Bài 4: Ai bảo vệ cán bộ 'bốn dám' và bảo vệ thế nào?

Liệu có phải chúng ta thiếu nhân tài, hay do cơ chế chưa được hoàn thiện, chủ thể bảo vệ cán bộ 'bốn dám' chưa rõ hình hài và kết quả bảo vệ chưa thuyết phục nên cán bộ, đảng viên không phát huy hết khả năng?

Ai bảo vệ cán bộ “bốn dám”?

Phải khẳng định ngay rằng, chủ thể bảo vệ cán bộ “bốn dám” là Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trực tiếp là tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị mà cán bộ, đảng viên đang học tập, công tác, cống hiến. Cùng với đó là Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và đông đảo quần chúng nhân dân. Sự bảo vệ cán bộ thể hiện rất rõ trong cơ chế trao quyền và giám sát việc thực thi quyền lực của cán bộ, đảng viên.

Từ Đại hội VI, Đảng ta đã chỉ rõ: Nhân tài không phải là sản phẩm tự phát mà phải được phát hiện và bồi dưỡng công phu. Hội nghị Trung ương 3, khóa VIII (năm 1997) cho rằng: “Không định kiến với những người có sai lầm trong quá khứ, nay đã hối cải và sửa chữa”. Đây là bước tiến mới từ nhận thức đến hành động trong công tác cán bộ của Đảng, nhằm tạo môi trường thúc đẩy cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Các đại biểu dự phiên họp Quốc hội. Ảnh: cand.com.vn.

Các đại biểu dự phiên họp Quốc hội. Ảnh: cand.com.vn.

Nhìn về quá khứ thấy rằng, từng có nhiều lãnh đạo tổ chức, địa phương muốn vượt qua khó khăn nên đã tìm cách vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách, phát kiến mới, hay còn gọi là “xé rào” để làm những việc chưa có tiền lệ, vượt khỏi quy định, tạo ra hướng đi mới, đạt hiệu quả vượt trội trên một số lĩnh vực, phần việc. Thế nhưng cũng có trường hợp sau khi thực hiện “xé rào” thành công, hoặc chưa có kết quả đến cùng, lại bị các đoàn thanh tra, kiểm tra vào cuộc, soi chiếu với nguyên tắc rồi mang ra kiểm điểm. Người “xé rào” bị quy chụp là làm trái với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Điều đó vô hình trung khiến cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung lại bị đổ lỗi, kết tội, không được bảo vệ đến nơi đến chốn.

Tất nhiên, những trường hợp nêu trên chỉ là số ít, trên thực tế đã được cấp có thẩm quyền công khai nhận lỗi, trả lại danh dự và lợi ích thỏa đáng cho những cán bộ bị xử lý oan sai. Còn lại, đa phần cán bộ bị xử lý kỷ luật, quy trách nhiệm là đúng. Bởi, chính họ vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, bị tha hóa, biến chất, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Ngoài ra, cũng có một số cán bộ, đảng viên làm liều, làm thiếu tính kế hoạch, chưa bảo đảm tính khoa học và không bám sát thực tiễn khách quan nên gây hậu quả nghiêm trọng, buộc cấp trên phải xử lý... Như vậy, xét cho đến cùng thì việc thực thi kỷ luật đối với các trường hợp nêu trên chính là một cách bảo vệ cán bộ.

Sứ mệnh của những người “cầm cân nảy mực”

Sứ mệnh bảo vệ cán bộ “bốn dám” phải là của toàn Đảng, toàn dân, trong đó trực tiếp phải là chi bộ nơi đảng viên sinh hoạt và tổ chức cơ quan, đơn vị nơi cán bộ học tập, công tác. Những người chịu liên đới trách nhiệm trực tiếp là bí thư cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị có cán bộ “bốn dám”.

