Bao cao su dùng lại, cột điện bị gió quật đổ...

Cục QLTT ở Bình Dương bắt được cơ sở tái chế bao cao su đã qua sử dụng với số lượng lên tới 360kg.

Số lượng bao cao su đã qua sử dụng được lực lượng chức năng phát hiện (ảnh: Cục QLTT Bình Dương)

Thông tin sốc nhất ngày hôm qua có lẽ là vụ việc xảy ra ở tỉnh Bình Dương. Thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bình Dương cho biết Đội QLTT số 4 vừa phối hợp cùng Công an phường Tân Vĩnh Hiệp (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) phát hiện và tạm giữ hàng trăm ngàn bao cao su đã qua sử dụng.

Trước đó, ngày 19/9, Đội QLTT số 4 phối hợp với công an địa phương ập vào kiểm tra đột xuất khu nhà trọ tại tổ 4, đường DX12, (khu phố Hóa Nhựt, phường Tân Vĩnh Hiệp). Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện quả tang bà Phạm Thị Thanh Ngọc (SN 1987, quê Nghệ An) đang gia công tái chế bao cao su đã qua sử dụng, không bao bì, không ghi nhãn. Qua làm việc ban đầu, bà Ngọc không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng.

Người phụ nữ này khai nhận cứ khoảng 30 ngày, bà sẽ nhận bao cao su đã qua sử dụng từ một người không rõ địa chỉ để súc rửa, phơi khô, phân loại và dùng dương vật giả để vuốt lại, tạo hình như mới. Số bao cao su được tái chế sau đó sẽ được đưa ra thị trường tiêu thụ. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ khoảng 324.000 đơn vị sản phẩm (360kg) tang vật gồm bao cao su đã qua sử dụng chưa tái chế và đã tái chế để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định.

Đây có lẽ là vụ việc hy hữu và gây sốc nhất từ trước tới nay, bởi đâu chỉ có khẩu trang, gang tay cao su mới bị kẻ gian đưa về tái chế, mà ngay cả những vật phẩm “nhạy cảm” như bao cao su cũng bị rơi vào vòng xoáy lừa đảo này.

Một chiêu “tái chế” kinh hoàng, khó mà tưởng tượng nổi. Nếu sử dụng những vật phẩm đã qua tái chế này, người dùng chắc chắn sẽ mắc bệnh tật lây lan qua đường sinh dục, bên cạnh đó, nguy cơ “vỡ kế hoạch”, có thai ngoài ý muốn cũng dễ xảy ra. Bởi không ai có thể tưởng tượng nổi, những sản phẩm đã qua sử dụng lại được những kẻ táng tận lương tâm này rửa đi, phơi khô và đem vào tái chế, bán ra thị trường.

Nhiều người bình luận, chuyện “giật gân” này là cực kỳ hiếm hoi trên thế giới.

Một chuyện khác cũng gây nóng dư luận không kém, đó là chỉ sau cơn bão số 5 quét qua miền Trung với gió mạnh cấp số 8, đã có hơn 400 cột điện bị ngã đổ, gây thiệt hại nhiều chục tỷ đồng. Vấn đề là sau đó, giải thích của ngành điện về lý do những cây cột điện ngã đổ này mới khiến người dân cảm thấy hoang mang và khó hiểu.

Ông Nguyễn Đại Phúc – Phó GĐ Công ty điện lực tỉnh TT-Huế cho biết, bão số 5 khiến 408 cột điện của đơn vị này bị ảnh hưởng, trong đó có 272 cột gồm cột trung áp và hạ áp bị gãy, đổ. Gây thiệt hại ước tính ban đầu cho điện lực tỉnh TT-Huế lên tới 11,4 tỷ đồng. “Cột xuất xưởng tại nơi sản xuất được cơ quan chức năng thử nghiệm chặt chẽ với 2 nội dung: Thử nghiệm chịu lực và thử nghiệm phá hủy. Sau khi cột điện đạt cả 2 nội dung này thì được dán tem chứng nhận chất lượng xuất xưởng. Thực tế cho thấy, nhiều cột điện bị gãy đổ trên địa bàn sau cơn bão số 5 tem chứng nhận vẫn còn được dán trên thân cột”, ông Phúc cho biết.

Theo lãnh đạo Công ty điện lực TT-Huế, mặc dù cơn bão số 5 cường độ chưa mạnh nhưng khiến hàng trăm cột điện trên địa bàn gãy, đổ là do sức gió của cơn bão khó lường gây ra các hiện tượng quăng, quật, giật, xoáy, tạo lực uốn lớn lên thân cột điện.

Trong khi đó, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) lại thông tin: “Từ kiểm tra thực tế các khu vực có cột điện nghiêng, gãy, đổ, EVNCPC nhận thấy đều có nguyên nhân từ cây xanh ngã đổ vào đường dây, gây lực tác động kép bất thường (vừa gió bão, vừa cây đổ vào đường dây) quá khả năng chịu đựng của kết cấu cột, xà sứ, dây dẫn… dẫn đến hư hỏng kết cấu hạ tầng lưới điện và gãy cột”.

Điều đó có nghĩa, ngoài việc lý giải nguyên nhân do sức gió khó lường, cây xanh đổ ngã vào đường dây gây lực tác động kép thì chúng ta cũng không được biết thêm 1 nguyên nhân nào khác. Bởi tem kiểm định vẫn còn dán trên các thân cây cột điện bị ngã đổ, tức là có một sự ngã đổ rất… đúng quy trình trong mưa bão, do tác động của gió, của cây đổ.

Thật là kỳ cục và kỳ khôi. Có người bình luận, thứ dùng 1 lần rồi bỏ đi, như chiếc bao cao su thì lạ thay, chúng lại được đem về tái chế. Trái lại, những cây cột điện bằng bê tông sắt thép, tưởng là sẽ bền vững với thời gian, thi gan cùng tuế nguyệt thì chỉ qua 1 trận bão gió cấp số 8, đã gục ngã la liệt tan hoang.

Đố ai lý giải được 2 hiện tượng dở khóc dở cười này?

Mi An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/bao-cao-su-dung-lai-cot-dien-bi-gio-quat-do-3419420/