Bất thường việc yêu cầu dừng xét nghiệm sán lợn

Có nhiều bất thường xung quanh việc Bộ Y tế buộc dừng lấy mẫu xét nghiệm sán heo trong lúc FAO yêu cầu VN nên công mức độ 'khẩn cấp quốc gia'

Một em bé ở Bắc Ninh được xét nghiệm sán heo - Ảnh: ĐÌNH PHƯƠNG

Việc Bộ Y tế đột ngột yêu cầu dừng lấy mẫu xét nghiệm elisa tìm ấu trùng sán heo tại Bắc Ninh đã tạo nên nhiều luồng ý kiến. Bộ Y tế đã ở đâu khi để hơn 5.000 gia đình vất vả đưa con đi xét nghiệm trong sáu ngày vừa qua?

Có khoảng 200 bé được phát hiện có nhiễm ấu trùng sán heo có phải thừa? Và có gì khuất tất khi Bộ Y tế lại cấm xét nghiệm sán heo trong khi người dân có nhu cầu?

Dù luồng ý kiến nào thì đối tượng bị đặt nghi vấn vẫn là Bộ Y tế, bởi tính không minh bạch xung quanh quyết định này.

Sáu ngày trước, ngày 15-3, có khoảng 430 gia đình ở Bắc Ninh ra Hà Nội xét nghiệm tìm sán heo, với những dấu hiệu đầu tiên của một sự vụ báo hiệu sẽ rất nóng.

Cụ thể đã có 2/3 mẫu máu của học sinh mầm non được xét nghiệm dương tính với ấu trùng sán heo, phụ huynh ở khu vực liên quan đã ngừng cho con ăn bữa ăn tại trường vì nghi ngờ tuồn thịt bẩn và ùn ùn ra Hà Nội, nhưng Bộ Y tế và Sở Y tế Bắc Ninh đều im lặng.

Rõ ràng khi có nhiều trẻ em "dương tính với ấu trùng sán heo" thì cha mẹ các cháu phải lo lắng. Phụ huynh có con nhỏ có tâm lý muốn bảo vệ con mình là điều đương nhiên và họ tiếp tục đưa con đi xét nghiệm.

Nhiều gia đình đưa con đi từ 3h sáng, đến bệnh viện khi trời chưa sáng, ngoài sán heo, họ còn xét nghiệm sán chó và sán lá gan, chi phí xét nghiệm mỗi cháu xấp xỉ 1 triệu đồng, chưa kể tiền xe và công cha mẹ đưa các con đi.

Trên 5.000 mẫu xét nghiệm đã lấy, trên 1.500 mẫu đã trả cho phụ huynh, chi phí gia đình và Sở Y tế Bắc Ninh đã chi trả ít nhất lên tới 3-4 tỉ đồng. Đùng một cái, ngày 21-3, Bộ Y tế đột ngột yêu cầu dừng xét nghiệm, các cháu có kết quả dương tính không cần phải điều trị nếu không có các biểu hiện của bệnh.

Sáu ngày vừa qua Bộ Y tế ở đâu (ngoài cuộc làm việc chớp nhoáng chiều 19-3) khi cha mẹ hoang mang, lo lắng cho những đứa con bé bỏng của mình? Nhiều bà mẹ, ông bố đã bật khóc sau khi con có kết quả dương tính với ấu trùng sán heo. Họ thật sự lo lắng.

Có ai có thể ngồi im trong nghi ngờ mà không làm gì cả? Nhưng không một ai giải thích, không một ai đồng hành, ngoài những lời vu vơ là "không phải lo lắng vì đây không phải là bệnh cấp tính, không phải cấp cứu...".

Trong khi đó, tuần qua là tuần khủng hoảng thật sự đối với những phụ huynh có con nhiễm sán heo, cần xử trí ra sao, nên hay không nên điều trị...

