Bảo đảm vai trò, năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng

Hơn 90 năm ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã thực hiện xuất sắc sứ mệnh, vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam, là nhân tố quyết định những thắng lợi của dân tộc Việt Nam trên các chặng đường lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, tiến hành sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế. Để thực hiện sứ mệnh lịch sử lớn lao đó, Đảng đã không ngừng xây dựng, rèn luyện, chỉnh đốn về mọi mặt, nâng cao năng lực cầm quyền, đưa cách mạng đến thành công.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, ngày 3/8/2024. Ảnh: VGP

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, ngày 3/8/2024. Ảnh: VGP

Những thành tựu lớn lao của dân tộc Việt Nam 94 năm qua có một nguyên nhân mang tính chất quyết định, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện xuất sắc vai trò, trách nhiệm một đội tiên phong lãnh đạo một dân tộc tiên phong.

Thắng lợi của cách mạng và của dân tộc Việt Nam đều gắn liền với những bước phát triển trong công tác xây dựng, tự chỉnh đốn và sự trưởng thành của Đảng về tư tưởng, chính trị, tổ chức và phẩm chất đạo đức. Từ trong thực tiễn lãnh đạo, Đảng đã tạo nên những giá trị cao đẹp, truyền thống vẻ vang mà nổi bật là trung thành vô hạn với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, một lòng một dạ phụng sự Nhân dân, phụng sự lợi ích tối cao của dân tộc; kiên cường trước gian lao, thử thách, kiên định, bản lĩnh và sáng tạo trong lãnh đạo cách mạng; thường xuyên tự chỉnh đốn, giữ vững đoàn kết và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, gắn bó với Nhân dân, trong sáng trong quan hệ quốc tế…

Từ trong phong trào quần chúng, Đảng đã xây dựng, rèn luyện được một đội ngũ cán bộ, đảng viên trung kiên, là những hạt nhân ưu tú của dân tộc. Vai trò lãnh đạo và uy tín to lớn, vững bền của Đảng đối với dân tộc bắt nguồn từ đường lối đúng đắn, từ những giá trị cao đẹp và sự hy sinh, phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, đảng viên.

Sau 38 năm đổi mới, Việt Nam đã “đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật; đất nước phát triển nhanh và bền vững; củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa”1. Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế, tiềm lực, uy tín quốc tế như hiện nay. Tuy nhiên, nền kinh tế đất nước vẫn còn những hạn chế, bất cập, các yếu tố nền tảng để trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại còn xa so với yêu cầu, không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Các thế lực thù địch đã, đang và tiếp tục chống phá nước ta bằng nhiều phương thức, thủ đoạn, từng bước thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình kết hợp với gây bất ổn xã hội. Sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch tập trung vào một số nội dung, như: tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kêu gọi từ bỏ mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội, xuyên tạc, bôi đen lịch sử đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta do Đảng lãnh đạo, phủ nhận những thắng lợi vĩ đại của Việt Nam, xuyên tạc đường lối, chủ trương và các hoạt động đối ngoại của nước ta; đặc biệt là chúng lợi dụng và khoét sâu một số khuyết điểm, hạn chế trong lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước, sự tha hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ chức vụ cao trong Đảng, chính quyền gây hoang mang, bức xúc trong Nhân dân, làm giảm lòng tin tưởng của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, kích động các hoạt động chống phá chính quyền, hạ uy tín của Đảng, gây bất ổn xã hội.

Thực tế lịch sử cho thấy, những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam bao giờ cũng khởi nguồn từ sự vận dụng và phát triển lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới vừa là hệ quả vừa là nhân tố thúc đẩy sự phát triển lý luận về đổi mới của Đảng ta, trong đó, nổi lên là lý luận về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Việc nghiên cứu lý luận nói chung và lý luận về Đảng lãnh đạo, cầm quyền trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập quốc tế, gia nhập mạnh mẽ vào đời sống kinh tế, chính trị thế giới nhìn chung có tính khẳng định cao, đúng, trúng nhưng chưa có nhiều luận điểm mới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu chụp ảnh cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tại buổi gặp mặt kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2024). Ảnh: CTTĐT Bộ Quốc phòng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu chụp ảnh cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tại buổi gặp mặt kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2024). Ảnh: CTTĐT Bộ Quốc phòng

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (1/1921) chỉ rõ: “Công tác thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa được quan tâm đúng mức, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu; một số vấn đề mới, khó, phức tạp chưa được làm sáng tỏ”2. Có một tình trạng đáng lo ngại là hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, ngại nghiên cứu, học tập lý luận, không coi trọng việc trau dồi lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thực hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, việc đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng nảy sinh nhiều vấn đề mới. Từ khi ra đời, lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn tuân thủ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động theo chủ nghĩa Mác - Lênin. Nhờ đó, Đảng trụ vững trước những khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu to lớn. Việc đổi mới nội dung hoạt động và phương thức lãnh đạo đã bước đầu đáp ứng yêu cầu của tình hình và đòi hỏi của công cuộc đổi mới, tuy nhiên, đổi mới về nội dung, hình thức sinh hoạt chính trị, sinh hoạt Đảng còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế của xã hội, của Nhân dân, ảnh hưởng đến tốc độ đổi mới, nhất là về kinh tế.

