Bảo đảm tiến độ hoàn thành trưng bày thường xuyên Bảo tàng Hà Nội

Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà cho biết, Bảo tàng quyết tâm tập trung nhân lực, phối hợp hoàn thành phần trưng bày thường xuyên, bảo đảm dự án về đích đúng tiến độ, để Bảo tàng có thể vận hành đúng với chức năng, nhiệm vụ, thực hiện sứ mệnh là thiết chế văn hóa tiêu biểu của Thủ đô.

Sáng 23.8, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với Bảo tàng Hà Nội về việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng - Trưởng đoàn khảo sát chủ trì cuộc làm việc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng - Trưởng đoàn khảo sát chủ trì cuộc làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng - Trưởng đoàn khảo sát chủ trì cuộc làm việc

Bảo tàng Hà Nội được thành lập tại Quyết định số 592/QĐ-UBND ngày 4.2.2009 của UBND thành phố Hà Nội, trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội).

Bảo tàng Hà Nội thuộc loại hình bảo tàng khảo cứu địa phương, có chức năng nghiên cứu khoa học; sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, hiện vật và di sản văn hóa; kiểm kê, bảo quản, trưng bày tài liệu, hiện vật; giới thiệu di sản văn hóa, giáo dục truyền thống; hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ quản lý hiện vật cho các bảo tàng di tích, tổ chức, cá nhân…; phối hợp thực hiện các nội dung liên quan đến dự án trưng bày và các hoạt động dịch vụ khác của Bảo tàng theo quy định của pháp luật.

Tổ chức nhiều trưng bày chuyên đề ngắn hạn

Báo cáo Đoàn khảo sát, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà cho biết, từ khi khánh thành năm 2010 đến nay, trong khi triển khai dự án thiết kế trưng bày tổng thể nội dung trưng bày thường xuyên, Bảo tàng Hà Nội tổ chức trưng bày các chuyên đề ngắn hạn nhằm giới thiệu với khách tham quan những tài liệu, hiện vật điển hình có trong kho của Bảo tàng cùng với những sưu tập có giá trị của các nhà sưu tập tư nhân.

Bảo tàng Hà Nội đang trưng bày các chuyên đề thu hút sự quan tâm của công chúng như: “Hà Nội - đất trăm nghề” tại khu nhà phố cổ; các mẫu vật thiên nhiên Hà Nội tại tầng 2; Cổ vật tiêu biểu và bảo vật quốc gia của Bảo tàng Hà Nội tại tầng 1; “Hà Nội 1972 - khát vọng hòa bình” nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (18.12.1972 - 18.12.2022); triển lãm tranh “Hội tụ tinh hoa mỹ thuật Việt - Hàn”; Không gian nghệ thuật sáng tạo và triển lãm nghệ thuật chủ đề “Ego - người” tại tầng 2 và chuyên đề “Thông linh” tại không gian sân vườn ngoài nhà.

Đoàn khảo sát khu trưng bày các mẫu vật thiên nhiên Hà Nội

Đoàn khảo sát khu trưng bày các mẫu vật thiên nhiên Hà Nội

Về công tác sưu tầm, kiểm kê và bảo quản hiện vật, Bảo tàng Hà Nội đang lưu giữ 73.000 tài liệu, hiện vật, đặc biệt là các sưu tập thuộc các chất liệu: gốm sứ, đồng, đá, giấy, vải, gỗ… và một số nhóm hiện vật đa chất liệu thuộc các giai đoạn lịch sử của Hà Nội. Đáng chú ý, Bảo tàng Hà Nội đang lưu giữ 5 nhóm hiện vật với số lượng 135 hiện vật đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Công tác bảo quản được duy trì thường xuyên theo tuần, tháng, quý, năm. Hàng năm Bảo tàng Hà Nội xây dựng kế hoạch ngắn hạn và dài hạn cho công tác bảo quản. Trong thời gian 10 năm, từ năm 2013 - 2023, Bảo tàng Hà Nội đã bảo quản trị liệu cho khoảng 52.741 hiện vật...

Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong tổ chức hoạt động, song theo Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà, dự án trưng bày Bảo tàng Hà Nội (phần trưng bày) chưa hoàn thành nên đơn vị chỉ tổ chức và phối hợp thực hiện một số chuyên đề trưng bày, triển lãm mang tính chất quy mô nhỏ lẻ, tạm thời, chưa thành hệ thống xuyên suốt bảo đảm nội dung trưng bày của một bảo tàng hiện đại. Trang thiết bị và cơ sở vật chất không thường xuyên được vận hành và sử dụng phần nào làm ảnh hưởng đến độ bền và tuổi thọ của trang thiết bị dẫn đến bị hỏng hóc, xuống cấp.

Việc cung cấp các dịch vụ phục vụ khách tham quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã được quy định tại Luật Di sản văn hóa, nhưng còn vướng mắc do công trình chưa được quyết toán hoàn thành để làm cơ sở lập Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Đoàn khảo sát trưng bày chuyên đề "Nếp xưa"

Đoàn khảo sát trưng bày chuyên đề "Nếp xưa"

Tập trung nhân lực hoàn thành trưng bày thường xuyên

“Bảo tàng Hà Nội quyết tâm tập trung nhân lực phối hợp với Chủ đầu tư dự án hoàn thành phần trưng bày thường xuyên và kiến nghị, đề xuất Hội đồng Nhân dân Thành phố, Ủy ban Nhân dân Thành phố quan tâm, chỉ đạo; bảo đảm dự án về đích đúng tiến độ để Bảo tàng có thể vận hành đúng với chức năng, nhiệm vụ, thực hiện sứ mệnh là thiết chế văn hóa tiêu biểu của Thủ đô”, ông Nguyễn Tiến Đà cho biết.

Tạo điều kiện bố trí kinh phí xây dựng một số đề án mang tính chiến lược hoạt động của Bảo tàng: Đề án chuyển đổi số, trong đó, ưu tiên bố trí vốn cho hạng mục số hóa hiện vật bảo tàng, làm cơ sở cho các hoạt động chuyên môn khác của bảo tàng; Đề án sưu tầm hiện vật bảo tàng giai đoạn 2023-2026, trong đó bố trí kinh phí cho công tác sưu tầm bằng hình thức mua hiện vật; Đề án đào tạo cán bộ về công tác bảo tàng có đủ trình độ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong tình hình mới.

Để khai thác, sử dụng hiệu quả thiết chế văn hóa này, Bảo tàng Hà Nội cũng kiến nghị cho phép Bảo tàng thí điểm cung cấp một số dịch vụ thiết yếu phục vụ khách tham quan theo quy định tại Luật Di sản văn hóa và chức năng, nhiệm vụ được giao như: dịch vụ ăn nhẹ, quầy giải khát, quầy hàng lưu niệm; tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa thể thao, du lịch, hội thảo, hội nghị, để bảo đảm thực hiện lộ trình tự chủ theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21.6.2021 của Chính phủ về Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Đoàn khảo sát phòng lưu trữ hiện vật

Đoàn khảo sát phòng lưu trữ hiện vật

Đoàn khảo sát ghi nhận và đánh giá sự quan tâm của lãnh đạo thành phố Hà Nội các thời kỳ khi quyết định chủ trương đầu tư một bảo tàng tầm vóc như thế, song điều này cũng đặt ra yêu cầu rất lớn đối với ngành văn hóa Hà Nội nói chung trong việc đưa Bảo tàng Hà Nội trở thành thiết chế văn hóa quan trọng, nơi tổ chức các sự kiện lớn của Thủ đô và cả nước, cũng như trở thành điểm đến thu hút những người quan tâm muốn tìm hiểu lịch sử, văn hóa của Hà Nội.

Vì thế, “hoàn thành trưng bày thường xuyên theo đúng tiến độ là nhiệm vụ trọng tâm song cũng là thách thức rất lớn với Bảo tàng Hà Nội”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng nhấn mạnh.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn mong muốn, Bảo tàng Hà Nội là trung tâm sáng tạo của Thành phố sáng tạo Hà Nội, từ đó có thêm sự quan tâm, nguồn lực, trở thành điểm nhấn văn hóa không chỉ của Hà Nội mà của cả nước.

Tin: Nhật Linh; Ảnh: Nghĩa Đức

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/bao-dam-tien-do-hoan-thanh-trung-bay-thuong-xuyen-bao-tang-ha-noi-i340930/