Báo Công an nhân dân vũ trang góp phần khích lệ khí thế thi đua
Một thời gian dài, trên Báo Công an nhân dân vũ trang (nay là Báo Biên phòng), mục thi đua luôn được đăng trên trang nhất, bao gồm danh sách hoặc hình ảnh những cá nhân, đơn vị tiêu biểu của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP). Danh sách các đồng chí được Bác Hồ tặng huy hiệu cũng thường được đăng rất trang trọng. Cách làm hay, những chiến công của các đơn vị được viết lại khá chi tiết để tạo không khí lan tỏa trong toàn quân.

Báo Công an nhân dân vũ trang luôn thúc đẩy phong trào thi đua trong toàn lực lượng. Ảnh: Văn Chương
Đóa hoa thi đua
Báo Công an nhân dân vũ trang số 18, phát hành ngày 1/3/1972 có bài đăng trang nhất mang tựa đề “Các đơn vị thi đua công tác tốt, rèn luyện giỏi, thường trực chiến đấu cao”. Đơn vị đầu tiên được biểu dương là Công an nhân dân vũ trang Sơn La, bao gồm các đơn vị: 2, 19, 21, 31, 25, 27 và 29, người và vũ khí trang bị lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, khi có lệnh là lên đường. Đơn vị nào cũng có cán bộ, chiến sĩ bám địa bàn, củng cố an ninh trật tự; các chiến sĩ đoàn kết, tương trợ lẫn nhau.
Đồn 253 ở Quảng Bình được biểu dương luôn có phương châm “Địch vào là biết, địch đến là diệt”, thường xuyên luyện tập khoa mục bắn máy bay, địch đổ bộ đường không, đánh địch trên các địa hình. Thời đó, việc bám trụ, tăng gia sản xuất để có nguồn lương thực, đóng góp vào quỹ nuôi quân là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Vì vậy, Báo Công an nhân dân vũ trang luôn kịp thời biểu dương để bà con nhân dân tiếp tục bám đất giữ làng, bất chấp bom đạn.
Mặc dù trong thời chiến, nhưng vai trò của lực lượng Công an nhân dân vũ trang trong việc hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế-xã hội luôn được chú trọng. Mục biểu dương này nhắc đến Công an nhân dân vũ trang Thanh Hóa đã cùng các lực lượng và ngành xây dựng Trạm thủy điện 3-2 ở vùng cao xã Pù Nhi, huyện Quan Hóa. Quá trình xây dựng gặp nhiều khó khăn, thử thách vì không có đường vận chuyển 30 tấn vật liệu xây dựng, đào hàng trăm mét khối đá, gỗ, nhưng lực lượng Công an nhân dân vũ trang đã sát cánh cùng nhân dân để thực hiện, hoàn thành công trình.
Để có cái nhìn tổng quát hơn về thành tích thi đua, những khó khăn mà cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang đã vượt qua, đồng chí Thiếu tướng Phạm Kiệt, Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang đã viết bài “Tăng cường công tác bảo vệ biên giới”, trong đó, nêu ra vấn đề đất nước còn đang bị chia cắt, riêng miền Bắc có 2.400km đường biên giới, đây là địa bàn mà các đối tượng biệt kích, gián điệp tăng cường hoạt động, nhưng cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đơn vị điển hình
Công an nhân dân vũ trang tỉnh Nghệ An là một trong những đơn vị thường xuyên được biểu dương trên Báo Công an nhân dân vũ trang. Trong số báo 111, phát hành vào tháng 2/1972 có bài viết, trong đó đề cập: “Công an nhân dân vũ trang tỉnh Nghệ An đã bắt gọn nhiều toán gián điệp xâm nhập, góp phần bảo vệ an toàn cho hành lang chi viện chiến trường miền Nam. Đơn vị đã triển khai chuyên đề về cán bộ là người các dân tộc, chuyên đề về cán bộ trinh sát bao gồm bồi dưỡng về chính trị, bản lĩnh, tác phong giản dị, gần dân...".
