Bắt chước trò nhào lộn trên TikTok, bé trai ngã vẹo cổ

Bé trai 10 tuổi cho biết, đã học theo trò nhào lộn trong một video trên TikTok và sau đó gặp nạn.

Liên quan đến vụ bé trai ngã vẹo cổ vì bắt chước trò chơi nhào lộn trên TikTok, ngày 23/11, bác sĩ Lê Quang Mỹ, khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, may mắn là bé chỉ bị tổn thương nhẹ chứ không gãy cổ nên được đeo nẹp cố định cột sống cổ và chụp hình kiểm tra.

Tại bệnh viện, bé trai 10 tuổi (TP.HCM) cho biết đã học theo trò nhào lộn trong một video trên TikTok và sau đó gặp nạn.

Bác sĩ cho biết việc chấn thương ở cổ do bắt chước video trên mạng không thường xuyên gặp tại khoa Ngoại Thần kinh.

Sau 3 ngày điều trị hiện bé đã phục hồi. Kết quả chụp hình ghi nhận chấn thương phần mềm. Dự kiến bé sẽ sớm được xuất viện.

Bé trai 10 tuổi nhập viện điều trị chấn thương cổ tại Khoa Ngoại Thần kinh - BV Nhi đồng 2 sau khi xem trò nhào lộn trên TikTok

Khai thác bệnh sử, mẹ bé cho biết thời điểm xảy ra sự việc vợ chồng chị đang làm công việc trước nhà thì nghe tiếng bé la to.

Cả hai hốt hoảng chạy vào thì phát hiện đầu con đã bị nghiêng sang một bên nên lập tức đưa đi viện.

Theo các bác sĩ, ngày nay thiết bị điện tử thông minh và ứng dụng đi kèm phát triển rất nhanh. Nhiều trường hợp các bé dành thời gian "làm bạn" với điện thoại, tivi, youtube... thay vì sách vở, bạn bè bên ngoài.

Trường hợp bé gặp nạn khi học theo các trò chơi nguy hiểm trên mạng xã hội trước đó cũng từng xảy ra rất nhiều.

Cách đây không lâu, một bé gái 5 tuổi trú ở quận Tân Phú, TP.HCM cũng đã tử vong nghi do xem và làm theo video hướng dẫn trò "thắt cổ nhưng vẫn thở được" trên YouTube.

Chưa hết, tại Phú Thọ mới đây cũng xảy ra trường hợp bé gái nuốt chửng bấm móng tay vào bụng nghi học theo Youtube.

Theo chia sẻ của đại diện Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ), bé N.V.A (9 tuổi, xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê) hiện đã được chuyển đến Bệnh viện tâm thần để điều trị.

"Hôm cháu bé nuốt bấm mong tay vào bụng, các bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện đã gắp dị vật kịp thời và thành công. Sau đó, chúng tôi có kê đơn thuốc cho cháu điều trị ngoại trú.

Ngay ngày hôm sau, cháu bé lại nuốt thêm một chiếc nắp bút bi và được phòng khám tư nhân ở ngoài cổng Trung tâm Y tế huyện lấy ra. Do cháu có biểu hiện rối loạn hành vi nên chúng tôi đã chuyển cháu đi Bệnh viện tâm thần", đại diện Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê cho biết.

Nói về việc này, ngày 17/10, trao đổi với báo Đất Việt, ông Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) cho rằng, vấn đề quan trọng nhất trong việc giáo dục trẻ vẫn là ở các bậc cha mẹ vì dù cho mạng xã hội có những nội dung nhảm nhí đến đâu, tài liệu sách giáo khoa có sai đến đâu thì cha mẹ vẫn là quan trọng nhất.

Vấn đề thứ 2 ông An muốn nói tới đó là vai trò của các cơ quan nhà nước. Theo ông An, để tránh những vụ việc thương tâm xảy ra như trường hợp bé gái 5 tuổi ở TP.HCM tử vong nghi học theo trò chơi treo cổ trên Youtube hay những vụ khác tương tự thì trong luật trẻ em năm 2016 cũng đã quy định rất rõ về các cơ quan được giao bảo vệ trẻ em, trong đó có bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Thùy Dung (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/gia-dinh/bat-chuoc-tro-nhao-lon-tren-tiktok-be-trai-nga-veo-co-3423053/