Báo chí truyền thông giải cứu niềm tin giữa cơn bão hàng giả

Trong bối cảnh niềm tin xã hội đang bị xói mòn bởi hàng giả, quảng cáo lố và thông tin sai lệch, báo chí truyền thông cần giữ vững vai trò tiên phong bảo vệ sự thật, định hướng dư luận.

Niềm tin xã hội bị thách thức

Kẹo giả, sữa giả, thực phẩm chức năng giả, mỹ phẩm giả, thuốc giả, lòng giả… liên tiếp bị cơ quan chức năng phát hiện, gây rúng động xã hội.

Báo chí truyền thông chính là một trong những lá chắn thép bảo vệ sự thật. (Nguồn: ccn.edu.vn)

Báo chí truyền thông chính là một trong những lá chắn thép bảo vệ sự thật. (Nguồn: ccn.edu.vn)

Đáng chú ý, hàng loạt người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng đối với công chúng, thậm chí có học hàm học vị, từng ở vị trí công tác chuyên môn có liên quan, cũng đã góp phần tiếp tay cho các sản phẩm độc hại bằng việc quảng cáo sai sự thật trên các nền tảng mạng xã hội.

Xã hội không khỏi hoài nghi về sự minh bạch của doanh nghiệp, sự khách quan của những người nổi tiếng, và sự chính trực của cơ quan quản lý.

Niềm tin xã hội - thứ tài sản vô hình nhưng là nền móng của mọi cộng đồng văn minh, rơi vào khủng hoảng.

Công chúng mơ hồ trong tình trạng nhiễu loạn thông tin: sẽ tin vào ai, dựa vào đâu, để lựa chọn sản phẩm an toàn cho sức khỏe? Còn các doanh nghiệp làm ăn chân chính thì bị vạ lây giữa những thật giả đan xen.

Báo chí giữ lửa cho sự thật

Dường như sự thật là thứ hàng hóa khan hiếm, khi mà hàng loạt sản phẩm giả bị phanh phui làm suy giảm niềm tin xã hội – điều vốn là nền tảng mềm cho sự phát triển bền vững của một quốc gia. Chính trong bối cảnh này, vai trò của truyền thông, đặc biệt là báo chí chính thống, trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Báo chí truyền thông chính là một trong những lá chắn thép bảo vệ sự thật. Đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là sứ mệnh. Một sứ mệnh vừa vinh quang, nhưng cũng đầy thách thức.

Đây là dịp để tái khẳng định giá trị của báo chí điều tra. Chúng ta không chỉ đưa tin theo sự kiện, mà cần truy nguồn, đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Người dân đang rất chờ đợi những tuyến bài điều tra công phu, của những ngòi bút sắc sảo, lật mở những đường dây sản xuất, quảng bá, tiêu thụ và bao che hàng giả.

Đồng thời, báo chí truyền thông cũng phải lưu ý về cách thức truyền tải thông tin, nhằm tránh cảm giác hoang mang, lo lắng trong dư luận.

Theo đó, cần tăng cường hoạt động phản biện người nổi tiếng, xu hướng thần tượng hóa người có sức ảnh hưởng, bên cạnh việc tổ chức các chuyên trang, chiến dịch nâng cao nhận thức của công chúng về cách nhận biết thông tin sai lệch, phân biệt quảng cáo thổi phồng.

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, ngoài việc vào cuộc quyết liệt, siết chặt tiền kiểm hậu kiểm, kịp thời cải tiến hành lang pháp lý, cũng cần tăng cường năng lực truyền thông của chính mình, thông qua việc chủ động truyền thông chính sách, công khai danh sách sản phẩm vi phạm, các kết quả kiểm tra chất lượng định kỳ, nhanh chóng cung cấp thông tin chính xác cho báo chí và người dân.

Mạng xã hội không thể vô can

Thực tiễn cho thấy, phần lớn nội dung quảng cáo sản phẩm giả, sai lệch, thiếu kiểm chứng thường xuất hiện rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội.

Trở thành siêu phương tiện truyền thông, nhưng thay vì tối ưu hóa sự thật, các nền tảng xã hội lại vận hành trên nguyên tắc tối ưu hóa tương tác người dùng.

Hiện nay, cơ chế kiểm duyệt nội dung thường chỉ áp dụng với những nội dung bạo lực, khiêu dâm, chứ chưa kiểm soát chặt đối với những nội dung quảng cáo sai sự thật, đặc biệt là với người nổi tiếng.

Với vị thế quyền lực mềm mới, các nền tảng mạng xã hội không thể đứng ngoài cuộc trong cuộc chiến với hàng giả, hàng kém chất chất lượng. Cần tăng cường cơ chế xác minh nội dung quảng cáo, đặc biệt với những sản phẩm liên quan đến sức khỏe, thực phẩm, mỹ phẩm; cũng như cơ chế để người dùng dễ dàng phản hồi, báo cáo nội dung nghi ngờ, sai sự thật.

Các nền tảng cũng phải chịu trách nhiệm liên đới trước pháp luật nếu liên tục để người dùng phát tán thông tin giả, quảng cáo lố, quảng cáo sai sự thật.

Mỗi công chúng là một người gác cổng thông tin cho chính mình

Để không mất phương hướng thông tin trong xã hội số, công chúng cũng cần trang bị sức đề kháng tự thân với những thông tin sai lệch, quảng cáo lố, nội dung đáng ngờ. Thay vì hoang mang, chúng ta cần nâng cao khả năng phân tích, đánh giá, sàng lọc thông tin, không dễ tin, dễ chia sẻ những lời lẽ hoa mỹ thổi phồng, không bị cuốn theo hiệu ứng của người nổi tiếng. Hãy trở thành người dùng tỉnh táo, có trách nhiệm trên không gian số.

ThS. Trần Xuân Tiến

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-chi-truyen-thong-giai-cuu-niem-tin-giua-con-bao-hang-gia-315239.html