Bảo vệ thương hiệu Việt Nam tại nước ngoài: Doanh nghiệp cần vừa xây vừa giữ
Dịch Covid-19 khiến kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng thương hiệu quốc gia Việt Nam vẫn tăng bậc trên bảng xếp hạng toàn cầu. Lợi dụng lợi ích này, một số doanh nghiệp nước ngoài nhập nhèm xuất xứ, chiếm đoạt thương hiệu Việt để tiêu thụ hàng hóa.
Giá trị thương hiệu quốc gia liên tục thăng hạng
Theo Bộ Công Thương, trong 3 năm trở lại đây, giá trị, thứ hạng thương hiệu quốc gia của Việt Nam liên tục nằm trong nhóm thương hiệu mạnh thế giới. Theo công bố của Brand Finance (công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới), năm 2021 thương hiệu quốc gia Việt Nam tiếp tục duy trì được thứ hạng 33 trong danh sách top 100 thương hiệu mạnh thế giới, với mức tăng giá trị 21,69% so với năm 2020, từ 319 tỷ USD lên tới 388 tỷ USD.
Số liệu của Brand Finance cũng cho thấy, tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, năm 2020, doanh thu của các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia là trên 1.350 tỷ đồng, tổng doanh thu xuất khẩu khoảng 125.000 tỷ đồng.
Số lượng các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng liên tục tăng qua các thời kỳ, từ con số 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 124 doanh nghiệp năm 2020. Cùng với đó, rất nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới. Cụ thể, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đang nằm trong top 15 nhà mạng trên thế giới về thuê bao di động và top 40 thế giới về doanh thu; Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) đang vươn dần lên vị trí hàng đầu trong khu vực ASEAN; Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa đứng đầu khu vực châu Á về sản lượng khai thác yến…
Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú khẳng định, khi một quốc gia có nhiều doanh nghiệp với thương hiệu mạnh sẽ là nền tảng quan trọng để nâng tầm thương hiệu của quốc gia. Ở chiều ngược lại, khi thương hiệu quốc gia được nâng tầm trên thị trường quốc tế, sẽ tạo ra sự bảo chứng về uy tín và chất lượng sản phẩm, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa.
Thương hiệu Việt bị nước ngoài chiếm đoạt
Nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định, việc xây dựng thành công thương hiệu quốc gia đã khó, việc gìn giữ, phát triển còn khó hơn bởi nhiều sản phẩm Việt Nam đối mặt việc bị đánh cắp thương hiệu.
Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc Nguyễn Thị Tịnh chia sẻ, trong một lần đi châu Âu đã chứng kiến siêu thị bán nước mắm do Thái Lan sản xuất nhưng gắn nhãn mác nước mắm Phú Quốc. “Không chỉ nước mắm, một số sản phẩm bún, phở, mì khô… xuất khẩu của Thái nhưng trên bao bì lại viết là “Vietnamese’s New Noodle” (Bún mới của người Việt). Điều này khiến người tiêu dùng trên thế giới không thể phân biệt được đâu là hàng Thái Lan, đâu là hàng Việt” - bà Nguyễn Thị Tịnh khẳng định.
Theo Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (VIPA) Nguyễn Thu Anh, không chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ lâm vào cảnh bị chiếm đoạt thương hiệu, mà nhiều công ty quy mô lớn cũng trong tình trạng tương tự. “Thương hiệu cà phê Trung Nguyên đã bị một công ty của Mỹ là Rice Field đăng ký tại Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO); Thương hiệu thuốc lá hàng đầu của Việt Nam là Vinataba đã bị P.T. Putra Stabat Industri (Indonesia) chiếm đoạt đăng ký tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 9 nước Asean” - bà Nguyễn Thu Anh nêu ví dụ.
Lý giải nguyên nhân khiến thương hiệu Việt bị chiếm đoạt, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ, hiện số lượng đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài rất thấp. Cụ thể, chỉ 20% doanh nghiệp đầu tư xây dựng thương hiệu nhưng cũng chỉ chú trọng đăng ký tại Việt Nam, chưa đăng ký tại thị trường nước ngoài.
“Có đến 80% doanh nghiệp không quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, dẫn tới tình trạng sản phẩm Việt Nam dù có chất lượng cao nhưng vẫn chưa tìm được vị trí xứng đáng ở thị trường nội địa và quốc tế” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục nỗ lực để tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài thông qua việc đàm phán, gia nhập những thỏa thuận quốc tế về sở hữu trí tuệ. Đồng thời thực hiện hỗ trợ, tư vấn và cung cấp thông tin, cũng như tham gia giải quyết các tranh chấp phát sinh.
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí
Để hạn hạn chế việc thương hiệu Việt bị rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu & Cạnh tranh Võ Trí Thành kiến nghị, cơ quan quản lý cần có chính sách hỗ trợ hoặc khuyến khích doanh nghiệp xây dựng, bảo vệ thương hiệu. “Thậm chí cơ quan luật pháp cần tính đến việc đưa thêm những điều khoản luật về việc mua lại thương hiệu Việt, tạo thêm rào cản trong việc thương hiệu Việt có thể dễ dàng bị doanh nghiệp nước ngoài thôn tính thông qua cổ phần hóa như Sabeco, Thịnh Phát” - ông Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Đồng tình với kiến nghị này, Chủ tịch VIPA Phạm Nghiêm Xuân Bắc cho rằng, Nhà nước nên hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin như tư vấn pháp lý, hướng dẫn quy trình đăng ký bảo hộ thương hiệu tại thị trường trong nước và quốc tế. Thực tế cho thấy, để được cấp bằng bảo hộ tại nước ngoài doanh nghiệp rất tốn kém tiền bạc, thời gian, thủ tục phức tạp… vì vậy Nhà nước nên hỗ trợ một phần kinh phí.
Trước những kiến nghị của các chuyên gia, doanh nghiệp, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) Đinh Hữu Phí cho biết, hiện Việt Nam đã là thành viên của Hiệp ước Hợp tác về sáng chế (PCT) và Thỏa ước và Nghị định thư Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu. Đây là 2 hệ thống giúp cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm sự bảo hộ sáng chế ở 152 nước thành viên PCT, và bảo hộ nhãn hiệu ở 101 nước thành viên một cách thuận lợi và tiết kiệm.
Hiện đơn vị đang hoàn thiện hồ sơ để trình cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn việc gia nhập Thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội đăng ký bảo hộ đối tượng này ở 68 nước trên thế giới. “Việc nộp đơn qua các hệ thống đăng ký của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm nhiều thời gian và chi phí” - ông Đinh Hữu Phí nói.
Như vậy doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư, kinh doanh hiệu quả và phát triển bền vững cần đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước, qua đó tự bảo vệ tài sản vô hình cũng như hữu hình trong quá trình hội nhập quốc tế.