Để cán bộ, chiến sĩ an tâm tư tưởng, đơn vị luôn nắm bắt tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh gia đình để có sự quan tâm, động viên kịp thời. Các đồng chí phụ trách đội phó đội cơ sở, trung đội phó, trạm trưởng... là những người kinh qua kinh nghiệm, có thâm niên, ý chí tiến thủ, xông xáo, nhiệt tình. Năm 1971, nhiều đồng chí mang cấp bậc Thượng sĩ đã được khen thưởng, có đồng chí được tặng danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng. Trong công tác bố trí cán bộ, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, gắn nhiệm vụ của mình vào những công tác trung tâm của địa phương.
Thời điểm đó, có những người được biểu dương như chiến sĩ Vũ Thế Duy (thuộc Đoàn Hồng Quảng, Công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh), là người chịu khó, từ lúc còn nhỏ đã học hỏi trong gia đình về việc sửa chữa các vật dụng và biết sắp xếp mọi đồ dùng trong doanh trại một cách ngăn nắp. Những chiếc nồi, chậu trong bếp ăn bị hư hỏng đều được anh tự tay rèn, sửa chữa lại để tăng thời gian sử dụng. Đoàn Hồng Quảng có một chiếc máy sản xuất mì để tạo nguồn lương thực tại chỗ cho anh em. Có lần, chiếc máy bị hỏng và đơn vị định làm tờ trình xin chiếc máy mới, nhưng anh Duy đã bỏ ra 2 ngày để tự sửa chữa, rèn các thiết bị thay thế và cuối cùng, chiếc máy đã chạy lại được bình thường. Từ đó, anh được cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị gọi là “anh thợ toàn năng”.
Phê bình khéo
Bên cạnh nội dung biểu dương các tập thể, cá nhân đạt thành tích cao, Báo Công an nhân dân vũ trang còn có mục phê bình, một số thiếu sót của các tập thể, cá nhân được đưa lên mặt báo nhưng bằng hình thức khá tế nhị, hài hước nhưng sâu sắc. Những vấn đề phê bình được viết trong mục phiếm luận mang tiêu đề “Sai đâu, sửa đấy”.
Trong số báo ra ngày 19/8/1971, phóng viên Triều Lân đã kể lại câu chuyện có thật, nhưng tên nhân vật được viết tắt. Bài viết trong số báo này có tiêu đề là “Đắt quá”, nội dung kể lại chuyện cô Bích Hà, nhân viên điện báo của đơn vị X và anh Văn Đức, chiến sĩ của đơn vị Y. Một hôm, cô Hà đến thăm và nói về việc đơn vị diễn văn nghệ, cô sẽ được vào vai người chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang nên cần một bộ quần áo lên sân khấu. Sau khi mượn bộ quân phục thì cô đã biến mất, rồi bị Công an bắt vì đã mang áo ra "chợ đen" bán. Việc anh Văn Đức cho mượn áo là sai quy định, bị đơn vị kiểm điểm. Tác giả Triều Lân diễn giải bằng 6 câu thơ: “Cao tay cô bạn Bích Hà/Đóng kịch ngay ở trong nhà Công an.../Xót cho ai tính bốc giời/Nghìn vàng đổi một nụ cười - đắt sao!”.
Cố Đại tá Phan Trọng Bằng, nguyên Tổng Biên tập Báo Biên phòng lúc còn sống từng chia sẻ, mục "Sai đâu, sửa đấy" thường ngắn gọn, nhưng sâu sắc, nội dung dễ nhớ, dễ được truyền miệng và thu hút khá nhiều người xem. Một bài nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ mà ông từng kể lại, đó là bài “Bắn 3 phát, phạt 9 đồng” được phản ánh bằng bài thơ châm biếm: “Gọi thuyền vô bến kiểm tra/Buồm căng, nước xiết, lỡ đà thuyền đi/Lệnh truyền - bắn súng ra uy/Mặc cho sóng gió hiểm nguy cũng vào/Quát rằng duyên cớ tại sao/Đến trạm kiểm soát gọi vào lại không/Bắn 3 phát, phạt 9 đồng/Ký biên bản nộp tiền xong mới về...”.