'Báu vật' hơn 2.100 tuổi ngự trước cửa ngôi đền Thiên Cổ

'Báu vật' cây táu cổ thụ hơn 2.100 năm tuổi sừng sững án ngự trước Đền Thiên Cổ tại xã Trưng Vương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ được đánh giá thuộc hàng cây cổ thụ nhất Việt Nam.

Xem Clip:

Đền Thiên Cổ ngự tại thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, nơi thờ thầy giáo Vũ Thê Lang, quê ở Mộ Trạch, Hải Dương cùng vợ là Nguyễn Thị Thục, quê ở Đông Ngàn, Kinh Bắc.

Hiện nay, trước cửa ngôi đền có 2 cây táu, nhìn từ bên ngoài, phía bên phải cổng đền là cây táu hoa trắng và bên trái là cây táu hoa vàng.

Đền Thiên Cổ nơi thờ vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang.

Đền Thiên Cổ nơi thờ vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang.

Đặc biệt, cây táu hoa trắng đã có tuổi thọ hơn 2.100 năm và được công nhận là cây di sản Việt Nam.

Cây táu bạc với tuổi đời hơn 2.100 năm phía bên phải cửa đền.

Cây táu bạc với tuổi đời hơn 2.100 năm phía bên phải cửa đền.

Kể về lịch sử hai cây táu, ông Nguyễn Thiện Ninh (88 tuổi) - thủ đền Thiên Cổ cho biết, 2 cây táu tượng trưng cho cây vàng, cây bạc trước cổng đền. Cây táu hoa trắng (cây bạc) và hoa vàng (cây vàng).

Vẻ cổ kính của gốc táu bạc có chu vi 6,1m với tuổi đời hơn 2.100 năm tuổi trước cửa đền.

Vẻ cổ kính của gốc táu bạc có chu vi 6,1m với tuổi đời hơn 2.100 năm tuổi trước cửa đền.

Theo ông Ninh, cây táu bạc từng cao 25m, đường kính tán cây 27m. Hiện nay, cây táu bạc có chu vi gốc cây là 6,1m.

Còn với cây táu vàng, ông Ninh chia sẻ, cây táu hoa vàng ngày nay cao 21m, chu vi gốc là 4,5m, đường kính tán cây là 30m. Tuy nhiên, đây chỉ là mầm cây phát triển lại.

Khoảng hơn 300 năm trước, trong một trận cuồng phong, cây táu hoa vàng đã bị đổ, gãy. Dân làng vô cùng thương tiếc và đi nhiều nơi tìm cây thay thế nhưng không có. Một thời gian sau, từ gốc cây cũ đã mọc lên những chồi biếc và cứ thế cây táu hoa vàng vươn mình xum xuê, nở hoa vàng rực rỡ như ngày nay.

Miếu thờ vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang trong đền Thiên Cổ.

Miếu thờ vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang trong đền Thiên Cổ.

Bà Nguyễn Thị Thiết (57 tuổi), trưởng tiểu ban quản lý đền Thiên Cổ cho biết, cây táu bạc hơn 2.100 năm tuổi được vinh danh là cây di sản Việt Nam vào năm 2012 và được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đánh giá là cây táu thuộc hàng lâu đời nhất Việt Nam.

Nhờ những nỗ lực phục hồi, phần còn lại của cây táu bạc đã phát triển, sinh trưởng tốt.

Nhờ những nỗ lực phục hồi, phần còn lại của cây táu bạc đã phát triển, sinh trưởng tốt.

Theo bà Thiết, tuân theo quy luật thiên nhiên khoảng năm 2014, cây bị lão hóa và có biểu hiện suy kiệt. Trong đó, thân cây lão hóa, bị mối xông mục ruỗng, thiếu chất dinh dưỡng, nhiều cành bị khô và chết dần. Sau đó, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai các giải pháp công nghệ để chăm sóc, bảo vệ, kéo dài tuổi thọ cây.

Năm 2022, sau nhiều nỗ lực phục hồi cành duy nhất còn lại của cây đã sinh trưởng, đâm chồi nhánh mới, tán lá xum xuê, một số nhánh đã bắt đầu phân nhánh cấp 2.

Bà Thiết thông tin thêm, mỗi năm đền Thiên Cổ đón khoảng hơn 10.000 lượt khách ghé thăm, dâng hương.

Tương truyền, vào thời Hùng Vương thứ 18, ở làng Mộ Trạch, tỉnh Hải Dương có vợ chồng ông Vũ Công, vốn dòng dõi thi thư nhưng cảnh nhà nghèo túng mới tìm về nơi đô thành Văn Lang, đến chốn Hương Lan mở lớp dạy học.

Ông bà sinh hạ được người con trai, đặt tên là Vũ Thê Lang. Lớn lên, Thê Lang cũng theo nghiệp cha, rồi kết duyên cùng cô thôn nữ Nguyễn Thị Thục, ở Đông Ngân, Kinh Bắc.

Tiếng lành đồn xa, nhờ học vấn cao và tận tụy với nghề, sống giản dị và mẫu mực nên ông giáo được Vua Hùng thứ 18 ủy thác việc học hành của hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa.

Vào ngày mùng 2 tháng 2 năm Quý Dậu (288 trước Công nguyên), vợ chồng thầy giáo cùng tạ thế một ngày. Ghi nhớ công ơn của thầy cô, nhân dân trong vùng đã xây dựng miếu thờ thầy cô để ngày đêm hương khói.

Hiện nay, tại TP Việt Trì, một tuyến đường dài gần 4km với mặt cắt 27m chạy qua gần ngôi đền cũng được đặt tên thầy giáo Vũ Thê Lang.

Ảnh: Đức Hoàng

Đức Hoàng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bau-vat-hon-2-100-tuoi-ngu-truoc-cua-ngoi-den-thien-co-2398874.html