Bảo vệ người lao động ra nước ngoài làm việc

Đại biểu Quốc hội đề nghị Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) cần quy định chặt chẽ để xử lý nghiêm hành vi đưa lao động ra nước ngoài nhằm trục lợi

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) khóa XIV, sáng 10-6, các đại biểu (ĐB) thảo luận ở tổ về dự án Luật Người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Đừng làm khó doanh nghiệp

Theo ĐB Trần Kim Yến (TP HCM) - Bí thư Quận ủy quận 1 (TP HCM), nguyên Chủ tịch LĐLĐ TP HCM - chất lượng nguồn lao động được thể hiện qua trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề và ý thức tuân thủ pháp luật, tuy nhiên 3 yếu tố này không thể thực hiện trong một sớm, một chiều. Để có nguồn lao động đạt chất lượng cung ứng cho đối tác, doanh nghiệp (DN) cần có thời gian tuyển chọn, đào tạo; đây là nguồn đầu tư của DN, để khi có cơ hội, có thị trường thì DN mạnh dạn ký hợp đồng cung ứng ngay. Tuy nhiên, tại khoản 2 điều 19 dự thảo luật lại quy định DN dịch vụ chỉ được chuẩn bị nguồn lao động nếu bên nước ngoài tiếp nhận lao động yêu cầu hoặc theo kế hoạch hợp tác hằng năm với bên nước ngoài tiếp nhận NLĐ. "Quy định này khiến DN sẽ rất bị động và dễ bị mất cơ hội, nên nghiên cứu lại quy định này" - bà Yến đề nghị.

Góp ý khoản điều 32 dự thảo về điều kiện DN Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, ĐB Kim Yến nhấn mạnh quy định này là bó buộc và làm khó DN. Lý do là có những hợp đồng, công trình dự án ở nước ngoài, DN cần những chuyên gia, lao động kỹ thuật cao để bảo đảm chất lượng thi công công trình nhưng lực lượng này hiện không làm việc tại DN.

Đại biểu Trần Kim Yến (TP HCM) - Bí thư Quận ủy quận 1, nguyên Chủ tịch LĐLĐ TP HCM - góp ý dự thảo luật Ảnh: NGUYỄN Ý

Đánh giá dự thảo luật có tiến bộ, quy định theo hướng DN đề nghị hướng dẫn nhưng quá thời hạn quy định mà bộ không trả lời thì DN được phép thực hiện. Tuy nhiên, bà Yến dẫn chứng bất cập: tại khoản 2 điều 20 và khoản 3 điều 33, khoản 3 điều 36 của dự thảo luật quy định trong thời hạn từ 6-10 ngày Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) nhận được văn bản đề nghị của DN mà không có ý kiến bằng văn bản thì DN được thực hiện; tuy nhiên, dự thảo luật cũng quy định "DN chỉ được thực hiện sau khi Bộ LĐ-TB-XH có văn bản". ĐB Yến đề nghị cần quy định dứt khoát theo hướng quá thời hạn DN đề nghị mà bộ, ngành không trả lời thì DN được thực hiện.

Xử nghiêm doanh nghiệp bỏ mặc lao động

Nhắc lại vụ việc đau lòng năm 2019 khi những lao động bất hợp pháp bị chết trên xe container đông lạnh ở Anh, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM - cho rằng đặt ra vấn đề quản lý NLĐ Việt Nam ở nước ngoài là rất cần thiết, trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu, lực lượng lao động hợp pháp của nước ta ở nước ngoài rất lớn.

Theo ông Khuê, lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo nhiều đường, từ hợp pháp và bất hợp pháp. "Phần lớn số lao động bất hợp pháp bị ngược đãi, lúc nào cũng phải trốn tránh sự quản lý của nước sở tại. Khi có vấn đề liên quan, sứ quán nước ta cũng không đủ cơ sở để bảo vệ. Tất cả quyền lợi được bảo vệ của NLĐ Việt Nam ở nước ngoài hầu như không liên quan nên phải hệ thống, sắp xếp, cần định danh để quản lý chặt các tổ chức thiết lập đường dây đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đang nằm ngoài sự kiểm soát của pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài" - ông Khuê nêu vấn đề. Ông Khuê cũng đề nghị phải xử lý thật nghiêm tình trạng DN đưa lao động ra sân bay đi sang các nước, phủi trách nhiệm và bỏ mặc NLĐ.