Theo nhiều chuyên gia xây dựng Đảng, để làm rõ trách nhiệm, quyền hạn trong công tác bảo vệ cán bộ “bốn dám” thì ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành kết luận, các cơ quan chức năng của Đảng cần có những hướng dẫn, quy định kịp thời, đồng bộ để hoàn thiện cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung.

Từng cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là cấp chi bộ và người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thật sự tôn trọng, động viên, khuyến khích ý thức trách nhiệm, tinh thần cống hiến, khát vọng, ý tưởng đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ; chủ động tiếp nhận, xem xét, đánh giá, cho chủ trương cán bộ có ý tưởng, giải pháp đột phá mới; tạo môi trường, điều kiện, nguồn lực để cán bộ triển khai kế hoạch; thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cán bộ triển khai các chương trình, đề án, ý tưởng đột phá.

Cùng với đó, cần có giải pháp phát huy vai trò của công tác kiểm tra, giám sát, nhất là việc giám sát của Mặt trận Tổ quốc và “tai, mắt” của quần chúng nhân dân. Thực tế cho thấy, một khi cán bộ có uy tín, trình độ, năng lực, dám nghĩ, dám làm vì nhân dân thì chắc chắn cán bộ đó sẽ được dân tin, dân ủng hộ và bảo vệ. Đó cũng là lý do vì sao cơ quan chức năng đã và đang chủ trương đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận thông tin phản hồi từ nhân dân; tăng cường việc khảo sát đánh giá uy tín, chất lượng cán bộ thông qua sự góp ý của quần chúng.

Trong việc bảo vệ cán bộ “bốn dám”, chúng ta không thể không nhắc đến vai trò tự bảo vệ của cán bộ. Nói như vậy là bởi trên thực tế, những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm thường là người có cá tính, khí chất khác biệt. Họ nhạy cảm, nhận thức nhanh, hay có ý mới, tư duy độc đáo, cách nghĩ “xé rào”. Tuy nhiên, những cá nhân này đôi khi không quan tâm đến các giới hạn của nguyên tắc, không lưu ý đến những việc nhỏ, thậm chí đi kèm với những đức tính tốt thì có cả tật xấu như thiếu kiên nhẫn, thích tự do, đi ngược với số đông, coi thường kinh nghiệm, tự phụ... khiến nhiều người không ưa thích và dễ sinh ra định kiến, đố kỵ. Nếu những phẩm chất chưa hoàn bị nêu trên không được “tự chỉnh đốn”, “tự điều tiết” thì sự phá cách trong cách nghĩ, cách làm hướng đến lợi ích chung của người cán bộ sẽ khó thu nhận được sự ủng hộ của tập thể.

Trên tinh thần của Kết luận số 14/KL-TW của Bộ Chính trị, trách nhiệm tự bảo vệ của cán bộ thể hiện ở chỗ mỗi người phải tích cực nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất kế hoạch và thực hiện đúng chủ trương được phê duyệt; báo cáo đầy đủ, trung thực, kịp thời với cơ quan có thẩm quyền về tình hình, kết quả thực hiện, tự giác nhận và chịu trách nhiệm khi có lỗi. Trong quá trình triển khai ý tưởng, kế hoạch sáng tạo, cán bộ cần đề nghị cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện thực hiện và đánh giá lại kết quả khi cần thiết.

Khuyến khích, bảo vệ cán bộ “bốn dám” bằng cách nào?

