Báo chí đồng hành, đưa tín dụng chính sách đến dân - Bài cuối: Đồng hành trong chuyển đổi số
Chuyển đổi số trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đang ngày càng đi vào chiều sâu, từ khâu quản lý đến phục vụ người dân. Trong hành trình đó, báo chí đã và đang đóng vai trò không thể thay thế, không chỉ là 'kênh truyền dẫn' thông tin, mà còn là người bạn đồng hành tin cậy, giúp đưa tín dụng chính sách đến với người dân một cách hiệu quả, nhất là trong bối cảnh số hóa đang chuyển mình mạnh mẽ.
"Người truyền dẫn" gần gũi, dễ hiểu
“Vốn đến tay bà con rồi, nhưng làm sao để bà con biết mình còn nợ bao nhiêu, trả khi nào, lãi bao nhiêu phần trăm… thì đó là lúc chuyển đổi số thật sự có ý nghĩa”, ông Dương Thế Hào, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, mở đầu câu chuyện bằng một ví dụ sinh động. Ông kể, nhiều năm trước, khi phiếu vay viết tay là “vật chứng” duy nhất để người dân ghi nhớ khoản nợ, thì việc thất lạc giấy tờ cũng đồng nghĩa với việc cả nhà... quên sạch thông tin vay vốn.

Ông Ngô Văn Nhuận, Tổ trưởng Tổ TK&VV Ấp 3, xã Trần Văn Thời đang giao dịch với cán bộ tín dụng.
Từ năm 2021 đến nay, hưởng ứng chủ trương chuyển đổi số quốc gia, NHCSXH đã từng bước đưa các ứng dụng công nghệ vào quản lý, phục vụ khách hàng. Ứng dụng VBSP Smartbanking giúp người vay có thể tra cứu dư nợ, lịch trả nợ, thông tin vay... bất cứ lúc nào. Cán bộ tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) được tập huấn nhập dữ liệu trên phần mềm tập trung. Trang web chính thức cũng được thiết kế lại thân thiện hơn. Nhưng đáng chú ý hơn cả, chính báo chí đã góp phần “truyền dẫn” và “trình bày” những chuyển đổi ấy đến với người dân bằng ngôn ngữ dễ hiểu, hình ảnh gần gũi, người dân ở cả những xã vùng sâu như Đầm Dơi, Đá Bạc… đã bắt đầu tiếp cận được với các công cụ hiện đại.
Chị Nguyễn Cẩm Nhung, cán bộ dân số, Tổ trưởng Tổ TK&VV ấp Bình Minh 2, xã Trần Văn Thời, chia sẻ: “Tôi còn nhớ một bài báo ngắn hướng dẫn cách tra cứu nợ trên ứng dụng. Dễ hiểu lắm. Tôi in ra phát cho bà con trong tổ. Nhờ vậy mà giờ ai cũng biết xài app ngân hàng chính sách cả rồi”.
Thúc đẩy hành động chính sách kịp thời
Trong quá trình chuyển đổi số, không phải điều gì cũng được lập trình sẵn trong phần mềm. Những “khoảng trống mềm” như: yếu tố con người, văn hóa địa phương, trình độ tiếp cận công nghệ, vẫn rất cần báo chí phản ánh để điều chỉnh kịp thời.

Chị Nguyễn Cẩm Nhung, cán bộ dân số, Tổ trưởng Tổ TK&VV ấp Bình Minh 2, xã Trần Văn Thời thuần thục các thao tác sử dụng app của NHCSXH trên điện thoại.
Ở Cà Mau, báo chí địa phương đã trở thành cánh tay nối dài của chính sách. Hàng trăm tuyến bài của Báo Cà Mau, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh… đã đến các xã xa như Khánh Hội, Viên An, Rạch Gốc, U Minh Hạ… để ghi nhận thực tế: người dân sử dụng vốn vay ra sao, có gặp khó khăn gì khi sử dụng app, còn thiếu gì trong khâu hỗ trợ.
Ông Huỳnh Thanh Lâm, Bí thư Chi bộ ấp Tân Thành, xã Đầm Dơi, cho biết: “Tôi đọc báo để nắm bắt chính sách mới, nhất là liên quan đến vay vốn cho hộ nghèo, cận nghèo. Nhiều bài báo còn đi trước cả khi xã có văn bản. Tôi đưa vào nội dung sinh hoạt chi bộ hoặc nhắc trong họp tổ, giúp bà con hiểu thêm”.
Chuyển đổi số trong NHCSXH rõ ràng là xu hướng tất yếu. Các ứng dụng như: VssID, Mobile Banking của NHCSXH đã giúp người dân tra cứu dư nợ, lịch trả nợ, thông tin chương trình vay một cách nhanh chóng, minh bạch hơn. Song, ở những vùng như Đất Mũi, U Minh Hạ, hàng trăm hộ dân vẫn đứng ngoài cuộc cách mạng số ấy.

Ông Ngô Văn Nhuận, Tổ trưởng Tổ TK&VV Ấp 3, xã Trần Văn Thời chia sẻ: “Trên báo viết rõ lãi suất, hạn vay, mục đích…; còn loa xã thì phát đều đặn, nên bà con dù chữ nghĩa cũng nghe được, hiểu được”.
Ông Dương Thế Hào trải lòng: “Chuyển đổi số giúp cán bộ ngân hàng đỡ việc, bà con ở khu vực đô thị dễ theo dõi. Nhưng ở vùng nông thôn thì vẫn phải in giấy, nhờ loa xã phát, hay đến tận nhà hướng dẫn. Không thể số hóa hết được con người”. Chính trong hoàn cảnh đó, báo chí trở thành cầu nối kép, vừa là kênh phản ánh những khó khăn trong quá trình chuyển đổi, vừa là phương tiện hỗ trợ chính quyền truyền thông các bước thích ứng. Chính những bài viết sát thực tiễn đã trở thành nguồn thông tin để NHCSXH tỉnh điều chỉnh chiến lược tiếp cận.
Ông Nguyễn Thanh Đồng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Cà Mau, nhìn nhận: “Chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của báo chí trong việc đưa chính sách đến đúng người, đúng lúc. Không chỉ phản ánh thông tin, báo chí còn giúp phát hiện các điểm nghẽn trong triển khai thực tế, điều mà đôi khi hệ thống ngân hàng chưa kịp nhìn thấy. Từ đó, chúng tôi có cơ sở để điều chỉnh chính sách phù hợp hơn”.
“Chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện phần mềm hay ứng dụng, mà còn là thay đổi cách tiếp cận chính sách một cách linh hoạt, nhân văn và gần dân hơn. Ở góc độ đó, báo chí chính là người bạn đồng hành tin cậy của NHCSXH”– ông Nguyễn Thanh Đồng khẳng định