Bảo tàng Hậu cần Quân đội, Tổng cục Hậu cần: Vâng lời Bác dạy, bền bỉ phấn đấu

Chặng đường 65 năm xây dựng và trưởng thành (4-4-1959 / 4-4-2024), Bảo tàng Hậu cần Quân đội vinh dự hai lần được Bác Hồ đến tham quan triển lãm. Lời Bác dạy năm xưa luôn được cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bảo tàng khắc ghi sâu sắc, bền bỉ phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, xây dựng Bảo tàng ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Vào cuối năm 1954, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, thực hiện chủ trương của Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị tổ chức trưng bày triển lãm phục vụ 10 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-1954) và kỷ niệm 10 năm Ngày Quốc khánh (2-9-1945 / 2-9-1955), Tổng cục Hậu cần (TCHC) chỉ đạo tổ chức sưu tầm các hình ảnh, tài liệu, hiện vật về ngành hậu cần Quân đội tại các chiến trường, các đơn vị để phục vụ công tác trưng bày triển lãm của Bộ Quốc phòng. Cũng từ đó, công tác bảo tàng truyền thống của TCHC được hình thành và đi vào hoạt động.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham quan khu trưng bày sản phẩm do ngành Quân nhu Quân đội sản xuất tại Triển lãm “Sáng kiến cải tiến kỹ thuật”, tháng 4-1959. Ảnh tư liệu

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thực hiện nhiệm vụ của Tổng cục giao, Bảo tàng Hậu cần đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày, triển lãm. Đặc biệt, ngày 4-4-1959, trong đợt trưng bày triển lãm “Sáng kiến cải tiến kỹ thuật”, Bảo tàng vinh dự được đón Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới tham quan. Tại triển lãm, Bác đã căn dặn: “Cuộc trưng bày này của TCHC chứng tỏ rằng: Quân đội ta đã cố gắng nhiều và đã có nhiều thành tích khá trên con đường cải tiến kỹ thuật, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Cần phải phổ biến những thành tích và kinh nghiệm ấy cho toàn quân và toàn dân áp dụng...”.

Tiếp đến, vào ngày 13-2-1961, tại triển lãm “Sáng kiến kỹ thuật hậu cần toàn quân”, Bảo tàng vinh dự lần thứ hai được đón Bác Hồ đến tham quan. Bác rất vui khi chứng kiến những thành tựu mới của ngành hậu cần Quân đội. Nói chuyện tại buổi triển lãm, Bác nhấn mạnh: “Sáng kiến cải tiến dù rất nhỏ, nhưng ai cũng cố gắng làm được, thì nó sẽ vô cùng lớn, làm giàu thêm cho Tổ quốc”. Lời dạy bảo ân cần trong hai lần Bác đến tham quan triển lãm luôn là động lực thôi thúc cán bộ, chiến sĩ, người lao động ngành hậu cần Quân đội nói chung, Bảo tàng Hậu cần Quân đội nói riêng ra sức phấn đấu, thi đua hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Sau năm 1975 và trong thời kỳ đổi mới, thực hiện lời Bác dạy, quán triệt sự chỉ đạo của cấp trên, Bảo tàng Hậu cần Quân đội tiếp tục đẩy mạnh công tác sưu tầm hiện vật. Đến nay, Bảo tàng đang quản lý gần 20.000 hình ảnh, hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội đối với ngành hậu cần Quân đội. Trong đó có hiện vật xe ô tô “Quốc tế” được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

Cùng với sưu tầm hiện vật, Bảo tàng tăng cường tổ chức các đợt trưng bày, triển lãm nhằm tuyên truyền về công tác bảo đảm hậu cần trong các cuộc kháng chiến của dân tộc và thành tựu của ngành hậu cần Quân đội vào dịp kỷ niệm các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước, Quân đội. Tại các đợt trưng bày triển lãm của Bảo tàng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, nhân dân và khách tham quan quốc tế đều đánh giá cao vai trò quan trọng, mang tính chất quyết định của ngành hậu cần Quân đội đến thắng lợi của cách mạng.

Bảo tàng Hậu cần Quân đội đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba và Quyết định công nhận bảo vật quốc gia cho “Xe ô tô quốc tế”, năm 2019. Ảnh: THÔNG BẢY

Anh hùng LLVT nhân dân Phan Văn Quý, người lái xe Zin-157 Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, kể chuyện truyền thống với các học sinh Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội), tại Bảo tàng Hậu cần Quân đội năm 2023. Ảnh: THÔNG BẢY

Những năm gần đây, Bảo tàng luôn chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, là một trong những đơn vị tiên phong trong hệ thống bảo tàng toàn quân số hóa tư liệu, hình ảnh, hiện vật và các di tích lịch sử của TCHC. Bảo tàng đã nghiên cứu tư liệu, biên soạn và xuất bản sách “Kỷ vật kháng chiến ngành hậu cần Quân đội”; hoàn thành bộ sưu tập hình ảnh, hiện vật của các tướng lĩnh ngành hậu cần Quân đội trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chặng đường 65 năm xây dựng và phát triển, lớp lớp cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bảo tàng Hậu cần Quân đội luôn đoàn kết, thống nhất, bền bỉ phấn đấu, xây dựng Bảo tàng ngày càng phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Bảo tàng Hậu cần Quân đội được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (năm 1984); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (năm 2019), Cờ thưởng của Quân ủy Trung ương (năm 2017) và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trong những năm tới, Bảo tàng Hậu cần Quân đội triển khai nhiệm vụ trong điều kiện có nhiều thuận lợi nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức đan xen. Thực hiện lời Bác dạy và quán triệt sự chỉ đạo của cấp trên, đơn vị quyết tâm phấn đấu, xây dựng Bảo tàng Hậu cần Quân đội trở thành Bảo tàng hiện đại, thông minh, trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là trung tâm văn hóa, lịch sử của ngành hậu cần Quân đội.

Thượng tá ĐẶNG VIỆT CƯỜNG, Giám đốc Bảo tàng Hậu cần Quân đội

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bao-tang-hau-can-quan-doi-tong-cuc-hau-can-vang-loi-bac-day-ben-bi-phan-dau-771007