Bé 3 tuổi tử vong vì bị bạo hành: Bà ngoại xin giảm án, bố dượng có thoát án tử?

Bà ngoại của cháu bé 3 tuổi bị mẹ đẻ và bố dượng bạo hành tử vong có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho con gái và con rể. Dư luận đặt ra câu hỏi liệu rằng mức án của 2 bị cáo có thay đổi tại phiên phúc thẩm?

Bà Vũ Thị Dự đã có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho con gái và con rể trong vụ án bạo hành dã man con gái 3 tuổi đến chết

Mới đây, bà Vũ Thị Dự (51 tuổi, bà ngoại của cháu Nguyễn Ngọc Minh M.- cháu bé tử vong vì bị mẹ đẻ và bố dượng bạo hành) đã viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho con gái là bị cáo Nguyễn Thị Lan Anh và con rể là bị cáo Nguyễn Minh Tuấn.

Trước đó, cách đây gần 1 tháng, TAND TP. Hà Nội tuyên án bị cáo Tuấn tử hình về tội danh "Giết người" và 30 tháng tù giam về tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy", tổng hợp hình phạt là tử hình. Còn bị cáo Lan Anh chịu án tù chung thân về tội "Giết người" và 18 tháng tù giam về tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy", tổng hợp hình phạt là tù chung thân.

Đây là một vụ án nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Trước quyết định của bà Dự, dư luận đặt ra câu hỏi liệu rằng mức án của 2 bị cáo có thay đổi tại phiên phúc thẩm?

Trao đổi với PV GD&TĐ liên quan đến nội dung trên, Luật sư Đặng Văn Cường , Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng “Việc bà ngoại của cháu bé, đại diện gia đình người bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho 2 bị cáo là con gái và con rể của mình là chuyện có thể xảy ra, tuy nhiên tòa án cấp phúc thẩm vẫn có thể giữ nguyên nội dung bản án sơ thẩm”.

Theo Luật sư Cường phân tích, trong vụ việc này, có lẽ người đau đớn, bức xúc nhất chính là bà ngoại của nạn nhân, bà ấy phải chứng kiến cảnh mất cháu mà hung thủ không ai khác lại là con gái và con rể mình, 2 đối tượng này phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.

Tại phiên tòa sơ thẩm, 2 đối tượng lại còn không thành khẩn, quanh co chối tội nên việc tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt một bị cáo tử hình, một bị cáo tù chung thân là phù hợp với quy định pháp luật, để răn đe phòng ngừa chung cho xã hội.

Theo quy định của pháp luật thì việc quyết định hình phạt căn cứ vào quy định của bộ luật hình sự, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết làm về trách nhiệm hình sự.

Trong vụ án này, các tài liệu chứng cứ đã được làm sáng tỏ tại phiên tòa cho thấy 2 bị cáo nhiều lần đánh đập nạn nhân. Hành vi của các bị cáo là vi phạm nghiêm trọng luật trẻ em, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em, hậu quả dẫn đến cháu bé tử vong.

Đáng ra các bị cáo phải là người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, yêu thương cháu bé, cháu bé mới chỉ 3 tuổi, chưa biết tự bảo vệ bản thân nhưng các bị cáo lại nhẫn tâm đánh đập, hành hạ nhiều lần cháu bé dẫn đến hậu quả cháu bé tử vong.

Đây là hành vi rất đáng lên án, đáng phải chịu sự trừng phạt của pháp luật để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội. Sau khi xét xử sơ thẩm thì các bị cáo có kháng cáo xin giảm nhẹ một phần hình phạt. Tại cấp phúc thẩm thì có thể bị cáo có thêm tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo (nếu như đã nhận thức được sai phạm của mình và thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội), đồng thời có thêm tình tiết giảm nhẹ là người bị hại xin giảm nhẹ cho bị cáo.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Thị Lan Anh bị tuyên tổng mức án là tù chung thân trong khi bị cáo Nguyễn Minh Tuấn bị tuyên tổng mức án tử hình.

Tuy nhiên, đây là những tình tiết có thể giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự nhưng không phải là căn cứ để quyết định đến việc giảm mức hình phạt mà tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên. Có 2 yếu tố quan trọng để quyết định đến mức hình phạt là yếu tố nhân thân và yêu tố hành vi.

Hành vi của các bị cáo là rất tàn nhẫn, tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo còn quanh co chối tội, không nhận thức được sai phạm của mình, gây bức xúc trong dư luận. Bởi vậy yếu tố này tác động lớn đến việc quyết định mức hình phạt.

Ngoài ra nhân thân cũng là yếu tố tác động đến việc quyết định hình phạt, nhân thân ở đây thể hiện ở đặc điểm nhân thân, mức độ nhận thức, khả năng nhận thức, khả năng cải tạo giáo dục. Bị cáo là đối tượng nghiện ma túy, nhân thân phức tạp nên rất khó để có được sự khoan hồng đặc biệt của pháp luật.

Có nhiều vụ án, mặc dù tại phiên tòa cấp phúc thẩm có thêm một số tình tiết giảm nhẹ hình phạt nhưng xét thấy tính chất mức độ hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận nên tòa án cấp phúc thẩm vẫn giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Bởi vậy, trong vụ án này việc bà ngoại của cháu bé viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho con gái và con rể là một quyết định phù hợp với tình cảm và đạo đức xã hội, tuy nhiên đơn xin giảm nhẹ hình phạt này không phải là căn cứ quyết định đến việc tòa án có giảm nhẹ hình phạt hay không.

Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm cũng sẽ xem xét đánh giá toàn bộ các tình tiết chứng cứ, đánh giá tính chất mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, mức độ nhận thức, thái độ của các bị cáo, khả năng cải tạo giáo dục của các bị cáo và tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm về trật tự xã hội cũng như tội phạm xâm phạm trẻ em như thế nào để có quyết định cuối cùng.

“Trường hợp tòa án cấp phúc thẩm quyết định giữ nguyên nội dung bản án sơ thẩm thì cũng không có gì bất ngờ”, Luật sư Cường nói.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phap-luat/be-3-tuoi-tu-vong-vi-bi-bao-hanh-ba-ngoai-xin-giam-an-bo-duong-co-thoat-an-tu-mJR7jY1GR.html