Bảo hiểm thất nghiệp, 'điểm tựa' cho người lao động
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có hiệu lực thi hành từ 1-1-2009, sau 10 năm triển khai thực hiện, đã sớm đi vào cuộc sống và có hiệu quả, được dư luận xã hội, doanh nghiệp, người lao động tích cực hưởng ứng, tham gia, góp phần ổn định đời sống và hỗ trợ thiết thực cho người sử dụng lao động và người lao động.
"Ðiểm tựa" cho người lao động
BHTN là một trong những chính sách quan trọng của hệ thống an sinh xã hội, với mục tiêu bảo vệ, duy trì phát triển việc làm, ngăn ngừa, hạn chế sa thải lao động dẫn đến thất nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm; đào tạo, đào tạo lại tay nghề cho người lao động để họ sớm tìm được việc làm; thay thế, bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi thất nghiệp, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế, chính trị - xã hội.
Sau 10 năm triển khai thực hiện, BHTN đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Năm 2009 mới chỉ có 5,9 triệu người tham gia BHTN thì đến hết năm 2018, cả nước có gần 13 triệu người tham gia BHTN, chiếm khoảng 25% lực lượng lao động trong độ tuổi của cả nước và bằng 87,7% tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc; với tổng số đơn vị tham gia BHTN là hơn 360 nghìn đơn vị. Ðã có gần năm triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong đó có 96,8% được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí và hỗ trợ học nghề cho hơn 180 nghìn người; tính đến cuối năm 2018, kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 79.073 tỷ đồng, dự báo tới năm 2020 vẫn bảo đảm an toàn quỹ.
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chính sách BHTN do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LÐ - TB và XH) tổ chức tại Thanh Hóa mới đây, Phó Cục trưởng Cục Việc làm Lê Quang Trung cho biết: BHTN đã trở thành "bà đỡ" xuất hiện đúng lúc khi người lao động gặp rủi ro về việc làm, bù đắp những tổn thất về mặt tài chính cho người lao động. Nhưng điều quan trọng hơn là chính sách BHTN đã giúp họ có khả năng cũng như cơ hội quay lại thị trường lao động nhanh chóng hơn thông qua tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề miễn phí...
Ðây cũng là lý do, khi trong những năm gần đây, công tác hỗ trợ học nghề đã có những chuyển biến tích cực, số người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng. Năm 2010 chỉ có 270 người được hỗ trợ học nghề, thì năm 2015 có 24.363 người được hỗ trợ học nghề; đến năm 2018 số người được hỗ trợ học nghề là 37.977 người. Ðến nay, đã có hơn 180 nghìn người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, nhiều người thất nghiệp sau khi tham gia các khóa học nghề đã có việc làm và ổn định cuộc sống. Một số địa phương có số người được hỗ trợ học nghề cao, như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ðồng Nai, Bình Dương...
Ðánh giá về việc thực hiện chính sách BHTN trong 10 năm qua, Thứ trưởng LÐ - TB và XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, chính sách BHTN đã thật sự đi vào cuộc sống, trở thành "điểm tựa" của cả người lao động và người sử dụng lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Việc thực hiện BHTN theo nguyên tắc chia sẻ, đóng - hưởng và an toàn quỹ, thể hiện sự hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ; chia sẻ hỗ trợ lẫn nhau của những người lao động, giữa người có nguy cơ mất việc làm thấp với người có nguy cơ mất việc làm cao, thể hiện tính nhân văn và thúc đẩy gắn kết xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, quá trình tổ chức thực hiện BHTN vẫn còn những hạn chế, khi chưa thật sự gắn với thị trường lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức (nơi người lao động dễ bị tổn thương), còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế. Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức bộ máy thực hiện BHTN còn nhiều điểm bất cập...
Sửa đổi, bổ sung chính sách phù hợp
Theo đánh giá, mặc dù có những hiệu quả tích cực, nhưng chính sách BHTN vẫn còn những hạn chế, khi chưa gắn với thị trường lao động, chưa có nhiều biện pháp hỗ trợ để người lao động duy trì việc làm, mặt khác tránh sa thải lao động. Ðối tượng tham gia BHTN chưa được mở rộng đến người lao động có hợp đồng lao động từ đủ một tháng đến dưới ba tháng, trong khi đây là đối tượng có nguy cơ mất việc làm cao. Các quy định về điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động khá chặt chẽ, ít xảy ra và chưa có nhiều giải pháp hỗ trợ người sử dụng lao động duy trì việc làm, ngăn ngừa sa thải lao động; chưa có giải pháp hỗ trợ cho người lao động được bồi dưỡng, phát triển kỹ năng nghề hoặc nâng cao tay nghề. Trong khi đó, nhận thức về BHTN của một số người lao động và người sử dụng lao động còn chưa cao; không ít người lao động và người sử dụng lao động chưa hiểu hết quyền và trách nhiệm của mình...
Ngày 23-5-2018, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, Nghị quyết đã chỉ ra nhiệm vụ và giải pháp để hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm và BHXH trong đó có nội dung sửa đổi, bổ sung chính sách BHTN, chính sách việc làm theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động, khắc phục tình trạng gian lận, trục lợi BHTN; nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN để BHTN thật sự là công cụ quản trị thị trường lao động.
Phó Cục trưởng Lê Quang Trung cho biết, thời gian tới, Bộ LÐ-TB và XH sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, chính sách BHTN, chính sách việc làm theo hướng chú trọng không chỉ các giải pháp xử lý hậu quả đối với người thất nghiệp thông qua việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm mà cần xây dựng các giải pháp phòng ngừa, giảm tình trạng thất nghiệp. Ðồng thời, để đạt được mục tiêu đến năm 2021 khoảng 28% lực lượng lao động; năm 2025 đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN, thì cùng với việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về BHTN, phải đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền nâng cao hơn nữa nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện chính sách BHTN.