Bảo vệ 'thành trì' phòng chống lũ

Hệ thống đê điều là 'thành trì' đặc biệt quan trọng trong phòng chống lũ, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, luôn được Hải Dương tập trung nâng cấp, bảo vệ.

Dự án tu bổ, nâng cấp tuyến đê tả sông Thái Bình từ km 53 + 450 - km 56 + 987 đoạn qua xã Thanh Hồng (Thanh Hà) phấn đấu hoàn thành trước ngày 31/5

Dự án tu bổ, nâng cấp tuyến đê tả sông Thái Bình từ km 53 + 450 - km 56 + 987 đoạn qua xã Thanh Hồng (Thanh Hà) phấn đấu hoàn thành trước ngày 31/5

Nhiều tuyến đê đã được nâng cấp

9 tháng trước, cụ thể là từ ngày 9 - 18/9/2024, ảnh hưởng của hoàn lưu siêu bão số 3 (bão Yagi) gây mưa lớn, lũ thượng nguồn dâng cao, các hồ chứa thủy điện xả lũ làm cho nước các sông ở Hải Dương lên rất nhanh, một số nơi vượt xa mực nước báo động III, duy trì trong nhiều ngày. Thống kê cho thấy, 28 năm qua, các tuyến đê ở Hải Dương mới lại chịu áp lực lớn từ một trận lũ lớn như thế.

Hệ thống đê điều trong tỉnh vẫn đứng vững sau trận lũ lịch sử nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác phòng chống lũ trong thời gian tiếp theo khi có 269 sự cố đê điều đã xảy ra, chủ yếu là hiện tượng thẩm lậu, đùn sủi, lỗ rò qua thân đê, tràn sạt trượt mái đê, rò mang khe cánh cống. Không ít tuyến đê yếu, không bảo đảm cao trình chống lũ...

Xác định hệ thống đê điều có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng chống lụt bão, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, kể từ sau trận lũ trên, Hải Dương đã tập trung đẩy nhanh thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp công trình đê điều địa phương giai đoạn 2021 - 2025.

Dự án tu bổ, nâng cấp tuyến đê tả sông Thái Bình từ km 53 + 450 - km 56 + 987 đoạn qua xã Thanh Hồng (Thanh Hà) được khởi công từ sau bão số 3. Chỉ sau 9 tháng, công trình này hiện đã đạt khoảng 80% khối lượng công việc. Thân đoạn đê được ấp trúc, mặt đê được tôn cao, đổ bê tông, bảo đảm cao trình chống lũ.

Phó Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện Thanh Hà Nguyễn Tiến Cường thông tin: "Năm nào đoạn đê này cũng được đưa vào danh sách các trọng điểm mùa mưa bão vì mặt đê nhỏ, xuất hiện nhiều mạch đùn, mạch sủi. Nay mặt đê đã được tôn cao, mở rộng từ 4 m lên 6 m, yên tâm hơn nếu có lũ lớn".

Tuyến đê hữu sông Kinh Môn từ xã Tuấn Việt đến thị trấn Phú Thái (Kim Thành) đã cơ bản hoàn thành nâng cấp, bảo đảm an toàn trước mùa mưa lũ

Tuyến đê hữu sông Kinh Môn từ xã Tuấn Việt đến thị trấn Phú Thái (Kim Thành) đã cơ bản hoàn thành nâng cấp, bảo đảm an toàn trước mùa mưa lũ

Một loạt các tuyến đê xung yếu khác thuộc dự án tu bổ hệ thống đê điều tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025 cũng đã được các đơn vị thi công tập trung nâng cấp từ sau trận lũ lịch sử với giá trị xây dựng hàng trăm tỷ đồng. Đó là tuyến đê hữu sông Rạng từ km 0 + 815 - km 8 + 170, từ km 9 + 600 - km 13 và từ km 15 + 300 - km 20 + 430 qua các xã Hồng Lạc, Cẩm Việt, Thanh An, Thanh Lang, Thanh Xuân (Thanh Hà); đê hữu sông Kinh Môn từ km 7 + 500 - km 10 + 204 và từ km 10 + 645 - km 13 + 425 từ xã Tuấn Việt đến thị trấn Phú Thái; tuyến đê tả sông Lạch Tray đoạn từ km 0 - km 3 + 600 thuộc xã Đại Đức (cùng huyện Kim Thành)...

Đến thời điểm hiện tại, những tuyến đê trên đã cơ bản hoàn thành việc nâng cấp, được mở rộng từ 4 - 4,5 m lên 7 m, trải bê tông mặt đê rộng 6m, bảo đảm cao trình chống lũ.

