Bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân

Sáng 24/5, tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 24/5 (ảnh: VPQH cung cấp).

Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 24/5 (ảnh: VPQH cung cấp).

Điều hành nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc nghiên cứu giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật này tại Phiên họp thứ 30, sau đó đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan để tiếp thu ý kiến và hoàn chỉnh dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp này.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung làm việc (ảnh: VPQH cung cấp).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung làm việc (ảnh: VPQH cung cấp).

Dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp này đã được Chính phủ có văn bản hoàn toàn nhất trí với những nội dung đã tiếp thu, giải trình. Các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học đều đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu tối đa và giải trình cụ thể thể hiện trong báo cáo đầy đủ...

Trình bày tóm tắt Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 8 chương với 65 điều, bám sát mục tiêu, quan điểm đề ra khi xây dựng dự án Luật, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Lưu trữ năm 2011, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời, thực hiện định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội lưu trữ.

 Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo (ảnh: VPQH cung cấp).

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo (ảnh: VPQH cung cấp).

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội quy định tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của cấp xã thuộc nguồn nộp vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh (khoản 4 Điều 10 của dự thảo Luật), đồng thời chỉnh lý quy định tại Điều 18 về cơ quan, tổ chức nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước để bảo đảm tính thống nhất.

Điều này xuất phát từ thực tế các địa phương, khối lượng hồ sơ, tài liệu được lưu trữ tại cấp xã rất lớn, chủ yếu là tài liệu chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành thuộc lĩnh vực hộ tịch, đất đai và tài liệu hình thành trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã, bao gồm cả tài liệu lưu trữ vĩnh viễn. Trong khi đó, nguồn lực về con người và cơ sở vật chất cho công tác lưu trữ tại cấp xã rất hạn chế dẫn đến việc lưu trữ tại nhiều địa phương không bảo đảm, tài liệu bị hư hỏng, thất thoát.

Đồng thời, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thuộc Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam; đối với tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của các hội, tổ chức xã hội khác là tài liệu lưu trữ tư, thuộc Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam.

 Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Về thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý quy định về thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử tối đa là 5 năm, nhưng tính từ năm tài liệu được nộp vào lưu trữ hiện hành và áp dụng thống nhất cho cả tài liệu giấy và tài liệu số. Việc rút ngắn thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ; Hạn chế tình trạng thất thoát tài liệu lưu trữ vĩnh viễn và giúp bảo quản tài liệu lưu trữ tốt hơn.

Về lưu trữ tài liệu điện tử, dự thảo Luật được thiết kế theo hướng quy định việc lưu trữ tài liệu giấy song song với lưu trữ tài liệu số và việc chuyển đổi từ lưu trữ tài liệu giấy sang lưu trữ tài liệu số được thực hiện theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và định hướng Chính phủ số, chính quyền số.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, kết cấu của dự thảo Luật được chỉnh lý không quy định chương riêng về lưu trữ điện tử mà lồng ghép vào Chương III (mới) về nghiệp vụ lưu trữ nhằm vừa bảo đảm tính thống nhất trong nghiệp vụ lưu trữ, vừa bảo đảm các quy định được rõ ràng, đầy đủ hơn cho từng loại hình tài liệu lưu trữ và giúp cho việc tổ chức thực hiện được dễ dàng, thuận lợi.

 Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, các cơ quan đã phối hợp rà soát kỹ lưỡng nội hàm của từng tiêu chí xác định tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, bảo đảm tính toàn diện và phù hợp với tính chất của tài liệu lưu trữ. Theo đó, tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt phải đáp ứng một trong các tiêu chí về nội dung quy định tại khoản 2 và một trong các tiêu chí về hình thức, xuất xứ quy định tại khoản 3 Điều 38 của dự thảo Luật; phân định rành mạch với tiêu chí xác định bảo vật quốc gia.

Đồng thời, rà soát các quy định về quản lý, bảo quản, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt với các quy định tương ứng về bảo vật quốc gia trong Luật Di sản văn hóa hiện hành và dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để chỉnh lý Điều 3 của dự thảo Luật.

Theo đó, bổ sung khoản 2 vào Điều 3 của dự thảo Luật với nội dung: “Trường hợp tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia hoặc công nhận, ghi danh hình thức khác theo quy định của Luật Di sản văn hóa và luật khác có liên quan thì ngoài việc thực hiện theo quy định của Luật này, còn phải thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa và luật khác có liên quan. Trường hợp mang tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia ra nước ngoài phải có quyết định của Thủ tướng Chính phủ”.

Diên Hồng

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/bao-dam-tot-hon-quyen-tiep-can-thong-tin-cua-cong-dan-158401.html