Công tác cán bộ, công tác phát triển Đảng có nhiều khó khăn. Lịch sử ra đời và lãnh đạo cách mạng của Đảng cho thấy công tác cán bộ, việc xây dựng được đội ngũ cán bộ trung kiên, bản lĩnh, tài năng, có tinh thần trách nhiệm cao là một trong những mấu chốt để Đảng thực hiện vai trò lãnh đạo, cầm quyền. Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp đổi mới Đảng đã đề ra quan điểm, chủ trương về xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới. Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HNTW ngày 18/6/1997 “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược còn nhiều bất cập. Chiến lược cán bộ, các quy định về quản lý cán bộ, về tạo nguồn, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ… được Đảng dày công chuẩn bị, có bài bản với nhiều khâu, nhiều tầng, nấc chặt chẽ, song, việc tổ chức thực hiện lại có những “lỗ hổng”, bỏ lọt những vi phạm, dẫn đến việc bố trí cán bộ không xứng, không đủ phẩm chất vào những cương vị cao, “gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước”.

Công tác phát triển đảng viên nảy sinh những khó khăn mới. Nguồn lực lượng bổ sung đội ngũ đảng viên hiện nay tập trung chủ yếu ở các đoàn viên thanh niên là các công chức, viên chức đang công tác, làm việc trong các cơ quan, đoàn thể, đơn vị kinh tế nhà nước. Điều này cho thấy nhận thức của một bộ phận thanh niên về Đảng đã có sự thay đổi liên quan đến mục đích, hoài bão, lý tưởng phấn đấu, lợi ích chính trị và đời sống. Việc thu hút các tầng lớp, đặc biệt là lứa tuổi trẻ, tự nguyện hướng về Đảng, đến với Đảng, phấn đấu trở thành đảng viên gặp khó khăn.

Thực trạng cán bộ, đảng viên, có nhiều người phạm tội bị xử lý pháp luật, đã làm cho hình ảnh của Đảng bị ảnh hưởng, thì việc phát triển Đảng, xây dựng lực lượng hậu bị, nguồn kế cận cho Đảng càng là một việc không dễ dàng. Đoàn thanh niên, đội hậu bị trực tiếp của Đảng cũng đang gặp phải tình trạng khó khăn trong thu hút, tập hợp thanh niên. Đây cũng là thách thức trong phát triển đội ngũ đảng viên bảo đảm chất lượng và số lượng nhằm thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, cầm quyền.

Về mối quan hệ giữa Dân với Đảng và vấn đề niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Mối quan hệ giữa Dân với Đảng, giữa Đảng với Dân là mối quan hệ sinh tử. Trong mối quan hệ đó, Đảng vừa là nhân tố lãnh đạo Nhân dân, vừa là người phụng sự Nhân dân, “người đày tớ” của Nhân dân. Việc bảo đảm vai trò làm chủ của Nhân dân trong mối quan hệ Đảng - Nhà nước - Nhân dân có ý nghĩa quyết định, bền vững trong giữ gìn mối quan hệ của Nhân dân với Đảng.

Niềm tin của Nhân dân với Đảng là một nhân tố quan trọng bảo đảm vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Công cuộc đổi mới đạt những thành tựu to lớn, Nhân dân phấn khởi và tin tưởng vào Đảng, vào chế độ. Tuy nhiên, hiện nay có một thực tế là việc phát huy vai trò “làm chủ” của Nhân dân chưa đạt yêu cầu; “Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức, tách rời dân chủ với kỷ cương, pháp luật”3. Khẩu hiệu đồng thời cũng là phương châm hành động đoàn kết Nhân dân với Đảng, thực hành dân chủ: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng, tuy được quan tâm chỉ đạo thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao; một số ý kiến phản biện xã hội, đề xuất mong muốn của người dân chưa được lắng nghe và giải quyết thỏa đáng, gây nên những bức xúc xã hội.

Tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (2017), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”4. Những khó khăn, thách thức và nguy cơ đối với sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng hiện nay có thể còn kéo dài. Trong đó, những khó khăn, thách thức, nguy cơ nảy sinh trong thực tiễn thực hiện vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng cần tập trung quan tâm nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 18-20/8/2024. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 18-20/8/2024. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Bên cạnh những chủ trương, biện pháp mà Đảng đang tiến hành, rất cần thiết phải nghiên cứu, bổ sung và thực hiện kiên quyết, kiên trì, triệt để các giải pháp, trên tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật”, “nói rõ sự thật” - quan điểm, phương châm chỉ đạo của Đảng đề ra ngay khi khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Đảng Cộng sản Việt Nam là cội nguồn sáng tạo và sức mạnh của dân tộc trong đấu tranh giành độc lập, tự do, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, là nhân tố quyết định dòng chảy và xu thế tất yếu của lịch sử dân tộc trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tổ chức năm 2021 khẳng định: “Đảng có trách nhiệm lịch sử to lớn đối với Tổ quốc, đồng bào và dân tộc ta”, khẳng định bốn “kiên định” và một “bảo đảm” là “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Đó cũng chính là sự tiếp nối tinh thần trách nhiệm của Đảng đối với dân tộc, phát huy truyền thống gắn bó Đảng và dân tộc, phát huy sức sáng tạo và sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Chú thích:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tập I, tr.20.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tập I, tr. 90, 91.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tập I, tr.89.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2017, tr. 250 - 251.

TRẦN TRỌNG THƠ - Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/nghien-cuu/bao-dam-vai-tro-nang-luc-lanh-dao-cam-quyen-cua-dang-58158.html