Bộ Y tế với đội ngũ chuyên gia, với 2 bệnh viện/viện đầu ngành về ký sinh trùng ngay ở Hà Nội hoàn toàn không ứng xử quyết liệt, minh bạch. Và cha mẹ và các cháu thì bơ vơ, không biết tin ai, có xét nghiệm miễn phí rồi vẫn phải ra Hà Nội vì "không tin".

Đến ngày 21-3, bỗng dưng bộ cấm xét nghiệm. Thực tế đã và sẽ còn những cuộc khủng hoảng như thế này, liệu Bộ Y tế có coi đây là một bài học?

Về công bố dịch tả heo châu Phi: FAO đề nghị mức “khẩn cấp quốc gia”, Bộ NN-PTNT khẳng định “không”

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc (FAO) tại Việt Nam vừa có thông cáo gửi các cơ quan báo chí Việt Nam về việc tổ chức này đưa ra khuyến nghị cần công bố dịch tả heo châu Phi (ASF) ở tình trạng khẩn cấp quốc gia, áp dụng phương pháp phân vùng để ngăn chặn sự lây lan dịch theo diện rộng.

Tuy nhiên thông tin từ Bộ NN-PTNT ngày 21-3 khẳng định, thông tin này là không chính xác. Thực tế, Bộ NN-PTNT chưa nhận được khuyến cáo nào từ FAO tại Việt Nam về vấn đề này.

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), Việt Nam đã có quy định về việc khi nào cần ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Trong khi đó, trên thế giới chưa có nước nào phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về dịch tả heo châu Phi. Ngay tại Trung Quốc, dịch tả heo châu Phi đã bùng phát, buộc phải tiêu hủy hơn 1 triệu con heo mắc bệnh, nhưng cũng không phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Cục Thú y cũng khẳng định, vì dịch bệnh này không lây qua người, do đó càng không có cơ sở phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Thực tế, hiện các đơn vị chức năng từ trung ương đến địa phương của Việt Nam đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn và khống chế dịch tả heo châu Phi.

Mặc dù vậy, phía FAO cho biết, tổ chức này phối hợp với Tổ chức Thú y thế giới (OIE) vừa triển khai một cuộc đánh giá khẩn cấp trong vòng 5 ngày về sự lây lan của dịch tả heo châu Phi tại Việt Nam. Đoàn đánh giá gồm các chuyên gia về ASF, quản lý khẩn cấp, tiêu hủy, tiêu độc và khử trùng, chuyên gia về ngành chăn nuôi heo, trong đó có cả cán bộ kỹ thuật của Cục Thú y Việt Nam đã tới các hộ chăn nuôi heo có ổ dịch ASF và không có ổ dịch, các khu chôn xác heo và một lò mổ heo ở TP Hải Phòng và tỉnh Thái Bình, thu thập thông tin về dịch tễ bệnh và quan sát việc giết heo, tiêu hủy, tiêu độc và khử trùng.

Đoàn đánh giá cho rằng, mặc dù chính quyền địa phương đã và đang nỗ lực kiểm soát nghiêm ngặt việc vận chuyển, buôn bán heo và các sản phẩm từ heo tại các xã có ổ dịch, huy động nguồn lực địa phương để tiêu hủy và xử lý ổ dịch, tuy nhiên các hộ chăn nuôi heo quy mô nhỏ vẫn thực hiện an toàn sinh học thấp và sử dụng nguồn thức ăn thừa từ nhà bếp là các yếu tố tạo điều kiện cho dịch lan rộng. Qua đánh giá tình hình thực tế, FAO đã đưa ra khuyến nghị, cần công bố dịch ASF ở tình trạng khẩn cấp quốc gia, áp dụng phương pháp phân vùng để ngăn chặn sự lây lan dịch ASF theo diện rộng và khoảng cách xa, phát triển các quy trình thực hành chuẩn về tiêu hủy.

Phương Anh (Tổng hợp)

Nguồn Sao Pháp Luật: http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/bat-thuong-viec-yeu-cau-dung-xet-nghiem-san-heo-1406/