Bài học về công tác quản lý đất đai

Theo bản án: 'Bà H. có lỗi trong việc tự khai các nội dung không đúng về nguồn gốc, thời điểm, quá trình sử dụng đất tại Đơn đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; Đơn trình bày về nguồn gốc thửa đất'. Có lẽ đây là nguồn cơn dẫn đến hai cán bộ của một phường ở thành phố Đông Hà phạm tội, lãnh án tù mà tòa án vừa xét xử, được dư luận quan tâm.

Vụ việc bắt đầu từ tháng 9/2015, bà T.T.H. nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Cán bộ địa chính và phó chủ tịch phường lúc đó đã ký xác nhận nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất của bà T.T.H. với nội dung: Mẹ là N.T.Th. khai hoang trồng cây, xây dựng nhà ở năm 1995, có đơn xin cho con đất làm nhà ở được UBND phường xác nhận ngày 30/1/2004. Sau khi hoàn thành hồ sơ ở phường, bà T.T.H. nộp tại Bộ phận một cửa của thành phố Đông Hà để được xem xét, xử lý.

Trong quá trình làm hồ sơ, bà T.T.H. nhờ ông H.V.Đ. (trú tại Phường 1, thành phố Đông Hà) giúp đỡ. Ông Đ. được cán bộ trực tiếp xử lý hồ sơ thông tin thửa đất của bà T.T.H. đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chỉ được cấp 50% theo hạn mức 120 m2 đất ở, diện tích đất còn lại phải nộp 100% tiền sử dụng đất nên sẽ rất nhiều. Biết được thông tin này, ông Đ. đưa bà T.T.H. đến rút hồ sơ đã nộp ở Bộ phận một cửa để kiểm tra lại nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất.

Quá trình làm lại hồ sơ, phó chủ tịch phường giao cho một cán bộ của phường (làm thay do cán bộ địa chính nói trên nghỉ sinh) sao lục kiểm tra Sổ đăng ký ruộng đất năm 1987 của UBND phường. Xác định bà N.T.Th. (mẹ của bà T.T.H.) có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất năm 1987, cán bộ này phô tô sao lục Sổ đăng ký ruộng đất có tên của bà N.T.Th.

Sau đó ông Đ. đến UBND phường xin làm lại hồ sơ xác nhận nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất của bà T.T.H.. Sau khi nhận lại hồ sơ từ ông Đ. nộp, phó chủ tịch phường giao cán bộ địa chính kiểm tra, ký xác nhận trước khi trình ông ký hoàn tất và công khai nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất của bà T.T.H. với nội dung: Mẹ là bà N.T.Th. khai hoang làm nhà ở năm 1976, cho con là T.T.H. được UBND phường xác nhận ngày 30/1/2004. Có nguồn gốc là toàn bộ thửa đất của bà N.T.Th. kê khai tại Sổ đăng ký ruộng đất năm 1987.

Sau khi phường xác nhận, hồ sơ được nộp lại ở Bộ phận một cửa của thành phố Đông Hà để tiếp tục hoàn thiện thủ tục. Xử lý hồ sơ, 2 cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai thành phố đã đến UBND phường xác minh nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất; lập Biên bản xác minh. Từ cơ sở này, bà T.T.H. được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không phải nộp tiền sử dụng đất.

Tuy nhiên, kết quả thực địa hiện trường xác định: Thửa đất của bà N.T.Th. khai hoang, làm nhà ở năm 1976 có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất năm 1987 của phường là thửa đất ông T.P. được hưởng thừa kế và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2004, đến năm 2017 được cấp thêm phần đất còn lại.

Thửa đất của bà T.T.H. được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ nguồn gốc đất của bà N.T.Th. (có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất năm 1987) là không đúng về nguồn gốc, thời điểm và quá trình sử dụng đất.

Được biết, bà N.T.Th. có hai thửa đất được khai hoang, làm nhà ở hai thời điểm khác nhau. Một thửa đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không phải nộp tiền sử dụng đất; một thửa đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chỉ được cấp 50% theo hạn mức 120 m2 đất ở, diện tích còn lại phải nộp 100% tiền sử dụng đất.

Hai thửa đất này lại nằm khá gần nhau, bên cạnh đó các mốc thời gian khai hoang, làm nhà ở, có trong Sổ đăng ký ruộng đất đã rất lâu, nên cũng dễ gây nhầm lẫn.

Việc bà T.T.H. dùng thông tin của thửa đất này để kê khai hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng cho thửa đất kia được bản án xác định: “Bà H. có lỗi trong việc tự khai các nội dung không đúng về nguồn gốc, thời điểm, quá trình sử dụng đất”.

Tuy bà T.T.H. không bị xử lý hình sự (theo bản án, bà T.T.H. phải nộp lại số tiền hưởng lợi không có căn cứ hơn 5,3 tỉ đồng), nhưng có lẽ đây là nguyên nhân khởi nguồn cho việc đẩy hai cán bộ phường vào tù.

Bởi, kết quả điều tra xác định không có tài liệu, chứng cứ chứng minh ông Đ. thông đồng, cấu kết hay đưa tiền, lợi ích vật chất cho phó chủ tịch và cán bộ địa chính phường; không có tài liệu, chứng cứ chứng minh bà T.T.H. thông đồng, cấu kết với hai người này. Đây cũng là vấn đề được dư luận quan tâm, cảm thông, chia sẻ với người phạm tội do không phát hiện có yếu tố “vụ lợi” trong thực thi công vụ.

Chúng ta biết, đất đai là tài sản có giá trị lớn nhưng cũng là lĩnh vực quá phức tạp nên dễ bị sai phạm, kể cả lỗi cố ý hoặc vô ý, có tiêu cực hoặc không có tiêu cực trong quá trình xử lý, nhưng đều để lại hậu quả nặng nề cho những người liên quan.

Vụ việc trên là cái giá quá đắt mà hai cán bộ phường phải trả và cũng là bài học chung cho cán bộ làm công tác quản lý cũng như người dân khi thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai.

Tùng Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/cung-ngam-nghi/bai-hoc-ve-cong-tac-quan-ly-dat-dai/180733.htm