Bản anh hùng ca của vùng đất mười tám thôn vườn trầu

Tối 27/4, tại nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (Thành phố Hồ Chí Minh), sân khấu Cải lương mới Đại Việt đã cho ra mắt vở 'Người ven đô'. Dựng lại từ kịch bản nổi tiếng của tác giả Minh Khoa, vở diễn vẫn mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc tươi mới qua sự thể hiện của dàn nghệ sĩ tài năng.

Vở Người ven đô mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả mộ điệu.

"Người ven đô" (tác giả Minh Khoa, chuyển thể cải lương Nguyễn Gia Nghiệm, đạo diễn: Nghệ sĩ Ưu tú Hoa Hạ) là câu chuyện về những người nông dân một lòng đi theo cách mạng ở vùng đất mười tám thôn vườn trầu - Bà Điểm, Hóc Môn.

Giữa những vườn trầu xanh vô tận là hình ảnh biết bao người con vùng đất Sài Gòn-Gia Định một lòng đi theo cách mạng, quyết chiến đấu tới cùng để bảo vệ cán bộ nằm vùng, giữ gìn từng thước đất quê hương trước âm mưu tàn độc của quân xâm lược.

Nghệ sĩ Ưu tú Lê Tứ (trái) trong vai Tám Khỏe và Nghệ sĩ Ưu tú Võ Minh Lâm vai Bảy Đờn.

Ở đó, khán giả bắt gặp tình bạn tri âm, tri kỷ của ông Tám Khỏe và Bảy Đờn, dù một người có lúc không vượt qua được thủ đoạn của kẻ thù luôn dằn vặt lương tâm đến mức điên loạn, một người bị giặc cướp đi đôi mắt “để làm gương cho dân làng” nhưng cuối cùng cả hai vượt qua tất cả, bền lòng chặt dạ, đứng lên chống lại quân thù, giữ lấy quê hương.

Ông Tám Khỏe hoảng loạn khi rơi vào âm mưu của kẻ địch.

Nơi vùng ven đó, những Tư Hà, vợ Bảy Đờn, Nghĩa, Công,… dù là phụ nữ “chân yếu tay mềm”, dù là người trẻ nhưng đã phát huy được truyền thống cách mạng của vùng đất Bà Điểm-Hóc Môn để tiếp tục đứng lên chống giặc ngoại xâm.

Ông Bảy Đờn một lòng một dạ đi theo cách mạng.

Trở lại với khán giả lần này, vở diễn có diễn biến, tiết tấu nhanh, khiến khán giả cảm nhận khí thế sôi sục của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhưng cũng không thiếu những khoảng lắng đọng để khán giả cảm nhận sâu hơn nội tâm của từng nhân vật.

Nghệ sĩ Nhân dân Hoa Phượng (đoàn Hương Tràm, Cà Mau) tham gia vở diễn với vai vợ Bảy Đờn.

Hai vai “đầu lĩnh” của vở được giao cho Nghệ sĩ Ưu tú Lê Tứ (Tám Khỏe) và Nghệ sĩ Ưu Tú Võ Minh Lâm (Bảy Đờn) thể hiện. Với Lê Tứ, vai lão là sở trường của anh nên dù cho rằng bản thân có đôi chút áp lực khi Nghệ sĩ Nhân dân Út Trà Ôn từng diễn vai này một cách xuất thần, nhưng trong đêm diễn tối qua, nhân vật Tám Khỏe của Lê Tứ đã chiếm trọn tình cảm của người xem.

Nghệ sĩ Nhân dân Phượng Loan (vai Tư Hà, trái) và nghệ sĩ Ưu tú Lê Hồng Thắm (vai Nghĩa).

Đối với Võ Minh Lâm, vai lão là một thử thách của nghệ sĩ vừa mới được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú này. Khán giả thấy được nỗ lực của chàng kép đẹp trong vai Bảy Đờn không để kẻ thù “trói được trái tim” của mình, một lòng một dạ đi theo cách mạng. Có thể nói, với vai Bảy Đờn, nghệ sĩ Ưu tú Võ Minh Lâm có thêm một bước tiến trong sự nghiệp diễn xuất của mình.

Nghệ sĩ Minh Trường trong vai Công.

Cái hay của "Người ven đô" chính là dù vai chính hay vai phụ, các nghệ sĩ đều có cơ hội phát huy được năng lực ca diễn của mình. Chính vì vậy, khán giả xem đều thỏa mãn phần nhìn lẫn phần nghe qua sự thể hiện hết mình của Nghệ sĩ Nhân dân Phượng Loan, Nghệ sĩ Nhân dân Hoa Phượng, Nghệ sĩ Ưu tú Trọng Nghĩa, Nghệ sĩ Ưu tú Bảo Trí, Nghệ sĩ Ưu tú Lê Hồng Thắm, nghệ sĩ Minh Trường… Tất cả đã mang lại một cảm xúc tròn đầy cho người thưởng thức.

Nghệ sĩ Ưu tú Trọng Nghĩa (vai cố vấn Mỹ, trái) và nghệ sĩ Ưu tú Bảo Trí (vai Đại úy Tiền).

Người ven đô được công diễn trong những ngày cả nước chào mừng 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nên nó càng trở nên ý nghĩa hơn. Đây thật sự là bản hùng ca không chỉ riêng vùng đất mười tám thôn vườn trầu, mà còn là bản hùng ca của người Sài Gòn, của đồng bào miền nam ruột thịt trong những năm tháng không thể nào quên.

Và hôm nay, như lời chia sẻ của đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Hoa Hạ, dựng lại "Người ven đô" là món quà quý giá để chị tri ân đến cố nhà văn - soạn giả Minh Khoa, để ngọn lửa truyền thống cách mạng tiếp tục được kế thừa và thắp sáng trong công chúng trẻ ngày nay.

Vở Người ven đô như món quà dành tặng khán giả nhân kỷ niệm 49 năm thống nhất đất nước.

Và với riêng soạn giả Hoàng Song Việt, Giám đốc sản xuất vở diễn, có lẽ điều mong muốn lớn nhất của anh lúc này chính là vở có thêm nhiều suất diễn, để khán giả hôm nay có điều kiện được thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật giá trị, nhất là khán giả nơi “vùng ven” của vùng đất mười tám thôn vườn trầu.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ban-anh-hung-ca-cua-vung-dat-muoi-tam-thon-vuon-trau-post806988.html