Bảo đảm mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu bền vững

Năm 2017 là năm đặc biệt thành công của xuất khẩu khi kim ngạch xuất khẩu (KNXK) đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao ngành công thương.

Năm 2017, thêm bốn mặt hàng đạt KNXK hơn một tỷ USD, đưa số mặt hàng có KNXK hơn một tỷ USD lên 29 mặt hàng; số mặt hàng có KNXK hơn hai tỷ USD là 20 và tám mặt hàng đạt KNXK hơn sáu tỷ USD. Công tác phát triển thị trường xuất khẩu đạt được những kết quả tích cực. Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động.

Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn chưa thật sự phát triển bền vững khi mới đang chuyển mạnh từ dầu thô sang hàng điện tử (chiếm tới 33% tổng KNXK) và chủ yếu dựa vào khối doanh nghiệp (DN) FDI (chiếm hơn 70% KNXK). Do sản xuất và xuất khẩu của khối này phụ thuộc rất lớn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu cho nên mỗi khi xảy ra biến động, xuất khẩu của nước ta sẽ chịu tác động lớn.

Bên cạnh đó, mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thủy sản chưa cao. Một số mặt hàng phụ thuộc vào một thị trường duy nhất, sản xuất còn manh mún, tự phát, dẫn đến có thời điểm không kiểm soát nguồn cung cho xuất khẩu, đồng thời còn khiến chất lượng sản phẩm không đồng đều, rất khó kiểm soát vấn đề an toàn và khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc. Vấn đề an toàn thực phẩm tuy được cải thiện so với trước đây, nhưng chưa ổn định, thậm chí một số sản phẩm xuất khẩu bị trả về do không đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm (thủy sản, hạt tiêu, gạo), ảnh hưởng hình ảnh, thương hiệu của hàng Việt Nam. Ngoài ra, chi phí của nền kinh tế còn cao (lãi suất, vận tải, mức thu các loại phí cảng...) làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu...

Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2018, tạo nền tảng bền vững cho xuất khẩu những năm tiếp theo, nhất là trong bối cảnh tại nhiều nước trên thế giới chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng, cần thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nguồn hàng có chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục các giải pháp tháo gỡ khó khăn, rào cản, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, nhất là phát triển công nghiệp phụ trợ, chủ động nguồn nguyên liệu cho các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu; nghiên cứu, rà soát để giảm chi phí đầu vào cho xuất khẩu.

Cụ thể hơn, Bộ Tài chính cần nghiên cứu giải pháp giảm mạnh thời gian xem xét hồ sơ xin hoàn thuế VAT, giúp giảm chi phí cho DN; nghiên cứu hướng sửa đổi các luật thuế để có sự đối xử công bằng hơn giữa vật tư, nguyên liệu nhập khẩu và sản xuất trong nước. Bộ Công thương cần tích cực phối hợp với EU rà soát pháp lý, tiến tới ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU trong năm 2018; phối hợp các bộ, ngành hoàn thiện hồ sơ, sớm trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); nỗ lực yêu cầu các nước xóa bỏ thuế nhập khẩu và các rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Đồng thời phối hợp các bên liên quan xúc tiến mở rộng các thị trường xuất khẩu mới, tăng cường cơ chế cảnh báo sớm cho DN để chủ động phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại; tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp thông tin kịp thời, làm cầu nối cho DN cũng như hướng dẫn DN cách ứng phó các vụ kiện do nước ngoài khởi động...

TÙNG BẢO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/36344002-bao-dam-muc-tieu-tang-truong-xuat-khau-ben-vung.html