Bài cuối: Nhiều quy định còn bỏ ngỏ
Lê Hồng Hạnh- Phó trưởng Ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà TĩnhLuật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 và Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 được ví như cẩm nang, ánh sáng soi đường để hoạt động giám sát ngày càng chất lượng, hiệu quả, xứng tầm chức năng quan trọng của HĐND. Bên cạnh những kết quả tích cực đó, một thực tế đặt ra là còn có nhiều quy định của Luật còn bỏ ngỏ, nhất là ở cấp huyện và xã bởi những lý do thực tiễn khách quan.
Ít tổ chức giám sát chuyên đề của HĐND
Đầu tiên phải kể đến là hầu như đa số HĐND cấp huyện, xã chưa tổ chức giám sát chuyên đề của HĐND mà đang phân công cho Thường trực, các Ban của HĐND thực hiện. Kéo theo đó, từ khi thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Nghị quyết 594 đến nay, rất ít địa phương ở cơ sở HĐND ban hành Nghị quyết về giám sát chuyên đề cũng như Nghị quyết về các nội dung chất vấn tại kỳ họp. Lý giải về vấn đề này, nhiều đại biểu nhắc đến phạm vi địa giới hành chính, cơ cấu, số lượng, chất lượng của đại biểu HĐND ở cấp huyện, xã có nét đặc thù hơn so với HĐND cấp tỉnh, rất khó để thực thi.
Theo Phó trưởng ban Pháp chế HĐND huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh Nguyễn Thị Hoan, số lượng đại biểu của HĐND cấp huyện, xã ít tùy thuộc vào quy mô dân số, trong đó chuyên trách lại càng ít. Ở cấp huyện tối đa bố trí 4 - 5 đại biểu chuyên trách, có huyện thậm chí chỉ bố trí 2 chuyên trách; cấp xã chỉ có 1 đại biểu chuyên trách. Trong khi đó, trụ cột chính tham mưu các hoạt động của HĐND cấp huyện, xã là các đại biểu chuyên trách này. Quy định về chức năng, nhiệm vụ của luật về hoạt động giám sát thì lớn và bài bản trong khi phần đa kiêm nhiệm, đại biểu chuyên trách nếu không nhanh nhạy thì khó tham mưu cho HĐND hoạt động bảo đảm theo luật đối với các hoạt động cơ bản.
Thực tế, có nhiều địa phương, chủ yếu cấp xã, Thường trực HĐND không tổ chức được phiên họp thường kỳ hàng tháng, thậm chí có những đơn vị không thực hiện đúng quy trình xây dựng chương trình giám sát của HĐND hàng năm, chưa nói đến việc giám sát thông qua việc xem xét tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của HĐND; xem xét quyết định của UBND cùng cấp, nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND cùng cấp, đến cấp huyện cũng khó thực hiện được - Phó trưởng ban Pháp chế HĐND huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh khẳng định.
Giám sát của Tổ đại biểu, đại biểu HĐND còn lúng túng
Hoạt động giám sát của Tổ đại biểu, đại biểu HĐND nhiều nơi ở cơ sở chưa thực hiện được theo quy định của Luật. Đặc biệt sau khi Hướng dẫn 594 ra đời có đề cập đến nhưng việc thực thi trên thực tế còn lúng túng. Tổ đại biểu chưa chủ động xây dựng, triển khai giám sát theo Hướng dẫn 594, chủ yếu đang tham gia các hoạt động giám sát do Thường trực, các Ban của HĐND mời. Một số đại biểu chưa chủ động trong hoạt động, nhất là trong hoạt động thảo luận, chất vấn tại các kỳ họp.
Nguyên nhân được nhiều địa phương phân tích là mặc dù Hướng dẫn có quy định thêm về giám sát của Tổ đại biểu và đại biểu HĐND nhưng vẫn còn khá chung chung, khó thực thi. Nhất là khi quy định việc Tổ chủ động thực hiện giám sát theo thẩm quyền của Tổ và báo cáo Thường trực HĐND, chưa nói rõ nội dung hoạt động giám sát của Tổ như đối với giám sát của Thường trực, các Ban của HĐND, như: xem xét báo cáo hay giám sát theo chuyên đề, trình tự ra sao.
Đối với đại biểu HĐND quy định khi xét thấy cần thiết, đại biểu HĐND gửi văn bản kiến nghị HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu HĐND cùng cấp tổ chức giám sát các vụ việc nổi cộm, bức xúc trên địa bàn; hầu như chưa có tiền lệ. Quy định như thế này cũng rất khó cho đại biểu bởi thông tin mà đại biểu nắm bắt cũng chưa nhiều, tiếp đến là việc xác định vấn đề thế nào là cần thiết? Tiếp đó là hoạt động giám sát của Tổ đại biểu và cá nhân đại biểu cũng không có các quy định liên quan về bảo đảm các điều kiện phục vụ đi kèm: như tính pháp lý của các văn bản giám sát của Tổ, kinh phí cho hoạt động giám sát của Tổ và đại biểu HĐND…
Thiếu chủ động trong tự kiểm tra, xem xét
Một nội dung đáng chú ý nữa là hoạt động giám sát thông qua việc tự kiểm tra văn bản QPPL của HĐND; xem xét quyết định của UBND cùng cấp, nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND cùng cấp mặc dù được quan tâm nhưng so với yêu cầu và quy định còn thiếu chủ động, chỉ khi có dấu hiệu và phản ánh mới thực hiện. Riêng việc HĐND tự kiểm tra văn bản QPPL của mình để xử lý còn lúng túng. Thực tiễn vừa qua một số đơn vị cấp huyện đồng loạt bãi bỏ các nghị quyết chuyên đề sau khi có văn bản của Bộ Tài chính và UBND tỉnh chỉ đạo liên quan là một minh chứng.
“Bản thân chúng ta đang còn lúng túng về thẩm quyền của HĐND cấp huyện được ban hành văn bản QPPL đến đâu thì việc HĐND thực hiện giám sát thông qua xem xét quyết định của UBND cùng cấp, nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND cùng cấp là điều khó khăn, hầu như rất ít địa phương làm được. Nguyên nhân chính cũng do cơ cấu, bố trí đại biểu, chất lượng đại biểu. Nhân lực còn mỏng trong khi chức năng, vị trí của HĐND như tấm áo rộng choàng vào” - bà Nguyễn Thị Hoan - Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND huyện Đức Thọ trăn trở.