'Bài ca' trồng-chặt

Việt Nam nằm trong top 5 nước có sản lượng XK chè hàng đầu thế giới. Lâm Đồng lại là một trong những địa phương nổi tiếng cả nước trong sản xuất, XK chè.

Tuy vậy, mới đây thông tin rất đáng chú ý là không ít nông dân tỉnh Lâm Đồng sẵn sàng “quay lưng” với cây chè, chuyển đổi sang loại cây trồng khác.

Theo số liệu thống kê, thời điểm năm 2016, toàn tỉnh Lâm Đồng có 21.000 ha chè, chiếm 16% diện tích chè của cả nước. Tuy nhiên, đến tháng 9/2018, con số này chỉ còn khoảng 13.000 ha. Đáng chú ý, tại một số địa phương, điển hình như xã Lộc Quảng (Lâm Đồng), không chỉ phá bỏ những vườn chè cho năng suất, chất lượng thấp, nông dân còn phá bỏ cả những vườn chè chất lượng cao, chấp nhận uổng phí vốn đầu tư vườn chè.

Về nguyên nhân, điểm mấu chốt dễ thấy nhất là nông dân làm chè vất vả nhưng thu nhập phập phù, năm được năm mất. Những năm gần đây, thời tiết thất thường, giá cả bấp bênh, công lao động và giá cả vật tư tăng cao… càng làm cho người nông dân bớt mặn mà gắn bó với cây chè. Hiện, trung bình tổng thu 1ha chè khoảng 160 triệu đồng, sau khi trừ chi phí nông dân chỉ lãi trên dưới 50 triệu đồng. Như vậy, giá trị kinh tế từ cây chè chỉ hơn cây điều và lúa. Trong khi đó, chè là loại cây trồng cần nhiều công lao động, từ khâu chăm sóc đến thu hái...

Thực tế, bên cạnh tiêu, điều, cao su,… chè cũng là một trong những mặt hàng nông sản XK điển hình của Việt Nam. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, XK chè Việt suốt thời gian qua khá bấp bênh, không chinh phục được các thị trường khó tính. Trong bối cảnh đó, việc nông dân chặt bỏ chè để thay thế bằng cây trồng khác là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, trong câu chuyện này, cần phải nhấn mạnh rằng, "bài ca" trồng- chặt, chặt- trồng không phải là hướng giải quyết dài lâu, hiệu quả cho mọi loại nông sản XK nói chung cũng như cây chè nói riêng. Nhìn từ trường hợp cụ thể của tỉnh Lâm Đồng, rõ ràng, chè là cây trồng chủ lực, gắn bó với người nông dân từ hàng chục năm nay. Đây là loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu địa phương. Người dân “quay lưng” phá bỏ cây chè, không tái canh mà chuyển sang các loại cây trồng khác rõ ràng là điều đáng lo ngại.

Để cây chè nói riêng, nhiều mặt hàng nông sản XK chủ lực nói chung không lặp đi lặp lại “bài ca” trồng-chặt đáng buồn từ năm này qua năm khác, có lẽ vai trò định hướng, quy hoạch của cơ quan quản lý nhà nước cần được coi trọng hơn nữa. Ngoài ra, điểm đáng lưu ý bên cạnh tính định hướng là khâu tăng cường liên kết, xây dựng các mối quan hệ bền chặt giữa các bên gồm: Nhà nước, nhà khoa học, DN và người nông dân cũng cần được củng cố mạnh mẽ thêm. Điều này giúp cho sản phẩm chè XK đảm bảo tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng, đồng thời giúp cung-cầu được điều tiết phù hợp, giảm rủi ro cho người nông dân, từ đó đảm bảo cho sự phát triển bền vững ngành hàng.

Đức Phong

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/bai-ca-trong-chat.aspx