Bản hùng ca giữa mịt mù lửa đạn

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên chiến trường Phú Yên, những người lính Cụ Hồ đã trải qua biết bao trận đánh ác liệt. Rất nhiều người con của quê hương đất nước đã ngã xuống trên chiến trường, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Các cựu chiến binh dâng hương tưởng niệm liệt sĩ hy sinh trong trận đánh cứ điểm Cầu Cháy. Ảnh: YÊN LAN

B đội C H trong la đạn

Năm 1965, ở tuổi 17, thanh niên Phạm Trung Mạo tạm biệt người thân, tạm biệt quê nhà Đồng Lạc (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) lên đường nhập ngũ. Đầu năm 1966, ông Mạo cùng hàng ngàn người con Hải Dương vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Là một người lính thuộc Trung đoàn 10 (Ngô Quyền), ông Mạo có 3 năm sát cánh cùng đồng đội chiến đấu trên chiến trường Phú Yên.

Phú Yên được biết đến là vựa lúa của miền Trung nhưng địch đã phong tỏa, chặn đường tiếp tế lương thực và dùng ấp chiến lược hòng tách dân ra khỏi bộ đội. Ông Mạo nhớ như in cái đói quay quắt ngay trên vựa lúa này. Trong chồng chất khó khăn, bộ đội dựa vào dân, dân nhường cơm sẻ áo cho bộ đội.

“Trong chiến tranh, người dân ở các địa phương rất tuyệt vời”, thiếu tá - thương binh Phạm Trung Mạo xúc động cho biết khi ông trở lại Phú Yên.

Ông Mạo đã cùng đồng đội trải qua những trận đánh vô cùng ác liệt. Cựu chiến binh sinh năm 1948, từng vào sinh ra tử, rưng rưng nhớ lại: “Trong chiến tranh, có những người lính giành cái chết về mình, thu hút hỏa lực địch về phía mình để đồng đội vòng qua sườn, đánh địch. Có đồng chí biết mình không qua khỏi, đề nghị đồng đội không cõng về, ở lại chia đôi quả lựu đạn với địch. Anh em đã giành cái chết về mình”.

Ông Mạo nhớ mãi trận đánh ở Hòa Đa (xã An Mỹ, huyện Tuy An) năm 1967. Ông kể: “Trong trận này, anh Nhỡ bị thương nặng. Anh ấy trợn mắt bảo tôi: “Thôi, rút đi! Nếu chần chừ ở đây là chết hết. Rút đi! Cho tao quả lựu đạn để tao chia đôi với bọn nó”. Khi bọn địch tới, chúng hí hửng tưởng sẽ bắt được tù binh. Anh ấy giật chốt lựu đạn, hy sinh, đồng thời tiêu diệt được 2 tên địch”.

Ông càng không thể quên trận đánh không cân sức diễn ra vào ngày 5/4/1968 tại Mỹ Thành (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa). “Tiểu đoàn 11 thuộc Trung đoàn 10 có hơn 200 người, còn quân địch đông gấp 20 lần, gồm Lữ đoàn dù 173 của Mỹ, Trung đoàn 28 thuộc Sư đoàn Bạch Mã của Nam Triều Tiên và Trung đoàn 47 của ngụy. Tiểu đoàn 11 đã chiến đấu với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đánh đến viên đạn cuối cùng, không ai đầu hàng địch”, người lính năm nào xúc động kể.

Trong trận này, quân ta đã tiêu diệt hàng trăm tên địch, bắn rơi máy bay, bắn cháy xe tăng. Nhưng quân ta cũng tổn thất lớn: Gần 200 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Đồng chí Trần Minh Hộ, Chỉ huy Tiểu đoàn 11, cũng hy sinh trong trận này. Ông Mạo và một số đồng đội còn sống là nhờ sự mưu trí của Tham mưu trưởng Quách Tá Ngọc và sự giúp đỡ của tu sĩ Thích Chơn Quang ở “chùa Ông Mười”.

Sau khi bộ đội phá vòng vây thoát về căn cứ, lính Nam Triều Tiên đã đào hố chôn hàng trăm thi thể cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 11 tại Mỹ Thành.

Theo cựu chiến binh - thương binh Phạm Trung Mạo, vào năm 1965, cùng nhập ngũ với ông có gần trăm thanh niên ở Nam Sách; riêng xã ông có 12 người. Trong 8 người hy sinh tại Phú Yên, chỉ tìm được hài cốt của ông Vũ Xuân Mỵ.

