Bài toán nào cho dòng vốn của doanh nghiệp?

Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Cấn Văn Lực cho rằng, hiện doanh nghiệp đang có ít nhất 6 dòng vốn khác nhau. Quan trọng doanh nghiệp làm thế nào để có được các nguồn vốn đó.

6 nguồn vốn sẵn có

Tại Diễn đàn kinh tế 2020 với chủ để: "Tích lũy động năng cho chu kỳ tăng trưởng mới" do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức chiều 5/12 tại Hà Nội, ông Cấn Văn Lực đã phân tích cụ thể 6 nguồn vốn mà doanh nghiệp có thể tận dụng.

Chuyên gia Cấn Văn Lực phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế 2020 với chủ đề: "Tích lũy động năng cho chu kỳ tăng trưởng mới"

Thứ nhất là tiền ngân sách, có thể giúp doanh nghiệp thông qua các quỹ như quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ bảo lãnh tính dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng một số quỹ khác.

Thứ hai là nguồn vô cùng quan trọng đến từ đối tác. Ông Lực cho rằng, trong tài chính, cần tận dụng tối đa số ngày đối tác cho chịu.

Thứ ba là nguồn vốn nước ngoài. Các quỹ đầu tư nước ngoài hiện rất quan tâm đến doanh nghiệp việt Nam. Có những doanh nghiệp huy động vốn tốt từ 1 đến 3 triệu USD. Đây cũng là nguồn vốn khả thi và quan trọng với doanh nghiệp khởi nghiệp.

Nguồn vốn thứ tư là tín dụng và bảo lãnh.

Nguồn vốn thứ năm là huy động từ thị trường vốn. Đây cũng là nguồn vốn cực kỳ quan trọng, nhất là thị trường cổ phiếu và trái phiếu. “Hiện nay doanh nghiệp Việt chưa quan tâm đến kênh này”, ông Lực nhận định.

Cuối cùng là vốn tự có và vốn dóng góp. Đây là 6 nguồn vốn các doanh nghiệp cần lưu tâm hơn theo ông Lực.

Liên quan đến một công cụ ít được nhắc đến là cho thuê tài chính, ông Lực cho rằng cực kỳ quan trọng với doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp cần quan tâm hơn. Hiện có 12 công ty cho thuê tài chính tại Việt Nam.

Về thực trạng dòng vốn của doanh nghiệp hiện nay, theo nhận định của ông Lực, vốn tự có mỗi ngày một nhỏ đi so với tổng nguồn vốn. Điều đó chứng tỏ nhu cầu huy động vốn tự có rất quan trọng trong thời gian tới.

Tại Diễn đàn, ông Lực cũng cho biết, phát hành cổ phiếu, trái phiếu cũng là những kênh theo ông Lực đáng phải bàn. Bình quân giai đoạn 2011-2015 dòng vốn chủ sở hữu chiếm khoảng 32% tổng nguồn vốn thì cuối năm ngoái chiếm khoảng 28% và cuối năm nay sẽ không cao hơn mức 27%.

“Dòng vốn tín dụng về mặt quy mô đã khá lớn khi ở mức 133% GDP, đây là mức thế giới cảnh báo tương đối lớn so với thu nhập thu nhập bình quân đầu người và mức độ phát triển của Việt Nam. Năm nay mức tăng trưởng tín dụng dự báo tăng khoảng 13% và tăng mức 12% trong năm sau” ông Lực nói.

Mức này không phải là khó khăn với doanh nghiệp Việt. Khi so sánh với khu vực, kể cả Việt Nam tăng trưởng 10% nhưng tín dụng đã tăng trưởng cao nhất trong khu vực ASEAN. Các nước trong ASEAN cũng đang kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng từ 4-6%. Do đó, mức tăng 12% là tương đối cao trong bối cảnh vốn liếng ngân hàng đang khó khăn thì điều này cũng là bất cập.

