Bảo vệ không gian văn hóa hồ Tây: Tiếng chuông đã gióng

Từ câu chuyện cá chết hàng loạt ở Hồ Tây, bà Nguyễn Ngọc Lý- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Cộng đồng thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam không khỏi lo lắng: “Không gian sinh thái và lãng mạn của Hồ Tây nói riêng và các hồ của Thủ đô nói chung sẽ không còn giá trị, không còn đi vào trong câu thơ, bài hát nữa nếu tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp tục diễn ra”.

Đây là lần đầu tiền cá chết ở Hồ Tây nghiêm trọng như vậy. (Ảnh: Đ.H)

Xả thải đang "giết" các hồ

Trong thời gian qua tại Hà Nội ghi nhận tình trạng ô nhiễm, bốc mùi hôi thối tại các hồ trong khu vực nội thành Hà Nội. Bà Nguyễn Ngọc Lý cho biết: Theo số liệu thống kê của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Cộng đồng cho thấy, tổng số lượng ao, hồ ở Hà Nội là 112 với tổng diện tích mặt nước hồ là hơn 6,965 m2. Có 11 hồ có dấu hiệu ô nhiễm, 8 hồ ô nhiễm nặng và 6 hồ ô nhiễm rất nặng. Có thể kể đến như: Hồ Văn Chương, hồ Linh Quang, hồ Thiền Quang, hồ Kim Liên, hồ Ba Mẫu...

Hồ Tây có diện tích rộng hơn 500 ha, là một hồ nước tự nhiên lớn nhất nội thành Hà Nội, với chu vi khoảng 18 km2 và có một hệ sinh thái khá đa dạng. Chính vì vậy mà việc cá chết với số lượng lớn như những ngày qua là hiện tượng rất đáng lo lắng. Trong khi chờ đợi kết quả nguyên nhân cá chết bất thường ở Hồ Tây thì mỗi ngày hồ này vẫn phải hứng hàng nghìn mét khối nước thải, rác thải chưa được xử lý từ các nhà hàng, quán ăn và người dân sinh sống ven hồ, trong khi đó việc quản lý giám sát nước xả thải ra hồ lại chưa được chính quyền thành phố quan tâm đúng mức.

Theo bà Lý, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ô nhiễm môi trường ở các hồ Hà Nội là vì nước thải sinh hoạt của các khu dân cư từ các cống đổ thẳng ra các sông, hồ. Thậm chí, rác thải sinh hoạt được các hộ dân xung quanh vứt xuống sông, hồ. Chính từ những ô nhiễm này đã làm gia tăng nồng độ các chất hữu cơ, do đó làm mất khả năng tự làm sạch của sông, hồ và khiến cho nước ở các sông, ao, hồ bẩn đục, hôi thối, ô nhiễm...

Theo các chuyên gia bảo vệ môi trường , để bảo vệ Hồ Tây trước hết phải bảo vệ nguồn nước và đảm bảo cho hệ sinh thái của hồ tồn tại và phát triển. Mặt khác, chất lượng nước thải trước khi thải xuống Hồ Tây phải được xử lý theo tiêu chuẩn. Vì chức năng của hồ là chức năng cảnh quan, điều tiết lũ, điều hòa không khí... theo đó đòi hỏi chất lượng nước hồ phải tốt.

Cần bảo vệ không gian văn hóa quanh hồ

Bà Lý cũng cho biết: Sau bài học này, câu chuyện quản lý hồ không đơn giản là quản lý hồ về mặt hành chính. Tức là, từ trước đến nay mỗi một chức năng của hồ giao cho một bên quản lý, ở địa phương chỉ mang tính chất quản lý hành chính, không có quản lý về mặt khoa học, trong khi đó mỗi một hồ như cơ thể sống. Về mặt ngắn hạn, Hà Nội phải nghiên cứu cách làm mới, cách quản lý mới các hồ của Hà Nội. Đồng thời, nghiên cứu kỹ câu chuyện quản lý Hồ Tây từ khía cạnh quản lý hành chính, ô nhiễm, chất thải, việc quản lý nuôi cá và thái độ của người dân đối xử với hồ. Ngoài ra, cần phải nghiên cứu hệ sinh thái của đáy hồ, bờ hồ, thủy văn của nước hồ và nhận định khi nào được gọi là hồ khỏe và trên cơ sở đó đưa ra những biện pháp cống trình như: Kè bờ, nạo vét bùn, thu gom nước thải xung quanh. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân để tất cả mọi người cùng tham gia bảo vệ hồ. Tất cả biện pháp này phải rõ ràng để hệ sinh thái của Hồ Tây tồn tại được. “Để làm việc này phải có chiến lược dài hạn và thực hiện từng bước. Đồng thời, phải có tài chính để nghiên cứu tổng thể nhằm đảm bảo khôi phục Hồ Tây trở về hiện trạng ban đầu. Khi những vấn đề này được triển khai tốt ở hồ Tây thì sẽ áp dụng được tất cả các hồ của Hà Nội”, bà Lý nhấn mạnh.

GS. Mai Đình Yên, Hội Sinh thái học Việt Nam cho biết: Trước kia, Hồ Tây dùng để phục vụ sinh hoạt, sản xuất của những người dân sống ven hồ. Sau khi đô thị hóa, có nhiều nhà hàng, khách sạn và khu dân cư mọc lên quanh hồ Tây. Do đó, Hồ Tây không còn chức năng phục vụ sinh hoạt cho người dân mà trở mà trở thành bãi rác. Nguồn nước thải từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người được chảy vào lòng hồ ngày càng nhiều nên gây ô nhiễm. Do đó, Hồ Tây cần phải được xử lý ô nhiễm để có chức năng duy trì khí hậu thời tiết, bảo đảm cảnh quan ô thị, xử lý những ô nhiễm tối thiểu, giải quyết vấn đề lũ lụt hạn hán bất thường. Đồng thời, duy trì tất cả những danh lam thắng cảnh ven hồ… Đối với các di tích, danh lam thắng cảnh ven hồ cũng cần phải được bảo vệ để tạo không gian có ý nghĩa về mặt du lịch và lịch sử cho Hà Nội.

PGS.TS Hà Đình Đức, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhận định: Xung quanh các hồ thường gắn liền với lịch sử văn hóa của Hà Nội. Tuy nhiên, việc quản lý hồ và các di tích quanh hồ khó có thể chung về một mối. Để có tiếng nói chung trong việc quản lý hồ và các di tích văn hóa xung quanh hồ cần phải có một ban quản lý chung. “Khi hồ ô nhiễm cũng có ảnh hưởng gián tiếp đến di tích văn hóa quần thể xung quanh và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, khách du lịch đến khu vực này sẽ hạn chế. Cần phải giải quyết các vấn đề ô nhiễm ở Hồ Tây và các khu vực xung quanh, đồng thời, bảo vệ danh lam thắng cảnh ven các hồ. Như vậy, sẽ tạo ra một tổng thể cảnh quan xung quanh hồ”, ông Đức nhấn mạnh.

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/bao-ve-khong-gian-van-hoa-ho-tay-tieng-chuong-da-giong.aspx