Bẫy của chú bé rắc rối

Ngay từ đầu, tôi đã biết đây là mẹo của An. Nó cố tình làm cho Nhuận và Dạ Lan bị hút vào câu đố để quên đi chuyện kiểm tra việc học tập của tụi tôi.

An một đầu, tôi một đầu, từ hai phía đối diện trong hộp giấy, chúng tôi lùa hai con dế ra chính giữa võ đài. Vừa đối diện với địch thủ, con dế than ra oai gáy một tràng dài. Không chịu thua, con dế lửa của tôi cũng phồng cánh, gáy một tràng đáp lễ. Dường như thấy nghi thức chào sân như vậy đã đủ, hai võ sĩ xông vào nhau, ẩu đả liền.

Tôi và An đứng ngoài vừa hò hét động viên vừa nhảy chồm chồm theo từng cú đòn diễn ra trong “võ đài”.

Đúng hồi gay cấn nhất thì thằng Nhuận và nhỏ Dạ Lan tới. Thành thử bây giờ nghe Nhuận hỏi, tôi vừa lật tập giả bộ tìm kiếm để hoãn binh, vừa nghĩ cách đối phó.

Trong khi tôi đang loay hoay chưa tìm ra diệu kế thì An thình lình vỗ vai Nhuận:

− À mày, hôm trước tao và Nghi đọc được một bài toán đố trên báo. Bài toán dễ thiệt dễ mà chẳng đứa nào giải ra...

− Toán hình học hay đại số?

− Chẳng phải hình học cũng chẳng phải đại số! Một bài toán thông thường thôi, giống như toán cấp một vậy.

Nhuận nhìn An nghi ngờ: − Thiệt không? − Thiệt mà. − Mày còn nhớ đề toán không?

− Nhớ! − An vừa nói vừa xoay người trên ghế − Bài toán như thế này nè. Có ba người vào khách sạn thuê phòng. Họ thuê chung một phòng với giá là 30 đồng. Như vậy, mỗi người chỉ phải góp 10 đồng. Tên bồi cầm lấy 30 đồng khách đóng đến nộp cho ông chủ khách sạn. Nhưng ông chủ bớt cho họ 5 đồng. Ông ta chỉ lấy 25 đồng và bảo tên bồi đem trả lại cho khách 5 đồng. Cầm lấy 5 đồng, tên bồi nghĩ hoài vẫn không biết làm sao chia đều cho ba người, cuối cùng, nó giấu đi 2 đồng, và với 3 đồng còn lại nó trả cho mỗi người khách một đồng...

Nói tới đây, tự nhiên thằng An im bặt.

Thằng Nhuận và nhỏ Dạ Lan nãy giờ đang trố mắt nghe, thấy vậy liền giục:

− Rồi sao nữa? An vỗ trán: − Chờ một chút đi! Để tao nhớ lại phần sau coi!

Ngay từ đầu, tôi đã biết đây là mẹo của An. Nó cố tình làm cho Nhuận và Dạ Lan bị hút vào câu đố để quên đi chuyện kiểm tra việc học tập của tụi tôi. Cũng giống như chiến thuật nó áp dụng với tôi hôm trước. Cả lần này nữa, nó cũng lại thành công.

Nhìn vẻ mặt chăm chú, căng thẳng của Nhuận và Dạ Lan, tôi biết hai đứa đã quên mất mục tiêu “viếng thăm” của mình. Và tôi không nén được một tiếng thở phào nhẹ nhõm. Nếu biết từ nãy đến giờ, tôi và An chơi đá dế thay vì học, chẳng hiểu ngày mai vào lớp, tụi nó sẽ cho tôi “thưởng thức” những món gì. Có khi tụi nó lại báo với cô Nga, giáo viên chủ nhiệm nữa không chừng! Ai chứ thằng Nhuận thì nó chẳng từ một hành động nào.

Thằng An ậm ừ một hồi, chờ cho hai vị khách thật sốt ruột, mới chịu nói tiếp:

− À, tao nhớ rồi! Như vậy là mỗi người khách chỉ đóng có 9 đồng. Chín đồng nhân với 3 người khách thành 27 đồng, đúng chưa? Hăm bảy đồng cộng với 2 đồng tên bồi giấu đi là 29 đồng cả thảy. Vậy còn 1 đồng nữa biến đi đâu?

Đúng là một bài toán mẹo hóc búa. Không chỉ có Nhuận và Dạ Lan mà ngay cả tôi cũng bị câu đố thu hút. Đồng thời tôi cũng rất ngạc nhiên về An. Với những trò chơi câu đố của mình, An tỏ ra có một đầu óc rất thích hợp với toán học.

Rõ ràng là nó nhớ và rất thích thú với những chi tiết lắt léo, đòi hỏi phải vận dụng trí não đến mức tối đa. Vậy mà khi học hành nghiêm chỉnh, nó lại rất lười học toán. Nói chung là nó lười học tất cả các môn. Có lẽ hình ảnh của anh Dự đã ăn sâu vào suy nghĩ của nó, vì vậy nó chẳng tha thiết gì đến chuyện học tập. Nó đã từng nói với tôi như vậy. Mỗi lần nghĩ đến chuyện này, tôi vừa giận nó lại vừa thương nó.

Nguyễn Nhật Ánh/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/bay-cua-chu-be-rac-roi-post1480617.html