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhấn mạnh việc bảo vệ NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là vấn đề hết sức quan trọng vì không chỉ bảo đảm quyền công dân, quyền con người mà còn là danh dự, phẩm giá của người Việt Nam, cao hơn nữa là uy tín, danh dự của đất nước. "Một số vụ việc diễn ra gần đây cho thấy nếu không quy định bằng luật pháp thì không bảo vệ được NLĐ" - ông nói. Theo ông Vân, thực tế cho thấy nhiều đơn vị trốn trách trách nhiệm khi xảy ra hậu quả. Do đó, ngoài việc quy định về tài chính bảo đảm, vốn sở hữu thì phải khắt khe hơn điều kiện DN đưa NLĐ ra nước ngoài, để có thể xử lý trách nhiệm pháp lý khi vi phạm cam kết với NLĐ.

ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đề nghị cần bổ sung việc giảm chi phí cho NLĐ và tránh tình trạng lừa đảo NLĐ như hiện nay. "Không quy định chặt chẽ trong luật, nhiều người dân đã khốn khó lại khốn khó hơn do chi phí rất lớn khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng" - ông Hiểu nói.

Hôm nay, 11-6, QH sẽ thảo luận ở tổ về dự thảo nghị quyết về giảm thuế thu nhập DN phải nộp năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Biểu quyết về nhân sự

Chiều 10-6, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH trình dự kiến nhân sự để QH bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ. UBTVQH cũng đã trình QH miễn nhiệm chức vụ Ủy viên UBTVQH đối với bà Nguyễn Thanh Hải. Hôm nay (11-6), QH sẽ biểu quyết thông qua các nghị quyết này. Trước đó, ngày 7-2, Bộ Chính trị đã phân công Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Chiều 23-5, Bộ Chính trị cũng đã điều động, phân công và chỉ định bà Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Trưởng Ban Dân nguyện QH - tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhiệm kỳ 2015 - 2020, thay ông Trần Quốc Tỏ đã được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an.

Không tán thành đề xuất nghỉ lễ 2-9 dài 5 ngày * Bố trí thời điểm nghỉ phù hợp mục tiêu kích cầu du lịch

Ngày 10-6, trao đổi với báo chí bên hành lang QH về đề xuất nghỉ 5 ngày trong dịp nghỉ lễ 2-9 năm nay của Tổng cục Du lịch, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết quan điểm của bộ cũng như quan điểm của ông là không tán thành với đề xuất này.

Người đứng đầu Bộ LĐ-TB-XH đã đưa ra nhiều lý do về việc không tán thành đề xuất. Ngày 2-9 năm nay rơi vào giữa tuần (thứ tư) nên việc thực hiện hoán đổi hay nghỉ bù rất bất hợp lý. Bên cạnh đó, thời gian qua, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, giãn cách xã hội, NLĐ và học sinh đã nghỉ rất dài. Ngoài ra, đầu tháng 9 hằng năm là dịp toàn dân đưa trẻ đến trường, các trường học sẽ tổ chức ngày khai giảng, nên việc nghỉ lễ kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc này. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết đã báo cáo Thủ tướng sau khi có đề xuất của Tổng cục Du lịch, Thủ tướng cũng đồng tình với quan điểm của Bộ LĐ-TB-XH là không tán thành việc nghỉ 5 ngày.

* Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng vừa có chỉ đạo yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị sẵn sàng để có thể mở cửa du lịch quốc tế ngay khi đủ điều kiện. Theo đó, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước với tỉ lệ đóng góp trực tiếp vào GDP là 9,2%; với hơn 40.000 DN du lịch, đã tạo ra khoảng 4,5 triệu việc làm trực tiếp và hàng triệu lao động phụ thuộc và liên quan khác. Phó Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, đề xuất kế hoạch nghỉ lễ và nghỉ hè của học sinh cho phù hợp với mục tiêu kích cầu du lịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-6.

V.Duẩn - T.Dũng

Văn Duẩn - Minh Chiến

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/bao-ve-nguoi-lao-dong-ra-nuoc-ngoai-lam-viec-20200610213655062.htm