Báo chí là kênh thông tin được trông chờ nhiều nhất

(HQ Online)- Không chỉ đóng góp vào sự thay đổi thể chế kinh tế, báo chí còn giúp cho cộng đồng DN, công chúng những nhận thức về kinh tế. Th.S Nguyễn Cao Cường, Phó giám đốc Trung tâm Nghiệp vụ báo chí truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có cuộc trao đổi với Báo Hải quan về vai trò của báo chí trong phát triển kinh tế.

PV: Ông có đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí đối với sự phát triển của nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay?

Ông Nguyễn Cao Cường: Trong các giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước, đặc biệt bước vào giai đoạn phát triển kinh tế của thời đại ngày nay, thời đại mà chúng ta vẫn gọi là nền kinh tế tri thức, báo chí có vai trò vô cùng quan trọng, khác biệt hoàn toàn so với báo chí trước đây.

Hiện nay, báo chí tham gia phản ánh mọi mặt của đời sống kinh tế, bao gồm công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về kinh tế, cho đến phản ảnh về đời sống của DN và người làm kinh doanh, cũng như là các đối tượng khác chịu ảnh hưởng trong bức tranh kinh tế...

Chúng ta biết rằng trong vài năm trở lại đây, số lượng báo, tạp chí, radio, các kênh truyền hình, các trang báo điện tử, trang tin phát triển một cách mạnh mẽ, ồ ạt. Riêng trong góc độ kinh tế, hàng loạt cơ quan báo chí kinh tế đã bắt đầu chuyển hướng, ngoài việc phát triển tờ báo giấy của họ thì họ phát triển mạnh các trang tin điện tử hoặc báo điện tử, hàng loạt các tổ chức hiệp hội ngành nghề phát triển kinh tế hay phát triển ngành nghề cũng cho ra đời các trang tin của mình để truyền thông quảng bá tổ chức của họ.

Và không chỉ công cụ để truyền thông, báo chí hiện nay thậm chí còn trở thành một lĩnh vực “kinh doanh” và người ta bắt đầu làm quen với một chức năng nữa của báo chí mà trước đây chúng ta đã đề cập đến nhưng chưa thật rõ ràng, đó là chức năng kinh tế của báo chí. Báo chí không phải chỉ truyền thông mà nó đã trở thành một ngành dịch vụ thông tin, coi việc bán báo đã trở thành sản phẩm cốt lõi, coi việc tài trợ quảng cáo thành một nhiệm vụ quan trọng trong đời sống của một bộ phận cơ quan báo chí, ngoài nội dung. Như thế cho chúng ta thấy báo chí có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của chính tờ báo cũng như đối với nền kinh tế.

Pv: Ngoài phản ánh hoạt động của DN, báo chí còn có vai trò, nhiệm vụ quan trọng là phản biện các chính sách, trong đó có chính sách kinh tế, góp phần điều chỉnh những chính sách ấy phù hợp với thực tế cuộc sống. Vậy trọng trách đó của báo chí được thể hiện trong thời gian qua như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Cao Cường: Gần đây có những sự kiện mà chúng ta cần ghi nhớ, đó là việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Cả 2 luật này đều là những nền tảng pháp lý quan trọng trong lĩnh vực kinh tế và thu hút đầu tư của Việt Nam. Trong các luật này, hàng loạt các rào cản về thủ tục hành chính, rào cản kỹ thuật…được dựng lên và trong nhiều năm thực thi, các DN, các nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi giai đoạn khác nhau của đời sống kinh tế, các luật này đã thể hiện được vai trò quan trọng của nó trong việc thúc đẩy các lực lượng sản xuất, tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, các hạn chế đã bộc lộ, bắt buộc hệ thống pháp luật của chúng ta phải sửa đổi để phù hợp với sự vận động phát triển của xã hội.

