Bảo tồn giá trị văn hóa viết chữ trên kinh lá buông
Kinh lá buông (Satra) là tài sản vô giá chứa đựng giá trị về văn hóa, kỹ thuật, mỹ thuật, nghệ thuật và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ.
Kinh lá buông nơi lưu giữ những giá trị tri thức
Được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, kinh lá buông ẩn chứa những nét đẹp tinh túy trong văn hóa của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi. Đây là nơi lưu giữ những giá trị tri thức cũng như sự sáng tạo độc đáo được người Khmer lưu giữ qua nhiều thế hệ.
Kinh lá buông là loại thư tịch cổ được viết bằng tiếng Khmer cổ (hay tiếng Pali) trên lá buông, xuất hiện từ khoảng thế kỷ XIX. Theo các sãi cả chùa Khmer, cây lá buông có hình dáng giống cây cọ, cây thốt nốt. Lá buông có độ bền cao, để lâu không mục, không bị mối mọt ăn nên dù trải qua nhiều thế kỷ mà những kinh Phật, hay tài liệu cổ được ghi trên lá buông vẫn còn được lưu giữ và còn nguyên giá trị.
Ở An Giang, kinh viết trên lá buông hiện còn lưu giữ tại các chùa Khmer của vùng Bảy Núi (huyện Tri Tôn và Tịnh Biên) với trên 100 bộ. Hiện nay, Hòa thượng Chau Ty- sãi cả chùa Soài So (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn – An Giang) là người duy nhất vùng Bảy Núi thành thạo với cách viết kinh trên lá buông và đang truyền lại cho các sư sãi Khmer trong vùng.
Theo Hòa thượng Chau Ty, lá buông là nguyên liệu chính để tạo ra các bộ kinh lá của đồng bào dân tộc Khmer. Lá buông dùng để viết kinh phải được lựa chọn cẩn thận, tỉ mỉ và xử lý qua nhiều công đoạn phức tạp. Bên cạnh còn phải sử dụng loại bút gỗ có gắn thép nhọn ở đầu để viết chữ lên lá. Người viết chữ phải kiên nhẫn, khéo léo, tỉ mỉ để nét chữ không nông, không sâu, đều đặn và thẳng hàng. Khuôn khổ mỗi lá chỉ viết được 5 dòng, mỗi dòng được khoảng 20 từ. Sau khi viết xong, dùng vải thấm loại mực đặc biệt để quét lên, rồi đem phơi khô những dòng chữ sẽ hiện ra rõ nét và đẹp mắt.
Kinh lá buông là tài liệu quý chứa đựng nhiều triết lý sống, chỉ được mở ra thuyết pháp vào những dịp quan trọng: Lễ Phật Đản, lễ dâng bông, lễ dâng y cà sa, lễ cúng trăng, lễ cúng ông bà…của đồng bào dân tộc Khmer. Hòa thượng Chau Kắk- Phó Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang cho biết: Kinh lá buông thông thường có 4 loại: Satra Chơbắp (ghi chép các luật tục, các lời giáo huấn), Satra Labơk (ghi chép các truyện ngụ ngôn, những sáng tác dân gian), Satra Tâmnong (ghi chép các tác phẩm văn học, chủ yếu là những tác phẩm nổi tiếng), Satra Tes (ghi chép kinh Phật và các truyền thuyết về Đức Phật).
“Trong 4 loại này thì Satra Chơbắp được sử dụng thường xuyên trong gia đình và giáo dục con em đồng bào dân tộc, chủ yếu là giáo dục đạo đức dưới hình thức những lời khuyên răn. Nội dung của Satra Chơbắp là những lời giáo huấn của người xưa (Satra Chơbắp Piêk Chas) nói về kinh nghiệm trong ứng xử, lễ nghĩa đối với người trên kẻ dưới, những quy tắc ứng xử trong xã hội…; những lời răn dạy con cháu (Satra Chơbắp Kônchau) nói về việc làm điều tốt, tránh xa các điều xấu, đức tính hiếu thảo, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ…; những lời dạy con gái (Satra Chơbắp Sêrây), có 225 điều khuyên răn đối với con gái, chủ yếu nói về các đức tính cần có của con gái trước và sau khi lấy chồng; những lời dạy con trai (Satra Chơbắp Pờrôs), có 190 điều khuyên răn đối với con trai về các đức tính, bổn phận đối với bản thân, gia đình và xã hội…” – Hòa thượng Chau Kắk nói.