Qua nghiên cứu các văn bản của Trung ương, tiếp nhận ý kiến của nhiều nhà khoa học, chuyên gia xây dựng Đảng, chúng tôi cho rằng, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần sớm hoàn thiện, ban hành cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ, rồi công khai rộng rãi ở tất cả các cấp để cán bộ nắm rõ mình được ai bảo vệ, bảo vệ bằng cơ chế gì, bằng cách nào thì họ mới thật sự thoải mái, phấn khởi sáng tạo, đột phá và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Thực tế hiện nay có nhiều cán bộ chủ trì ở các cơ quan, tổ chức vẫn ít nhiều mặc định rằng: Không sáng tạo thì chẳng “cháy nhà, chết người” gì, nhưng sáng tạo thì có khi... chết cả chính mình và tổ chức! Bởi thế, nhiều ý tưởng của cán bộ, đảng viên khi vừa đề xuất đã bị can ngăn, thậm chí bị “bóp chết” từ lúc trứng nước, phôi thai. Cùng với đó, ở nhiều nơi vẫn còn biểu hiện “tranh công, đổ lỗi”, nhất là tư duy của người đứng đầu thường cho rằng sản phẩm của cán bộ, nhân viên cấp dưới sáng tạo, thực hiện thắng lợi là do công mình lãnh đạo, chỉ đạo...

Chính vì vậy, phải bảo đảm cho ý tưởng của cán bộ được lắng nghe, xem xét, nhìn nhận thấu đáo, toàn diện, tránh bỏ sót những ý tưởng hay, đột phá mà do điều kiện hạn hẹp về thời gian, nguồn lực, hoặc năng lực thẩm định có hạn mà cơ quan có thẩm quyền quyết định không cho chủ trương triển khai. Kịp thời phát hiện, phê bình, xử lý những cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức liên quan khi có các biểu hiện gây khó, kìm hãm sự năng động, sáng tạo, đột phá của đội ngũ cán bộ, đảng viên thuộc quyền. Đặc biệt, cần kịp thời khen thưởng xứng đáng, đặc cách ưu tiên trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển và thực hiện chính sách đối với cán bộ có kết quả đổi mới, sáng tạo trong thực tiễn.

Qua khảo sát tại Hội đồng Lý luận Trung ương và một số cơ quan nghiên cứu thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho thấy, để bảo vệ cán bộ “bốn dám” thì nhất thiết phải ban hành cơ chế cho phép cơ quan có thẩm quyền cho chủ trương đối với kế hoạch đổi mới, sáng tạo của cán bộ. Có nghĩa là việc cho chủ trương của cơ quan có thẩm quyền chính là "sự bảo lãnh chính trị” đối với kế hoạch, ý tưởng đổi mới, sáng tạo của cán bộ. Khi cấp ủy, tổ chức đảng đã xem xét theo đúng thẩm quyền và ban hành nghị quyết cho phép thực hiện kế hoạch thì khi có rủi ro, thiệt hại, cán bộ đó không phải chịu trách nhiệm, kể cả trách nhiệm hình sự nếu cán bộ đó thực hiện đúng như kế hoạch được duyệt. Trường hợp cán bộ cố tình không làm đúng hoặc vượt quá kế hoạch được duyệt thì phải chịu trách nhiệm về phần làm sai hoặc phần vượt quá. Như vậy sẽ tạo ra cơ chế bảo vệ cán bộ một cách chắc chắn để cán bộ yên tâm đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Mặt khác, cơ quan chức năng cần nắm chắc tình hình, cảnh báo về những nguy cơ rủi ro và tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện những sai sót, vi phạm của cán bộ để kịp thời xử lý, uốn nắn, điều chỉnh. Trường hợp cán bộ bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện kế hoạch đổi mới, sáng tạo thì được áp dụng các biện pháp bảo vệ theo các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trường hợp cán bộ đã thực hiện đúng chủ trương được phê duyệt nhưng xảy ra thiệt hại thì cán bộ được xem xét miễn trừ toàn bộ trách nhiệm khi cán bộ không có lỗi, hoặc giảm nhẹ trách nhiệm khi cán bộ có lỗi nhưng không có động cơ xấu, không tham nhũng, tiêu cực và không xâm phạm, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. (còn nữa)

“Xây dựng, hoàn thiện chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; có cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” (trích Văn kiện Đại hội XIII của Đảng).

Nhóm phóng viên

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/bai-4-ai-bao-ve-can-bo-bon-dam-va-bao-ve-the-nao-677769