Bé trai 20 tháng tuổi ở An Giang bị bác sĩ chẩn đoán nhầm bệnh hen suyễn

Thấy bé trai khò khè, khó thở, bác sĩ chẩn đoán hen phế quản trung bình-nặng và điều trị theo phác đồ hen suyễn, nhưng không ngờ bệnh nhi bị vòng mạch quấn chèn phế quản, nguy hiểm.

Ngày 12.12, BSCK2 Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho hay vừa tiếp nhận và điều trị thành công một bé trai bị vòng mạch quấn chèn khí phế quản gây khó thở nhưng bác sĩ ở bệnh viện địa phương chẩn đoán và điều trị bệnh hen suyễn kéo dài nhiều tháng.

Kết quả CT-scan ngực cho thấy động mạch phổi trái của bệnh nhi quấn hẹp khí quản gốc, mặt cắt dọc đứng thấy hẹp khí quản gốc (carina) - Ảnh: BVCC

Kết quả CT-scan ngực cho thấy động mạch phổi trái của bệnh nhi quấn hẹp khí quản gốc, mặt cắt dọc đứng thấy hẹp khí quản gốc (carina) - Ảnh: BVCC

Bé trai này là cháu L.T.H.A (20 tháng tuổi, ngụ TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) nhập viện trong tình trạng khò khè, khó thở. Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ ở đây ghi nhận bé A. nhập viện nhiều lần ở bệnh viện địa phương từ 3 tháng qua do khò khè khó thở. Trong lần đầu, các bác sĩ chẩn đoán bé A. bị hen phế quản trung bình-nặng. Bệnh nhi được điều trị cắt cơn với thuốc dãn phế quản khí dung, truyền tĩnh mạch, kháng viêm và phòng ngừa bằng corticoid dạng hít và montelukast uống.

Sau đó, bé A. vẫn tiếp tục khò khè, khó thở và được nhập viện điều trị với chẩn đoán là hen suyễn. Tuy nhiên, đến lần gần nhất, bé A. bị sốt nhẹ, ho sổ mũi, khò khè, thở mệt, ói, gia đình đưa bé đến cơ sở y tế tư nhân điều trị nhưng sau 5 ngày vẫn không giảm. Bệnh nhi tiếp tục được chuyển đến bệnh viện địa phương. Lần này, các bác sĩ vẫn chẩn đoán bé bị hen phế quản nặng, điều trị thở oxy, cắt cơn với thuốc dãn phế quản khí dung, kháng viêm và chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Tại đây bệnh nhi được tiếp tục điều trị như cơn hen phế quản nặng, tình trạng có cải thiện nhưng vẫn còn khò khè .

Trước tình trạng trên, các bác sĩ tiến hành hội chẩn và chỉ định chụp CT-scan ngực có cản quang. Kết quả ghi nhận khí quản gốc chỗ chia đôi phế quản phải trái (carina) của bệnh nhi có động mạch phổi trái vòng qua phải ôm lấy rồi đi qua phổi trái, gây chèn ép đường thở.

“Sau khi các bác sĩ chuyên khoa Ngoại lồng ngực hội chẩn, chúng tôi tiến hành mổ đưa động mạch phổi trái về vị trí bình thường, khâu treo carina, phế quản gốc trái tránh mạch máu chèn. Kết quả sau gần 2 tuần điều trị, tình trạng cải thiện dần, bé được cai máy thở, thở khí trời, hết khò khè, tỉnh táo”, bác sĩ Tiến thông tin.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/be-trai-20-thang-tuoi-o-an-giang-bi-bac-si-chan-doan-nham-benh-hen-suyen-227053.html