Ngoài các công trình trên, từ đầu năm, UBND tỉnh đã phân bổ 200 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 hỗ trợ cho cấp huyện đầu tư 19 công trình khắc phục thiệt hại bão số 3 và mưa lũ sau bão. Nội dung các công trình chủ yếu là sửa chữa, tu bổ đê, xây dựng cống mới qua đê thay thế cống cũ, xây kè đê... Hiện tại, đa số các địa phương đã hoàn thành việc lập hồ sơ dự án, một số đang triển khai lựa chọn nhà thầu, chuẩn bị thi công ngay trong tháng 5 này.

Chủ động bảo vệ các trọng điểm

Vị trí sạt mái đê phía đồng trên đê tả sông Thái Bình đoạn qua xã An Sơn (Nam Sách) sắp được xử lý và có phương án bảo vệ trong mùa mưa bão năm nay

Vị trí sạt mái đê phía đồng trên đê tả sông Thái Bình đoạn qua xã An Sơn (Nam Sách) sắp được xử lý và có phương án bảo vệ trong mùa mưa bão năm nay

Mặc dù vậy, hệ thống đê điều ở Hải Dương vẫn còn nhiều vị trí xung yếu. Chỉ tính riêng các tuyến đê từ cấp III trở lên, toàn tỉnh có 17,6 km đê còn thiếu cao trình so với thiết kế, 113,6 km đê có mặt nhỏ hẹp, 20 cống qua đê xây dựng từ lâu, đã xuống cấp cần phải xây dựng, 31 cống hư hỏng...

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đỗ Tiến Bậc cho biết trong trận lũ lịch sử năm ngoái, nhiều tuyến đê trong tỉnh xuất hiện mạch đùn, mạch sủi, thẩm lậu, rò rỉ, sạt trượt... Mặc dù đã được xử lý kịp thời song vẫn cần theo dõi chặt chẽ và triển khai phương án bảo vệ trọng điểm trước những diễn biến khó lường của thiên tai.

Trước mắt trong mùa mưa bão năm nay, Hải Dương đã xây dựng phương án bảo vệ 34 trọng điểm về đê điều (1 cấp tỉnh, 33 cấp huyện) và 51 vị trí xung yếu đê, kè, cống cần đặc biệt chú ý. Các địa phương vẫn đang tiếp tục rà soát, xây dựng các phương án bảo vệ bổ sung.

Công tác xây dựng phương án trọng điểm bảo vệ đê điều đã được các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chủ động từ sớm. Từ tháng 3, huyện Nam Sách đã hoàn thành xây dựng các phương án trọng điểm bảo vệ cống Ngô Đồng (xã Nam Hưng) trên đê sông Kinh Thầy, kè Hùng Thắng (xã Minh Tân) trên đê tả sông Thái Bình. Từ đầu tháng 5, huyện tiếp tục xây dựng bổ sung phương án bảo vệ tình trạng xói mái đê phía sông trên tuyến đê tả Thái Bình đoạn qua xã Minh Tân và sạt mái đê phía đồng cũng trên tuyến đê này đoạn qua xã An Sơn.

Theo ông Đặng Huy Cường, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện Nam Sách, trong mỗi phương án đều nêu rõ hiện trạng, xây dựng các tình huống giả định, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tham gia xử lý, giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương... "Riêng sự cố sạt mái đê phía đồng xã An Sơn, huyện đang lập dự án từ nguồn phân bổ của tỉnh để có thể thi công ngay trong thời gian sắp tới", ông Cường nhấn mạnh.

Cống Kỳ Đặc nằm dưới đê tả sông Kinh Thầy (TP Chí Linh)

Cống Kỳ Đặc nằm dưới đê tả sông Kinh Thầy (TP Chí Linh)

TP Chí Linh cũng đã hoàn thành xây dựng các phương án bảo vệ cống Kỳ Đặc (phường Cổ Thành), bờ lở Đáp Khê (xã Nhân Huệ), cống Vạn Thắng (phường Tân Dân), cống Vùng Sậu (xã Hưng Đạo) cùng trên đê tả sông Kinh Thầy và bối Nhân Huệ (xã Nhân Huệ). Thành phố cũng đã xây dựng phương án đối phó với lũ vượt tần suất thiết kế, phòng chống úng nội đồng, khu vực nội thị với những nội dung rất chi tiết, thể hiện sự chủ động, tích cực, sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra do thiên tai...

TIẾN MẠNH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/bao-ve-thanh-tri-phong-chong-lu-411292.html