Về cấu trúc tín dụng đổ vào lĩnh vực nào nhiều nhất trong thời gian vừa qua, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy dòng vốn dịch chuyển nhiều hơn vào lĩnh vực dịch vụ, sản xuất đang thu hẹp dần do nhiều doanh nghiệp FDI đổ vào lĩnh vực này dẫn đến nhu cầu vốn tín dụng giảm hơn so với trước đây.

Tại cả đôi bên

Về tiếp cận vốn doanh nghiệp nhỏ và vừa, năm 2018, theo ông Lực, Việt Nam ở mức 22% là mức không hề thấp khi so với các nước có số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn như Hàn Quốc, Trung Quốc…

Phân tích nguyên nhân các doanh nghiệp chưa tiếp cận được dòng vốn, ông Lực cho rằng xuất phát từ hai phía là doanh nghiệp và các tổ chức tài chính. “Về phía các định chế tài chính, do sự phối hợp chưa tốt giữa Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng hay một số định chế đang trong quá trình tái cơ cấu, thay đổi chiến lược hoạt động.

Bài toán nào cho dòng vốn của doanh nghiệp?

Từ phía các doanh nghiệp, do trình độ quản lý còn yếu kém, công nghệ lạc hậu; thiếu chiến lược kinh doanh, phương án kinh doanh chưa khả thi; thiếu tài sản đảm bảo; thông tin thiếu minh bạch, thiếu tin cậy, khó đánh giá… Cũng như một số doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn”, ông Lực phân tích.

Do đó, để doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn, ông Lực đề xuất các giải pháp, từ phía chính phủ, bộ ngành, Ngân hàng nhà nước cần triển khai hiệu quả, đồng bộ Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các chính sách hỗ trợ đã ban hành. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động của Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp trong việc phối hợp tốt hơn giữa các Quỹ,tổ chức tín dụng, Hiệp hội, chính quyền địa phương... và Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo mô hình mới.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà Nước cần cân nhắc về cơ chế trần lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Phát triển cân bằng thị trường tài chính (nhất là thị trường cổ phiếu, trái phiếu, tài chính vi mô, quỹ đầu tư...) nhằm giảm phụ thuộc vốn ngân hàng và tăng nguồn vốn dài hạn.

Tiếp tục quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh-đầu tư (nhất là thủ tục thuế, hải quan, cấp phép, phá sản doanh nghiệp, kết cấu hạ tầng, logistics, hỗ trợ tiếp cận CMCN 4.0... Phát triển tài chính số, ngân hàng số; qua đó tăng khả năng tiếp cận vốn; Tăng cường hợp tác quốc tế

Đối với doanh nghiệp, cần minh bạch hoạt động và báo cáo tài chính; thiện chí hợp tác, phối hợp với định chế tài chính trong cung cấp thông tin, cơ cấu lại nợ và xây dựng phương án kinh doanh phù hợp.

Đồng thời, chủ động hiểu biết về tài chính-tín dụng, bảo lãnh và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và tăng cường liên kết (ngang và dọc) cùng chia sẻ khó khăn, cơ hội; chủ động, quyết liệt tham gia chuỗi giá trị; Kết hợp nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro bài bản hơn; xây dựng và thực thi chiến lược “Kinh doanh số”.

Ông Lực chia sẻ: “Tại Việt Nam đang có nhiều nguồn vốn đa dạng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tiếp cận vốn và đất đai vẫn còn khó khăn đối với doanh nghiệp trên thế giới và tại Việt Nam. Mặc dù đã có nhiều chính sách, giải pháp của Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, các Bộ ngành, Hiệp hội và các định chế tài chính hướng đến doanh nghiệp, nhưng cần mạnh mẽ, thiết thực và hiệu quả hơn nữa. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy, quản trị điều hành và văn hóa kinh doanh minh bạch và chuẩn mực”.

Tú Anh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/bai-toan-nao-cho-dong-von-cua-doanh-nghiep-557745.html