai quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia chứ không phải là tồn tại độc lập.

Để tránh tình trạng chồng chéo, xung đột như trường hợp giữa quy hoạch thủy điện, thủy lợi, hay tài nguyên nước, mỗi quy hoạch đi một hướng khác nhau dẫn đến rất khó khăn trong quá trình thực hiện, trên tinh thần của Luật sửa đổi, bổ sung lần này, những quy hoạch này đều phải đảm bảo tuân thủ nội dung chuyên ngành đã được thể hiện ở quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh. Nội dung của các quy hoạch đảm bảo không có sự trùng lặp với nhau, không thể có trường hợp trên cùng cấp có hai quy hoạch trùng nhau về nội dung và mức độ chi tiết. Với việc tích hợp nội dung của các quy hoạch trong 1 bản quy hoạch, khi lập, thẩm định, phê duyệt đã phải rà soát, nhằm tránh xung đột giữa các ngành với nhau.

Phóng viên: Xin ông cho biết những kỳ vọng gì khi Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch được Quốc hội thông qua?

Ông Đinh Thanh Tâm: Hầu hết chúng ta khi nhìn vào bức tranh quy hoạch cũ đều nghĩ rằng, không thể làm được, bởi cho rằng Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch có xóa được những xung đột, mâu thuẫn hiện nay hay không?

Theo tôi, nếu Luật được thông qua, tất cả cùng ra quân thực hiện thì sẽ giải quyết được những xung đột, những chồng chéo, vướng mắc. Khi đó giữa xung đột lợi ích, thì những kỹ thuật chuyên ngành sẽ được thấy rõ hơn và dần dần nhận thức giữa các ngành, địa phương cũng sẽ nhận ra và loại bỏ bớt những quy hoạch không cần thiết. Những nội dung này, sẽ được Quốc hội thảo luận trong thời gian tới. Trên cơ sở các ý kiến đó cùng với các bộ, ngành, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát để làm sao giảm thiểu nhất những kỹ thuật chuyên ngành không cần thiết mà tạo ra sự chồng chéo, mâu thuẫn và xung đột. Đó cũng là việc ảnh hưởng tích cực đến môi trường đầu tư của doanh nghiệp.

Phóng viên: Xin cám ơn ông!

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN (Thực hiện)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/ben-le-quoc-hoi-giai-quyet-xung-dot-giua-cac-nganh-trong-thuc-hien-cac-quy-hoach/100147.html