Bài học sau vụ máy bay Singapore Airlines gặp nhiễu loạn không khí

Từ ngăn ngừa tai nạn đến giảm thiểu tổn thất và quản lý khủng hoảng khi xảy ra sự cố, an toàn và an ninh luôn được đặt lên trên hết trong ngành hàng không. Cách xử lý khủng hoảng của hãng Singapore Airlines sau sự cố nhiễu loạn không khí với chuyến bay SQ321 tuần trước cho thấy rõ điều đó.

Hôm 21-5, chiếc máy bay Boeing 777-300ER có nhãn hiệu chuyến bay SQ321 của Singapore Airlines (SIA) từ London (Anh) tới Singapore bất ngờ gặp nhiễu loạn nghiêm trọng trên bầu trời Myanmar khiến hành khách và đồ đạc bị hất văng lên trên cao. Hậu quả, 1 người tử vong, một số người đang nguy kịch. Nhưng trong sự cố này, hành động của SIA trên không và trên mặt đất được đánh giá là mẫu mực về cách ứng phó với khủng hoảng.

Phi hành đoàn của Singapore Airlines đã phản ứng kịp thời và chuẩn mực khi chuyến bay SQ321 gặp sự cố phải hạ cánh khẩn cấp ở Bangkok hôm 21-5-2024

Phi hành đoàn của Singapore Airlines đã phản ứng kịp thời và chuẩn mực khi chuyến bay SQ321 gặp sự cố phải hạ cánh khẩn cấp ở Bangkok hôm 21-5-2024

Rút kinh nghiệm từ các sự cố trước

Trong vụ việc này, Singapore Airlines đã được đánh giá cao bởi hành động nhanh chóng và thông tin liên lạc rõ ràng. Bắt đầu từ việc phi công quyết định hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, thay vì Yangon của Myanmar. Đó là sân bay lớn nhất của Thủ đô Thái Lan và các cơ sở y tế ở đó có thể ứng phó tốt hơn với tình huống khẩn cấp.

Hành khách Josh Silverstone đã khen ngợi phi hành đoàn vì đã kiểm tra tình trạng của từng hành khách mặc dù một số người bị thương nặng cần chăm sóc nhiều hơn.

Andrew Davies, một hành khách khác kể lại rằng các tiếp viên hàng không “tận tâm và làm mọi thứ có thể”. Ngay khi máy bay hạ cánh, xe cứu thương và nhân viên y tế đã đón tại sân bay Suvarnabhumi, đưa nạn nhân đến các bệnh viện gần đó. Đến tối 21-5, một chiếc máy bay cứu trợ của SIA đã khởi hành đến Bangkok. Giám đốc điều hành SIA Goh Choon Phong đã chào đón hành khách trở về Singapore vào sáng sớm hôm sau đồng thời bay đến gặp những hành khách vẫn ở Bangkok.

5 tháng trước đó, thế giới đã chứng kiến phi hành đoàn Japan Airlines bình tĩnh và chủ động, nhanh chóng đưa tất cả 367 hành khách ra khỏi chiếc Airbus A350 đang bốc cháy tại sân bay Haneda mà không ai bị thương nặng. Đó là kết quả quá trình huấn luyện nghiêm ngặt của họ, bao gồm cả các cuộc diễn tập sơ tán kéo dài 90 giây.

Vì thế, sự chuẩn bị sẵn sàng và hướng đến mục tiêu an toàn trên hết là rất quan trọng. Singapore Airlines cho thấy, họ đã rút ra được bài học từ sự cố hàng không chết người gần đây nhất cách đây 24 năm. Vào tháng 10-2000, một chiếc Boeing 747-400 của SIA dự kiến đi Los Angeles đã cất cánh nhầm đường băng tại sân bay Đài Bắc trong một cơn bão, dẫn đến một vụ tai nạn kinh hoàng khiến 83 người thiệt mạng. Thảm kịch đó càng trở nên tồi tệ bởi thông tin ban đầu sai lệch, gây ra sự phẫn nộ và chỉ trích trên diện rộng.

Chủ động ứng phó với rủi ro

Rất ít hãng hàng không ứng phó tốt khi mọi thứ trở nên tồi tệ. Năm ngoái, Hãng hàng không giá rẻ Southwest Airlines của Mỹ đã bị phạt 140 triệu USD vì đã hủy 17.000 chuyến bay do một cơn bão trong dịp Giáng sinh năm 2022 khiến 2 triệu hành khách mắc kẹt. Southwest đã bị chỉ trích vì không chịu trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng và hệ thống liên lạc kém. Bởi vậy, cách các hãng hàng không đối xử với hành khách của mình trong tình huống khủng hoảng giúp củng cố lòng trung thành của họ với mỗi thương hiệu.

Tuy nhiên, sự cố đối với chuyến bay SQ321 còn cho thấy, vận chuyển hàng không tiềm ẩn nhiều rủi ro ngoài tầm kiểm soát của ngành, từ đại dịch, thiên tai cho đến bất ổn địa chính trị. Trong những tháng gần đây, một số chuyến bay ở Indonesia đã bị hủy do núi lửa phun trào, bởi tro núi lửa có thể làm hỏng động cơ máy bay. Sau đó là những mối nguy hiểm về thời tiết như nhiễu loạn không khí, độ đứt gió, băng và điều kiện thời tiết khác…

Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), năm 2022 đã xảy ra 39 vụ tai nạn hàng không thương mại, khiến 158 người thiệt mạng. Trung bình cứ 0,83 triệu chuyến bay thì có một vụ tai nạn. Mặc dù máy bay vẫn là phương tiện di chuyển an toàn nhất nhưng ngành hàng không vẫn đang tìm cách giúp việc di chuyển an toàn hơn.

Theo đó, các chuyên gia đã bắt đầu nghiên cứu sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa đường bay nhằm ngăn ngừa sự chậm trễ, dự báo thời tiết chính xác hơn. Các thuật toán AI, có thể phân tích lượng lớn dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, giúp phi công và kiểm soát viên không lưu đưa ra quyết định sáng suốt hơn và giảm thiểu lỗi của con người.

Theo Channel News Asia

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bai-hoc-sau-vu-may-bay-singapore-airlines-gap-nhieu-loan-khong-khi-post577812.antd