Bạn học

Hưng bước vào hội trường, lặng lẽ chọn một chỗ ngồi kín đáo. Hôm nay là ngày kỷ niệm năm mươi năm thành lập trường. Học sinh của mấy chục khóa từ các tỉnh cùng đổ dồn về trường cấp III phố huyện.

Hưng bước vào hội trường, lặng lẽ chọn một chỗ ngồi kín đáo. Hôm nay là ngày kỷ niệm năm mươi năm thành lập trường. Học sinh của mấy chục khóa từ các tỉnh cùng đổ dồn về trường cấp III phố huyện.

Minh họa: Thanh Hạnh

Đương kim hiệu trưởng bước lên bục. Sau những lời chúc mừng, cảm ơn tất cả những thế hệ học trò đã trở về dự buổi kỷ niệm với trường cũ, thầy hiệu trưởng chuyển sang mục giới thiệu và biểu dương những học trò thành đạt của nhà trường trong suốt năm mươi năm qua. Một thiếu tướng đã vào sinh ra tử trong chiến trường miền Nam, hai doanh nhân tiêu biểu từng lĩnh giải thưởng Sao vàng Đất Việt, ba tiến sĩ… Nhưng Hưng thấy đó là những cái tên hoàn toàn xa lạ. Cũng dễ hiểu thôi, vì những người này chắc phải học cách Hưng chừng mười lăm khóa. Hưng bỗng nhổm hẳn người lên khi nghe đến cái tên Nhà văn Nguyễn Phan Hoàng được thầy hiệu trưởng đọc dõng dạc với giọng đầy vẻ tự hào. Nguyễn Phan Hoàng? Nhà văn ư?

Thầy hiệu trưởng nhấn giọng:

- Nhà trường rất vinh dự được Nhà văn Nguyễn Phan Hoàng, cựu học sinh khóa một của nhà trường, về dự lễ kỷ niệm. Nhà văn Nguyễn Phan Hoàng có đem theo hai trăm cuốn tiểu thuyết tặng các thầy cô giáo và các em học sinh trường ta. Đây là cuốn tiểu thuyết nhà văn viết về chính mái trường thân yêu của chúng ta trong những năm tháng đầy cam go và khốc liệt thời kỳ chiến tranh. Tôi xin giới thiệu Nhà văn Nguyễn Phan Hoàng lên bục trao sách cho nhà trường và có vài lời tâm sự.

Một người đàn ông đã luống tuổi bước lên. Hưng choàng mắt. Ồ! Đúng là thằng Hoàng ngồi cùng bàn với mình rồi.

Nguyễn Phan Hoàng đứng trước mic:

- Kính thưa toàn thể các bạn! Tôi xưng hô như vậy vì nghĩ rằng dù là những học trò khóa đầu tiên đã bước vào tuổi bảy mươi như chúng tôi hay một học trò khóa năm mươi, tất cả đều là bạn học…

Cả hội trường rộ lên trước cách nói đầy ấn tượng của Hoàng. Riêng Hưng lúc này tai như ù đặc, không nghe thấy một lời nào. Tâm trí Hưng lửng lơ tận đâu đâu. Sao cái thằng Hoàng học văn dốt gần cuối lớp lại trở thành nhà văn nổi tiếng như vậy? Sự xuất hiện đường đột của Hoàng khiến Hưng chợt nhớ lại vài kỷ niệm cũ.

Có một chuyện khó quên là hồi ấy không hiểu vì sao cứ mỗi lần Hoàng bị thầy giáo gọi lên bảng kiểm tra miệng, nó đều nói cái câu muôn thuở: “Thưa thầy em quên vở”. Vì thế, tụi bạn trong lớp mới đặt ra cái biệt danh rất được ưa dùng lúc bấy giờ là “Hoàng thưa thầy em quên vở”.

Hồi đi học, nếu Hoàng được ai đó biết đến thì chính là nhờ cái biệt danh kỳ quặc ấy chứ không phải từ một năng lực nổi trội nào. Vậy mà bây giờ thằng Hoàng “thưa thầy em quên vở” ấy lại trở thành một nhà văn nổi tiếng. Vừa nãy, thấy thầy hiệu trưởng giơ cao cuốn tiểu thuyết, Hưng đoán nó phải dày tới năm, sáu trăm trang. Từng ấy chữ lên trang giấy đâu phải chuyện đùa. Lạ thật! Chả lẽ để trở thành nhà văn lại không cần đến một trí tuệ mẫn tiệp, một kiến thức đầy đủ hay sao? Những thứ đó, thằng Hoàng làm sao có thể có được. Hưng còn lạ gì cái thằng Hoàng dốt đặc cán mai ấy.

Bỗng dưng, Hưng thấy hơi tủi phận nhớ lại con đường sự nghiệp đầy thất bại của mình. Ngày ấy, sau khi tốt nghiệp ở Trường Đại học Bách khoa vào loại giỏi, Hưng được phân công về một nhà máy lớn. Nhưng rồi một lần thiếu trách nhiệm Hưng làm cháy một thiết bị đắt tiền nên bị sa thải.

Để kiếm sống, Hưng phải mở một quầy hàng kinh doanh nhỏ. Nhưng cảm thấy tài năng bị bỏ phí, Hưng đã có lần cặm cụi thử sáng tác văn chương. Hưng nghĩ, ngày học phổ thông cũng đã mấy lần đi thi học sinh giỏi văn cấp huyện, tỉnh nên nếu cố gắng cũng có thể trở thành một nhà văn. Nhưng rồi càng cố bao nhiêu thì mục tiêu lại càng xa bấy nhiêu. Số bản thảo vứt đi đã có tới vài cân mà Hưng vẫn chưa hề có một tác phẩm được đăng báo. Hưng cay đắng bỏ bút. Vậy mà tại sao một người như Hoàng lại có thể trở thành nhà văn nhỉ? Hưng định bụng sẽ gặp Hoàng bằng được để tìm lời giải đáp cho câu hỏi cứ bám riết lấy tâm trí Hưng từ lúc Hoàng xuất hiện.

Hội trường tan, chặn Hoàng dưới gốc cây gạo cổ thụ cuối sân trường, Hưng vào thẳng vấn đề:

- Chúc mừng! Tớ không nghĩ cậu lại trở thành nhà văn. Ngày trước cậu là thằng dốt văn, là thằng Hoàng “thưa thầy em quên vở”.

Hoàng tươi cười:

- Rất vui vì cậu còn nhớ cái biệt danh ấy của tớ. Nhưng với tớ, nó không chỉ là cái biệt danh mà còn là một dấu ấn không thể phai mờ về cuộc sống đầy mồ hôi, máu và nước mắt.

Hưng ngạc nhiên:

- Chuyện ấy thì có liên quan gì đến máu và nước mắt? Ngày ấy cậu lười chép bài nên…

- Không phải thế. Những năm ấy, tháng nào mẹ tớ cũng phải giấu cả nhà đi bán máu mà vẫn không đủ tiền mua vở viết và sách giáo khoa cho tớ. Vì vậy, một cuốn vở tớ phải ghi gộp mấy môn học. Tớ không dám mang lên cho thầy vì sợ bị phạt.

- Thật thế sao?

Hoàng khẽ cười:

- Hồi đó cậu chỉ tập trung vào chuyện học. Nhà cậu lại khá nên cũng ít tìm hiểu xung quanh. Còn với tớ, đó là những năm tháng không thể nào quên.

Hoàng nhìn lên tán cây gạo cổ thụ rồi nhìn sâu vào mắt Hưng, như để dò tìm điều gì đó trong ký ức. Một lát, Hoàng nói rất khẽ:

- Cậu còn nhớ chuyện gì dưới gốc gạo cổ thụ này không?

- Chuyện gì? - Hưng ngơ ngác.

- Vậy là cậu quên thật. Sau cái đêm chia tay cuối cấp, cậu và Vi đã hôn nhau ngay dưới gốc cây gạo này.

Mặt Hưng hơi ngẩn ra. Một lúc khá lâu dường như Hưng mới nhớ lại chuyện cũ:

- Ờ.. ờ… Nhưng chỉ là một chuyện vặt thôi… Ờ! Sau cái đêm hôm ấy, tớ không gặp lại Vi nữa, chả rõ tình hình ra sao.

Hoàng khẽ thở dài:

- Học xong cấp ba, Vi đi thanh niên xung phong. Bị thương hai lần, vậy mà khi giải ngũ không hề có một chính sách đãi ngộ. Năm 1988, sau ngày từ chiến trường K trở về, tớ biết tin, đã cố sức lên huyện, lên tỉnh đề nghị cho Vi một suất lương. Bây giờ thì cuộc sống của Vi cũng đỡ hơn rồi.

Hưng nhăn trán:

- Vậy chồng con cô ấy đâu mà cậu phải…?

Hoàng khẽ bậm môi. Hình như cậu ta chẳng hiểu gì về cuộc đời của một nữ thanh niên xung phong quá lứa nhỡ thì, lại hai lần thương tích nặng như Vi.

Hoàng lấy cuốn tiểu thuyết tặng Hưng rồi xin phép trở lại văn phòng nhà trường.

Hưng nhìn theo Hoàng, sực nhớ mình chưa hỏi vì sao Hoàng lại có thể trở thành một nhà văn?

Vẻ mặt đờ đẫn, Hưng lững thững rời sân trường.

Cây gạo già oằn mình trút những bông hoa cuối mùa bầm đỏ.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/202312/ban-hoc-3ac0a39/