Bamboo Airway muốn nâng quy mô đội tàu bay lại phải… 'chạy một vòng'

Hiện, hàng không Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về hạ tầng, thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, và an ninh an toàn hàng không.

Máy bay của hãng hàng không Bamboo Airways. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của hàng không thời gian qua, đại diện cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp hàng không nhà nước và tư nhân cho rằng, nút thắt ngành hàng không chính là ở thể chế, và nguồn nhân lực, từ đó cần tạo ra một hành lang pháp lý đủ rộng để các doanh nghiệp có thể bình đẳng cạnh tranh.

Tại buổi Tọa đàm Xây dựng môi trường phát triển cho ngành hàng không do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào chiều ngày 16/5, ông Đặng Tất Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Bamboo Airways cho rằng, để thành lập, hãng phải theo cả Luật Đầu tư 2014 và theo Nghị định 92 của Thủ tướng về ngành hàng không, như vậy số lượng thủ tục là gấp đôi.

Theo ông Thắng, từ 10 máy bay ban đầu, Bamboo Airways muốn nâng quy mô đội tàu bay lên lại phải “chạy một vòng” từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam làm thủ tục điều chỉnh như từ đầu.

“Đây là rào cản với doanh nghiệp, do đó, doanh nghiệp mong muốn sự bình đẳng thống nhất thể chế với các doanh nghiệp,” ông Thắng đề xuất.

Ông Thắng cũng thừa nhận sự khó khăn của doanh nghiệp khi tham gia thị trường hàng không bị hạn chế rất nhiều, đặc biệt trong việc tìm kiếm nhân lực.

Tuy nhiên, trước những khó khăn về nguồn nhân lực hạn chế, doanh nghiệp đã xác định, xây dựng Bamboo Airways trở thành không chỉ hãng hàng không của Việt Nam mà còn là của quốc tế và khu vực. Vì vậy, Bamboo Airways đã xây môi trường làm việc quốc tế, hướng đến việc tuyển dụng lao động quốc tế.

Cụ thể, trong khóa tuyển dụng K9 mới đây của Bamboo Airways, 70% ứng viên có quốc tích đến từ Hàn Quốc, Thái Lan… hướng tới mô hình tiếp viên đa quốc gia giống như hãng hàng không Emirates (Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất). Hiện, hãng có 30% nhân viên không phải là quốc tịch Việt Nam.

Bên cạnh việc xây dựng môi trường làm việc cạnh tranh lành mạnh, Bamboo Airways còn hình thành trung tâm đào tạo từ phi công tiếp viên, nhân viên phục vụ mặt đất để chủ động được nguồn nhân lực," ông Thắng cho biết.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Nhà nước cần tạo ra một hành lang pháp lý đủ rộng để các doanh nghiệp có thể bình đẳng cạnh tranh. Trong thời kỳ mở cửa, Nhà nước chỉ giữ vai trò định hướng đường lối, chính sách, còn lại làm sao tạo môi trường Nhà nước và tư nhân bình đẳng với nhau.

“Các hãng cạnh tranh để cùng phát triển, không phải cạnh tranh để chiến thắng hay triệt tiêu đối thủ. Sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không còn mang lại lợi ích lớn cho khách hàng, giúp nhiều người dân có cơ hội đi máy bay giá rẻ,” ông Cung đánh giá.

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện của Quốc hội, trước hết, Nhà nước nên xác định quan điểm rõ Nhà nước không đi kiếm tiền mà phải tạo ra môi trường cho doanh nghiệp kiếm tiền, không thể hạn chế doanh nghiệp vì chưa đủ năng lực quản lý.

Vì vậy, để duy trì được sự phát triển bền vững, của ngành, ông Nhưỡng cho rằng, đầu tiên, cần một thể chế đầy đủ, đồng bộ, minh bạch, tạo sự thông thoáng, sân chơi “hay” và trong đó luật chơi phải tiếp cận quốc tế, phù hợp với quy hoạch chung như vùng trời, đường bay…

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, từ năm 2001 tới nay, khi có sự tham gia của hàng không tư nhân đã tạo ra những tác động rất lớn. Từ đó, hàng không không còn độc quyền của Nhà nước; từ chỗ hàng không chỉ dành cho người thu nhập cao, doanh nhân, đã trở thành phương tiện thông dụng cho mọi người. Cùng đó, hàng không tư nhân đã tạo sự năng động hơn cho thị trường hàng không Việt Nam.

“Tuy vậy, hiện hàng không Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về hạ tầng, thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, và an ninh an toàn hàng không,” ông Lộc nói./.

Trước đó, Bamboo Airway đã có kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tăng đội tàu bay khai thác lên trên 30 chiếc nhằm ‘phủ sóng’ khoảng 40 đường bay nội địa và quốc tế trong năm 2019.

Tuy nhiên, phía Cục Hàng không cũng cho rằng, với kế hoạch khai thác 40 tàu bay của Bamboo Airways trong năm 2019 là vượt so với nguồn nhân lực thực hiện công tác kiểm tra, giám sát an toàn hàng không của Cục Hàng không. Vì thế, Cục Hàng không Việt Nam sẽ có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về kế hoạch tăng máy bay của Bamboo Airways.

Việt Hùng (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/bamboo-airway-muon-nang-quy-mo-doi-tau-bay-lai-phai-chay-mot-vong/569688.vnp