Bạn đọc Bạn đọc Tránh xung đột khi dừng, đậu xe nơi công cộng

TTH - Dừng, đậu xe trên đường phố là hoạt động thường ngày của người tham gia giao thông. Thế nhưng, nếu vô ý và xem thường việc này rất dễ xảy ra gây tranh cãi, thậm chí là bức xúc trong cộng đồng.

Tình trạng dừng, đậu ô tô "kém duyên" thường diễn ra trên đường Phạm Hồng Thái, TP. Huế gây bức xúc cho người dân trong khu vực

Muôn kiểu "ở huyện"

Anh bạn tôi chia sẻ, mới đây, gia đình bạn đến quán quen bên đường Nhật Lệ, TP. Huế để ăn tối. Vừa đậu xe vào lề đối diện quán này thì chủ nhà bên cạnh ra vẩy tay xua đuổi với lý do choán mặt tiền... Bạn nói, vị trí mà bạn đậu xe dịp đó chẳng lấn chiếm, che chắn lối đi các nhà ở khu vực quán ăn nên rất bức xúc. Ban đầu hai bên chỉ lời qua tiếng lại nhưng rồi lại thách đố mời gọi ban, ngành chức năng đến xử lý. Sau đó câu chuyện đã dừng lại khi vợ bạn tôi nhẹ nhàng với chủ nhà kia: "Xin lỗi bác, đường hẹp cháu chỉ đậu tạm vài phút thôi ạ".

Hôm rồi ngồi uống cà phê ở đường Phạm Hồng Thái, TP. Huế lại chứng kiến cảnh dừng, đậu xe ở đây quá lộn xộn. Đường hẹp, xe máy đỗ trên lề, ô tô đậu hàng dài dưới lòng đường bít hết các lối vào hàng quán và lối ra vào các cơ quan. Quá bức xúc, một chủ quán trên đường này đã văng tục dù chẳng thấy các chủ nhân của những ô tô kia.

Anh Lê Ngọc Tài (Hương Thủy) cho biết, ô tô của anh từng bị ai đó "cho" vài nhát xước bên hông khi anh đậu xe tại con hẻm đối diện nhà vào buổi trưa, làm khuất tầm nhìn một tiệm bán đồ điện ở TP. Huế. Lần đó, anh tốn vài triệu đồng sơn lại chỗ trầy xước. "Buổi trưa họ đóng cửa hàng tôi mới đậu xe. Hơn nữa, hẻm không có bảng cấm thì tôi đậu, chứ đâu có đậu trên đất nhà họ đâu mà họ cấm".

Tình trạng dừng, đậu xe "kém duyên" đã dẫn đến nhiều tình huống dở khóc dở cười trên mạng xã hội. Nhẹ thì nhắc nhở: "Xe ra vào thường xuyên, không đậu xe đầu hẻm"; hay một tờ giấy dán lên kính xe: "Gửi bác tài xế. Nhà này em thuê có chút mặt tiền để kinh doanh"; "Đậu xe chỗ này thì xe mát, nhưng chủ nhà thì "nóng" đấy". Gay gắt hơn là: "Đậu xe ngu thế" hoặc "Lần sau đậu kiểu này là ăn mắm tôm!"…

Có nhiều trường hợp dừng, đậu xe che chắn lối ra vào nhà, vào hẻm, che khuất mặt bằng kinh doanh nên đã bị đập vỡ kính xe, xịt sơn, vẽ bậy lên xe, đem rác đổ lên xe, chất gạch đá trên capo, dán đầy băng vệ sinh lên kính xe…

Quan trọng là ý thức

Theo lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị TP. Huế, hiện nay có tình trạng một số người dừng, đậu xe lấn chiếm lòng lề đường, lối đi chung công cộng. Để xử lý vấn đề này, UBND TP. Huế đã chỉ đạo, có kế hoạch kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự đô thị tại các tuyến đường thuộc địa bàn, trong đó có xử lý hành vi dừng, đậu xe gây cản trở đi lại, sinh hoạt của người khác. Đồng thời, UBND TP. Huế chỉ đạo các phòng, ban chức năng và phường, xã trên địa bàn tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm về lấn chiếm lòng, lề đường, nơi công cộng trên các tuyến đường và khu dân cư.

Để tránh xung đột khi dừng, đậu xe, người điều khiển xe cần chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông liên quan đến dừng, đậu xe. Cụ thể, Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đậu xe tại các vị trí sau: song song với một xe khác đang dừng, đậu; tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe...

Điều 19 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, người điều khiển phương tiện khi dừng, đậu xe trên đường phố phải tuân theo một trong các quy định, như phải cho xe dừng, đậu sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25m và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đậu xe ở vị trí cách ô tô đang đậu bên kia đường tối thiểu 20m. Từ những căn cứ trên, tại nơi phần đường, các hẻm có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe thì người điều khiển phương tiện không được dừng, đậu ô tô.

Xét về góc độ xã hội, chủ xe được dừng, đậu xe ở những nơi không có biển cấm và không vi phạm quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Thế nhưng để tránh bức xúc, khi đậu xe phía trước nhà người khác, chủ xe nên quan sát chỗ dừng, đậu xe không làm chắn bít lối vào hẻm, cửa ra vào nhà người khác và trao đổi với chủ nhà những lời dễ nghe, dễ thấm, lựa lời mà nói để vừa lòng nhau; hoặc để lại số điện thoại phía trước, sau xe để người khác có thể gọi báo để di chuyển xe đi nơi khác khi cần.

Ngược lại phía chủ nhà, khi thấy xe dừng, đậu trước cửa, hàng quán nhà mình cũng khiêm nhường với những lời tử tế, yêu cầu tài xế di dời xe đi chỗ khác, tránh hành động, bức xúc cãi vã không đáng có. Khi có hành động hủy hoại tài sản của người khác tùy mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Bài, ảnh: Song Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/tranh-xung-dot-khi-dung-dau-xe-noi-cong-cong-a117830.html