Vậy, ai là người lên tiếng cho sự thay đổi này? Chính các DN lên tiếng đầu tiên, vì họ là những người chịu sự chi phối của các chế tài này. Họ lên tiếng ở những cuộc tiếp xúc của cơ quan quản lý Nhà nước với DN, họ lên tiếng ở các diễn đàn, nhưng số lượng các cuộc tiếp xúc này rất ít, không phản ánh hết tâm tư nguyện vọng và ý chí của DN. Và DN phải qua một kênh khác và kênh được trông chờ nhiều nhất là báo chí. Do vậy hầu như các thông tin đến với cơ quan công quyền phản ánh nguyện vọng của DN là thông qua báo chí, vì báo chí là diễn đàn của nhân dân. Các diễn đàn của báo chí đã tạo ra sức ép đôi khi rất lớn, khiến cho các cơ quan Nhà nước mau chóng nhìn ra các vấn đề, thông qua phân tích của báo chí, cơ quan Nhà nước có thông tin đa chiều hơn để họ điều chỉnh, thay đổi các điều khoản đã có trong luật.

Không chỉ đóng góp vào sự thay đổi thể chế kinh tế, báo chí còn giúp cho cộng đồng DN, những độc giả của họ về nhận thức. Bởi vì thông qua việc phỏng vấn các chuyên gia, việc phân tích các bài học kinh nghiệm, đưa ra các câu chuyện bình luận kinh tế, báo chí đã cung cấp thêm tri thức cho các độc giả của nó, trong đó có rất nhiều doanh nhân. Nhiều doanh nhân cho biết họ thường xuyên học hỏi, lắng nghe và học được rất nhiều từ báo chí, từ phóng viên để tìm ra hướng đi mới, những đột phá trong kinh doanh. Rộng hơn, báo chí Việt Nam đã cung cấp cho công chúng những giá trị thông tin thực tiễn, lý luận rất bổ ích để nâng cao dân trí, nâng cao trình độ nhận thức của công dân trong vấn đề kinh tế.

Pv: Việt Nam đang phấn đấu có một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, trong quá trình đó, báo chí có vai trò rất quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Vậy theo ông, các tòa soạn, phóng viên, nhà báo cần có sự đổi mới, nhanh nhạy như thế nào để tiếp cận, bắt nhịp cùng hơi thở của đời sống kinh tế nói chung và DN nói riêng?

Ông Nguyễn Cao Cường: Khi nền báo chí đã lật sang một trang mới, có nghĩa là toàn bộ quy trình sản xuất tin tức của cơ quan báo chí, toàn bộ quy trình lao động của nhà báo, kèm theo đó là phương thức hoạt động của các nhà báo cũng thay đổi theo rất nhiều. Không những thế, tình hình thông tin trong thời đại kinh tế đòi hỏi nhà báo phải là những người rất thấu hiểu, hiểu biết thực sự, những nhà báo có thẩm quyền trong lĩnh vực thông tin của mình.

Đơn cử, về thị trường chứng khoán, chúng ta có một thị trường sơ khai mới hình thành được 15 năm và trước đây các nhà báo của chúng ta cũng giống như bất kỳ nhà nhà đầu tư nào cũng phải bắt đầu học từ khái niệm cơ bản về thị trường chứng khoán. Nhưng bây giờ thì khác, đã có một lớp phóng viên gạo cội trong lĩnh vực này, những phát ngôn của họ trong lĩnh vực chứng khoán rất xác đáng, trở thành một nguồn tin rất đáng tin cậy mà nhà đầu tư hoàn toàn có thể tham khảo... Họ có thể phân tích, bình luận, đưa ra định hướng cho thị trường một cách hết sức khoa học. Nhà báo chỉ có thể dẫn dắt bạn đọc của mình bằng chất liệu trí tuệ mà mình đã có, đây là sự thay đổi lớn.

Một điểm nữa, nếu nhà báo không thay đổi thì chính họ cũng có thể trở thành nạn nhân của bài viết của họ. Mới đây, câu chuyện về việc một doanh nhân đã khởi kiện một tờ báo điện tử do những thông tin không chính xác về DN được báo này đăng tải, gây thiệt hại cho DN là minh chứng cho điều này. Hiện nay thông tin của báo chí đều có ảnh hưởng rất lớn tới DN, đặc biệt là DN đã niêm yết trên thị trường chứng khoán. Những thông tin sai lệch ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hoạt động của DN, ngay lập tức cổ phiếu của DN bị sụt giảm, lúc này chúng ta phải đối diện với pháp luật. Do đó, theo tôi nhà báo cần phải thay đổi nhanh chóng trong nền tảng hiểu biết xã hội, kỹ năng chuyên môn liên quan đến nghề nghiệp mà đặc biệt là liên quan đến tri thức, nội dung chuyên môn của mình.

