Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thông qua các lễ hội truyền thống ở Bình Lục
Mặc dù, không có những lễ hội lớn, quy mô cấp tỉnh hay cấp quốc gia nhưng hằng năm, Bình Lục cũng có nhiều lễ hội truyền thống cấp thôn, làng được tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân. Không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, thông qua các hoạt động của lễ hội, tQính cố kết cộng đồng được phát huy cao độ, trở thành 'điểm tựa' tinh thần của người dân trong đời sống xã hội.
Là một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của Bình Lục, lễ hội làng An Thái (thị trấn Bình Mỹ) được tổ chức 3 năm một lần. Với người làng An Thái, lễ hội không chỉ là dịp để người dân thể hiện lòng biết ơn đối với những người có công với đất nước, mà lễ hội còn là nơi kết nối, cố kết cộng đồng. Vì vậy, 3 năm một lần, cứ đến ngày mùng 10/2 (âm lịch), người dân làng An Thái dù sinh sống ở đâu trên khắp mọi miền đất nước, đều mong muốn được trở về, để cùng nhau lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của lễ hội; đồng thời, nhắc nhở các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau có trách nhiệm giữ gìn và viết tiếp truyền thống đoàn kết của quê hương. Với mong ước một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an, mỗi người dân đến với lễ hội đều mang một tâm thế thành kính, hướng thiện và linh thiêng. Với ý nghĩa đó, hội làng An Thái luôn được các thế hệ người dân trong làng giữ gìn và phát huy.
Biểu diễn trống hội tại Lễ hội làng An Thái (thị trấn Bình Mỹ, Bình Lục).
Ảnh: Minh Thu
Cũng như lễ hội làng An Thái, lễ hội làng Dâu (trước thuộc thôn Mỹ Đôi, xã An Mỹ nay thuộc thị trấn Bình Mỹ) cũng là một lễ hội truyền thống lan tỏa những giá trị văn hóa lịch sử tiêu biểu của vùng đất đồng chiêm. Tương truyền rằng, ngày xưa, làng Dâu nằm trên đất Đình Đông, trước cửa đình làng xưa có một gò đất tựa con thiên mã quay đầu về phía đình. Một hôm, thầy địa lý phán rằng, sở dĩ con cháu trong làng không mấy ai đỗ đạt là do làng có vị trí phong thủy không tốt. Vì vậy, năm Bính Thân (1896), làng đã chuyển đến khu đất phía bắc, nên mới có câu rằng: “Muốn cho con cháu công hầu, thì cho Thiên Mã đứng chầu phương Nam”. Cha ông để lại cho làng Dâu nhiều di sản văn hóa, trong đó có đình, chùa và 6 ngôi đền. Đền Đức Thánh Bà thờ Ả Đào Tiên Chúa; đền Đức Thánh Năm thờ tướng Nguyễn Phương; đền Đức Thánh Hai thờ Tiến sĩ Bùi Công Minh; đền Đức Thánh Ông và mỗi xóm đều có đền thờ Quan bản thổ.
Theo truyền thuyết và ngọc phả để lại, ngày 10 tháng 10 năm Tân Mão, ở trang Bồ Xá, huyện Bình Lục, có một người con gái chào đời. Người con gái đó xinh đẹp như một đóa hoa nên được đặt tên là Ả Đào. Ba năm sau, bố mẹ của Ả Đào lại sinh thêm hai người con trai là Nguyễn Quế và Nguyễn Phương. Hồi đó, quân Minh sang xâm lược nước ta, nhà Hồ tổ chức kháng cự nhưng đều thất bại. Một tướng nhà Minh thấy Ả Đào tài sắc tuyệt vời nên muốn lấy làm vợ. Là phụ nữ chân yếu tay mềm, nhưng Ả Đào lại có lòng yêu nước, thương dân sâu sắc; tương kế tựu kế, Ả Đào nhận lời với tên tướng nhà Minh, nhưng hẹn chờ hết tang mẹ xong mới đính ước. Tướng nhà Minh tưởng thật nên mất cảnh giác, để Ả Đào tự do ra vào thành lũy địch. Rồi một ngày, bà lập kế mở tiệc khao quân. Rượu thịt say sưa, giặc Minh chui vào bao tải để ngủ. Nhân cơ hội đó, bà điều dân binh thắt chặt miệng bao, khiêng thả xuống sông, sau đó cùng nghĩa quân đánh đồn tiêu diệt toàn bộ quân địch. Nửa đêm 14 tháng 2 năm Đinh Mùi, bà cùng hai người em là Nguyễn Quế và Nguyễn Phương chia làm 3 đạo quân tiến về Tiên Lý, huyện Bình Lục để công đồn Trang Cổ Thọ. Sau một ngày giao chiến đẫm máu, quân của bà đã giết được tướng Hoàng Cân, một tên tướng nhà Minh khét tiếng có nợ máu với nhân dân địa phương.
Để tưởng nhớ công lao của Ả Đào và hai người em là Nguyễn Quế và Nguyễn Phương, mỗi năm, cứ đến ngày sinh và ngày mất của bà và hai người em ruột, nhân dân đều tổ chức tế lễ tưởng niệm. Riêng ngày 14 và 15 tháng 2 hằng năm, lễ hội công đồn giặc Minh được tái hiện.
Theo ông Phạm Minh Khánh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Lục, đình làng Dâu còn thờ hai vị Tiến sĩ là Bùi Công Bang và Bùi Công Minh. Hai vị tiến sĩ thời nhà Lê đã làm rạng danh và là biểu tượng của sự hiếu học của nhân dân làng Dâu. Trong những năm kháng chiến, làng Dâu còn là một “địa chỉ đỏ”, nơi viết nên những trang sử hào hùng của Đảng bộ và nhân dân huyện Bình Lục. Năm 1930, chi bộ Đảng xã Mỹ Thọ được chính thức thành lập tại khu miếu trong quần thể di tích đình làng Dâu; khởi phát cho phong trào đấu tranh kiên cường chống sự đô hộ của thực dân Pháp. Đình làng Dâu và những đảng viên ưu tú của quê hương đã che chở, bao bọc cho nhiều chiến sĩ cách mạng tiền bối như đồng chí Hoàng Quốc Việt (Xứ ủy Bắc Kỳ), đồng chí Trần Tử Bình... khi về lãnh đạo phong trào cách mạng ở Hà Nam. Với những giá trị lịch sử, văn hóa của đình làng Dâu, Nhà nước đã quyết định công nhận đình làng Dâu là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1998.
Được biết, tính đến hết tháng 3/2023, Bình Lục có 41 di tích đã được xếp hạng; trong đó, có 22 di tích cấp quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh, với hơn 30 lễ hội được ghi nhận. Trong năm 2023, đã có 12 lễ hội truyền thống được tổ chức; trong đó, có 2 lễ hội mới được phục dựng. Các lễ hội được tổ chức không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân mà còn góp phần tạo một không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Vì vậy, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời, lan tỏa những ý nghĩa tốt đẹp về truyền thống yêu nước và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc thông qua các lễ hội chính là vấn đề cốt lõi được các cấp, ngành triển khai thực hiện hiệu quả trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở Bình Lục nhiều năm qua.