Từ trái sang, các cựu chiến binh: Phạm Trung Mạo, Lưu Công Thục, Vũ Ngọc Giang (ở Nam Định), Trần Quang Vân (ở Ninh Bình, đều từng là lính thuộc Trung đoàn Ngô Quyền) tại di tích Mộ liệt sĩ tập thể Bắc Lý (thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa). Ảnh: YÊN LAN

Trn đánh c đim Cu Cháy

Với đại tá Lưu Công Thục (SN 1950, từng là Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 305, hiện là Phó ban liên lạc Tiểu đoàn 13 anh hùng), ký ức về một thời hoa lửa trên chiến trường Phú Yên mãi mãi không phai mờ. Sau khi viết đơn tình nguyện nhập ngũ, trải qua khóa huấn luyện rồi cùng đơn vị vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, người con của quê hương Nam Định được bổ sung vào Tiểu đoàn 13 thuộc Trung đoàn 10 (Ngô Quyền). Đến giữa năm 1969, Tiểu đoàn 13 chuyển về thuộc Tỉnh đội Phú Yên.

Ông Thục chia sẻ: “Từ ngoài Bắc vào đây, tôi không nghĩ là sẽ trở về. Chiến tranh ác liệt; những người lính chúng tôi được Đảng, quân đội, đơn vị tin tưởng, giáo dục, biết rằng sẽ hy sinh nhưng vẫn xung phong. Con người ai cũng sợ chết, nhưng nếu sợ chết thì không bao giờ đánh trận được. Chúng tôi được giáo dục, được rèn luyện qua thực tế chiến tranh cho nên có tinh thần sẵn sàng hy sinh, đón nhận cái chết nhẹ nhàng”.

Đại tá - thương binh Lưu Công Thục đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt, trong đó có trận đánh của Tiểu đoàn 13 vào cứ điểm Cầu Cháy ở Hòa Mỹ (nay thuộc xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa). Đây là trận đánh then chốt, mở màn chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 trên chiến trường Phú Yên.

Ông Thục kể: “Lúc bấy giờ, tôi là Đại đội trưởng Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn 13. Trước khi vào trận đánh, đại đội chúng tôi được giao nhiệm vụ tấn công trên hướng chủ yếu của tiểu đoàn và vinh dự được Bí thư Tỉnh ủy Chín Cao (đồng chí Nguyễn Duy Luân) động viên, trao lá cờ Mặt trận để cắm lên lô cốt của cứ điểm Cầu Cháy.

Rạng sáng 19/3/1975, được chi viện trực tiếp hỏa lực của Tiểu đoàn Pháo binh 189, cả tiểu đoàn nổ súng tấn công vào cứ điểm theo kế hoạch. Trận đánh diễn ra hết sức ác liệt. Với quyết tâm rất cao: Bằng giá nào cũng phải chiếm được cứ điểm Cầu Cháy, sau hơn 1 tiếng đồng hồ chiến đấu, đơn vị chúng tôi đã làm chủ trận địa, tiêu diệt quân địch, bắt tù binh, thu toàn bộ vũ khí, giải phóng hoàn toàn 2 xã Hòa Mỹ và Hòa Thịnh. Trận đánh thắng lợi nhưng đơn vị cũng chịu tổn thất: 15 đồng chí hy sinh, 36 đồng chí bị thương”.

Mãi mãi tui xanh trên đất này

Chiến tranh đã lùi xa. Tại Mỹ Thành - nơi gần 200 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 11 thuộc Trung đoàn Ngô Quyền anh dũng hy sinh, các cựu chiến binh Trung đoàn Ngô Quyền đã chung sức chung tay đóng góp xây dựng nhà bia tưởng niệm liệt sĩ bên ngôi mộ tập thể của đồng đội; trên bia đá ghi chính xác tên, cấp bậc, quê quán các liệt sĩ đã ngã xuống trong trận đánh này. Không chỉ đóng góp công sức, cựu chiến binh Phạm Trung Mạo còn góp một nửa chi phí xây dựng nhà bia. Đó là số tiền con cháu biếu để ông du lịch.

Ngay tại nơi những người lính Cụ Hồ đã anh dũng hy sinh trong trận đánh then chốt, mở màn chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 trên chiến trường Phú Yên, nhà bia tưởng niệm liệt sĩ cũng đã được xây dựng, có sự đóng góp của các cựu chiến binh Tiểu đoàn 13 năm nào. Công trình khánh thành vào năm 2020.

Những người lính ra đi từ bao làng quê trên đất Việt. Những người lính ra đi từ bao mái tranh nghèo, nơi có cha mẹ mỏi mắt ngóng chờ con. Rất nhiều người trong số họ đã hiến dâng cuộc đời cho hòa bình, độc lập, cho đất nước mãi trường tồn.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/89/314811/ban-hung-ca-giua-mit-mu-lua-dan.html