PV: Thời gian qua, đây đó có những trường hợp phóng viên, tờ báo đã viết, đăng tải những điều không đúng sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của DN, ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng vào báo chí. Theo ông, cần phải làm gì để ngăn chặn, hạn chế tình trạng này?

Ông Nguyễn Cao Cường: Khi xem xét câu chuyện mặt trái của báo chí kinh tế, tôi cũng muốn lưu ý một điều quan trọng ở đây, chính là vấn đề nhận thức. Nhận thức chuyên môn của nhà báo không tốt thì nhà báo hoàn toàn có thể mắc các sai lầm rất "ngớ ngẩn" về nghiệp vụ. Nhìn nhận một sai lầm của một nhà báo với các yếu tố này để chúng ta thấy nhẹ nhàng hơn khi phân tích những sai phạm của họ.

Rõ ràng trong những năm vừa qua hàng loạt các phóng viên báo chí đã bị bắt, bị giam bị kiện, bị khởi tố liên quan đến những sai sót của mình trong nghiệp vụ. Mặt khác ở đâu đó vẫn còn sự tư lợi, trục lợi của một nhóm các nhà báo khi lợi dụng danh nghĩa của nhà báo, của cơ quan để làm tiền, vòi vĩnh, gây khó dễ cho DN, tổ chức các nhóm để gây sức ép cho DN. Những trường hợp này tôi cho rằng trong môi trường báo chí của chúng ta không hiếm và thậm chí Bộ Thông tin Truyền thông trong các báo cáo thường niên đều ghi nhận hiện tượng này và coi đó là một hiện tượng rất xấu. Tôi cho rằng đây là nhưng con sâu rất lớn trong toàn bộ bức tranh của nhà báo Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, đây hoàn toàn là vấn đề đạo đức của nhà báo. Tất nhiên có những vấn đề đạo đức không kiểm soát được thì nó sẽ phải đối diện với luật pháp, nhưng phần lớn ở đây những sai phạm, sách nhiễu đôi khi nó không đến mức xử lý pháp luật, thì nền tảng đạo đức báo chí ở đây rất quan trọng trong kiềm tỏa phóng viên nhà báo không vi phạm các nguyên tắc trong đạo đức nghề nghiệp.

Tôi đã có nhiều lần phát biểu câu chuyện về bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp của cơ quan báo chí cần được xây dựng, ban hành và thực thi với thái độ nghiêm túc ở Việt Nam, lúc đó sẽ góp phần cải thiện hình ảnh của phóng viên, nhà báo tại các cơ quan báo chí hiện nay. Tại các cơ quan báo chí nước ngoài, họ có bộ tiêu chí rất rõ ràng, ví dụ quy định về nhận quà của DN đối tác, quà bao nhiêu tiền thì được phép nhận, bao nhiều thì không được phép nhận mà đó chính là hối lộ, nhà báo chứng khoán không được phép chơi chứng khoán v.v. trong khi đó ở Việt Nam không có quy định nào chi tiết.

Báo chí của Việt Nam, trong đó báo chí kinh tế mới phát triển gần đây và vẫn còn phải vận động nhiều hơn nữa để có thể có tất cả giá trị văn minh như ở các nước. Trong đó cần phải xây dựng bộ tiêu chí quy định chi tiết từng lĩnh vực, góc độ nhỏ trong tác nghiệp của nhà báo. Hiện nay các cơ quan báo chí cũng có những bộ quy tắc nhưng vẫn là những quy tắc chung chung, chưa có những quy tắc ứng xử trong từng hành động. Tôi cho rằng, cần có những quy tắc cực kỳ cụ thể để điều chỉnh hành vi tác nghiệp của nhà báo, phóng viên.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/bao-chi-la-kenh-thong-tin-duoc-trong-cho-nhieu-nhat.aspx