Chung tay bảo tồn giá trị văn hóa
Buông là một loại cây sống trên núi, hiện chỉ còn rải rác ở núi Tô, núi Dài, núi Cấm... tại tỉnh An Giang. Cây buông cao như cây thốt nốt, nhưng lá dài và dày hơn, có nhiều lớp như ván ép. Mỗi chiếc lá có thể cho thành 3 mảnh lá nhỏ để viết chữ, mỗi mảnh dài 5 – 6 tấc, chiều rộng 5 phân. Một điểm đặc biệt, cây buông sẽ chết nếu ra trái và 50 năm cây mới có hoa một lần.
Lá buông không còn dễ tìm thấy như ngày trước, hoặc nếu có cũng không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Hòa thượng Chau Sơn Hy- sãi cả chùa Sà Lôn (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) nói: “Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, bảo quản và nhân giống cây buông, làm dồi dào nguồn nguyên liệu cho việc tập huấn, đào tạo nghệ nhân khắc chữ, tiến tới phục hồi các bộ kinh trong hệ thống chùa Khmer. Điều lo lắng nhất hiện nay là việc không đủ nguyên liệu để khắc kinh. Chúng tôi buộc phải tìm mua nguyên liệu từ các cánh rừng của Campuchia”.
Để có được những bộ kinh lá được lưu truyền đến thế hệ hôm nay, ngoài việc phải đẹp, còn đòi hỏi người khắc phải hết sức tỉ mỉ, khéo léo từng nét chữ. Chưa hết, việc chạm khắc phải hết sức công phu mới có thể có được nét chữ đẹp, đều đặn, thẳng hàng và rõ ràng. Đặc biệt, sự độc đáo của kinh lá buông còn nằm ở cách những người Khmer sáng tạo ra nó.
Tháng 7/2014, lớp học dạy viết kinh trên lá buông đầu tiên được tổ chức tại chùa Soài So, do đích thân hòa thượng Chau Ty hướng dẫn đã thu hút đông đảo sư sãi các chùa trong tỉnh về dự.
Hòa thượng Chau Ty chia sẻ: “Để giữ gìn, phát huy kỹ thuật viết chữ trên lá buông, đồng bào Khmer mong muốn được Đảng và nhà nước quan tâm, tạo điều kiện hơn trong việc đào tạo, mở nhiều lớp viết chữ trên lá buông. Việc hỗ trợ lá buông sẽ tạo nguồn nguyên liệu để phục vụ cho việc mở các lớp khắc chữ trên lá buông. Bên cạnh đó, tạo điều kiện trong việc bảo quản các bộ kinh còn lại tại chùa, để lưu truyền nét văn hóa độc đáo này cho thế hệ sau”.
Hiện nay, nguồn lá buông để viết kinh khá khan hiếm. Do vậy, UBND huyện Tri Tôn đang thực hiện việc bảo tồn, phát triển loại cây nguyên liệu để tạo ra kinh lá buông. Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Du lịch huyện Tri Tôn- ông Chau Vuth Thi thông tin: “Hiện nay, chúng tôi đang giữ gìn một số cây lá buông trên địa bàn để làm nguồn phát triển cho kinh lá buông sau này. Vì đây là giá trị văn hóa tồn tại qua nhiều thế hệ nên mỗi người Khmer đều rất trân quý”.
Với những giá trị văn hóa cùng kỹ thuật thể hiện độc đáo, kinh lá buông cần tiếp tục được bảo tồn, phát huy và trở thành nét riêng thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu và du khách. Năm 2006, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập chùa Xvay Ton (Thị trấn Tri Tôn) là ngôi chùa lưu giữ nhiều nhất về sách kinh viết trên lá buông có tại Việt Nam. Năm 2015, hòa thượng Chau Ty được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú và tháng 3/2019 được Nhà nước công nhận là Nghệ nhân Nhân dân./.