Bảo đảm 5 tiêu chí, DAP-1 Hải Phòng được đề xuất đưa ra khỏi diện theo dõi, xử lý
Cùng với Nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Nhiên liệu sinh học Bình Phước, DAP-1 Hải Phòng được xem xét ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ, yếu kém ngành Công Thương.
Ngày 19/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém một số dự án chậm tiến độ ngành công thương chủ trì Phiên họp thứ 11 của Ban Chỉ đạo về việc xem xét đưa ra khỏi danh sách theo dõi, xử lý của Ban Chỉ đạo một số dự án và xử lý, quyết toán hợp đồng EPC đối với một số dự án, doanh nghiệp.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và các thành viên Ban Chỉ đạo đã thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định ngay trong tháng 8/2020 về việc đưa 3 dự án DAP-1 Hải Phòng, Nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Nhiên liệu sinh học Bình Phước) ra khỏi diện theo dõi, chỉ đạo, xử lý của Ban Chỉ đạo.
Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinachem, kiến nghị với Ban chỉ đạo đưa DAP 1 Hải Phòng ra khỏi danh sách các doanh nghiệp, dự án yếu kém vì đã hoạt động ổn định trong 3 năm liền, bảo đảm được 5 tiêu chí mà Bộ Công Thương đang dự thảo.
Cụ thể, DAP 1 Hải Phòng đã hoàn thiện nhiệm vụ giải quyết dứt điểm các thủ tục quyết toán dự án hoàn thành, các vướng mắc, tranh chấp với nhà thầu trong hợp đồng EPC. Sản xuất kinh doanh ổn định, có lãi từ 1 năm trở lên đồng thời phải có phương án sản xuất kinh doanh ổn định và có lãi trong các năm tiếp theo.
DAP 1 Hải Phòng không có nợ quá hạn (gồm gốc và lãi) liên tục trong thời gian tối thiểu 3 tháng tại các tổ chức tín dụng; Chấp hành đầy đủ pháp luật về nghĩa vụ thuế và các khoản thu nộp ngân sách có liên quan khác; Đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao trực tiếp trong kế hoạch hành động xử lý các tồn đọng, yếu kém.
Với DAP số 1-Hải Phòng, việc xử lý chất thải gypsum tại nhà máy để làm vật liệu xây dựng được xem là vấn đề khá nan giải.
Để giải quyết vấn đề này, Vinachem đã chủ động làm việc với các bộ, ngành liên quan để xử lý vấn đề sử dụng thạch cao PG (phosphogympsum) dùng để làm phụ gia trong sản xuất xi măng, qua đó đã xử lý được vấn đề về chất thải gypsum tại các nhà máy sản xuất phân bón, giảm thiểu các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tận dụng tối đa phế phẩm trong quá trình sản suất phân bón.
Ông Dương Duy Hưng-Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp triển khai xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến sử dụng thạch cao PG, tạo điều kiện cho việc xử lý chất thải gypsum tại các nhà máy sản xuất phân bón để làm vật liệu xây dựng.
Dự kiến chỉ trong 3 - 5 năm tới, bãi thải thạch cao PG đang tồn đọng của Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 - Hải Phòng sẽ được xử lý hết.
Theo Bộ Công Thương, vấn đề chính hiện nay của dự án là tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng cường quảng bá sản phẩm và phát triển thị trường, tổ chức tốt hệ thống phân phối, khách hàng...
Ngoài ra, tại dự án cần tiếp tục nghiên cứu và có phương án để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như xử lý dứt điểm bãi thải gypsum trong quá trình sản xuất, đồng thời đảm bảo an toàn lao động, an toàn môi trường trong quá trình sản xuất.
Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng do Công ty cổ phần DAP - Vinachem (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam góp 64% vốn điều lệ). Dự án khởi công tháng 7/2003 chạy thử tháng 4/2009, vận hành thương mại năm 2010, hoàn thành, bàn giao tháng 3/2012.
Theo báo cáo của Chính phủ, từ năm 2017 đến nay, DAP số 1 sản xuất ổn định, luôn có lãi, nộp ngân sách đầy đủ; đạt được hiệu quả đầu tư (tổng mức đầu tư quyết toán thực tế là 2.328 tỷ đồng, giảm 437 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt 2.765 tỷ đồng).
Đến hết năm 2019, vốn chủ sở hữu là 1.248 tỷ đồng, tổng tài sản là 1.991 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 770 tỷ đồng, nhưng còn lỗ lũy kế 215,4 tỷ đồng.
Sau một thời gian thực hiện Đề án 1468 với các giải pháp tập trung xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiện dự án DAP số 1 đã hoàn thành việc thực hiện các giải pháp, về cơ bản, dự án đã đáp ứng tiêu chí để xem xét đưa ra khỏi Danh sách dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương.