Ban hành nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký chứng thực Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Nghị quyết 98/2023/QH15 bao gồm 44 cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền Thành phố và thành phố Thủ Đức.

Trong số các cơ chế, chính sách mới, thì mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông sẽ cho phép TPHCM sử dụng ngân sách địa phương triển khai dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt; vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3; thu hồi đất, thực hiện tái định cư tại chỗ và tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị.

Nghị quyết 98/2023/QH15 cũng cho phép TPHCM được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa; được chủ động quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án này.

Với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù được thí điểm, TP.HCM được kỳ vọng sẽ có bước phát triển đột phá trong thời gian tới

Với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù được thí điểm, TP.HCM được kỳ vọng sẽ có bước phát triển đột phá trong thời gian tới

TPHCM được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án công trình đường bộ hiện hữu, với các điều kiện thực hiện bảo đảm lợi ích của người dân; được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT thanh toán bằng tiền từ ngân sách thành phố.

Dự toán chi ngân sách của UBND quận thuộc Thành phố được bố trí khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách quận để thực hiện chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố, thảm họa, cứu đói, nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ cần thiết khác.

Thành phố được sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng; hỗ trợ các địa phương khác trong nước và một số địa phương tại nước khác.

Về tài chính, Nghị quyết cho phép Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) tăng vốn điều lệ từ nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc thành phố, từ nguồn lợi nhuận còn lại của HFIC sau khi trích lập các quỹ. TPHCM được bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

TPHCM được thu tiền duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất từ các doanh nghiệp trong khu và ban hành quy chế thu chi, đảm bảo tính minh bạch.

Cho phép thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ, giao dịch tín chỉ carbon với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế. Nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon là nguồn thu ngân sách TP được hưởng 100%. Cùng với đó, thành phố được sử dụng mái nhà của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công trên địa bàn để lắp đặt hệ thống điện mặt trời nhằm cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở…

Nghị quyết cũng quy định rõ danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP.HCM, như: Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên.

Đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên.

Đầu tư dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy hoạch có quy mô vốn đầu tư từ 50.000 tỷ đồng trở lên.

Nghị quyết 98/2023/QH15 cũng bao gồm nhiều cơ chế nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công; nâng cao chất lượng sống của nhân dân, tiêu biểu là việc TPHCM được thành lập Sở An toàn thực phẩm trên cơ sở chuyển chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn TPHCM từ các sở liên quan cho Sở An toàn thực phẩm.

Nghị quyết 98/2023/QH15 cũng quy định số lượng cấp phó của UBND TPHCM và UBND phường, xã, thị trấn, tăng cường tính chủ động và bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của thành phố. Quy định việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường thực hiện theo quy định như cán bộ, công chức cấp huyện trở lên…

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/ban-hanh-nghi-quyet-thi-diem-co-che-chinh-sach-dac-thu-phat-trien-tphcm-post1030978.vov