Bài 3: Để công trình xanh lấp lánh giữa đại ngàn Tây Bắc

Trong bối cảnh hiện đại, việc giữ gìn và bảo tồn những ngôi nhà truyền thống không còn khó khăn. Tuy nhiên, giữ gìn văn hóa truyền thống không đơn giản chỉ là tập trung vào hình thái bên ngoài thông qua khẩu hiệu, mà cần có những hành động thiết thực với những kế hoạch chỉn chu. Con người thực hiện và hưởng thụ cũng phải thấu hiểu tiềm năng, lợi thế, bản sắc của mình từ đó mới dám nghĩ, dám làm, biến ước mơ không gian xanh, sống xanh thành hiện thực và bền vững trong tương lai.

Những nếp nhà truyền thống trở nên thơ mộng trong mùa hoa mận trắng. (Ảnh: Hoàng Anh)

Những nếp nhà truyền thống trở nên thơ mộng trong mùa hoa mận trắng. (Ảnh: Hoàng Anh)

Bài học kinh nghiệm từ Bhutan

Nằm ở khu vực Nam Á, Bhutan được mệnh danh là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới với không khí trong lành, nhịp sống bình yên, con người hiền hòa... Tuy là một quốc gia nằm tại vị trí khá biệt lập và khép kín nhưng ngành Du lịch tại quốc gia này lại rất phát triển. Du lịch là nguồn thu ngoại tệ lớn thứ 2 ở Bhutan và là một trong những nguồn thu nhập chính của quốc gia Phật giáo này.

Kiến trúc nhà của Bhutan hòa hợp với cảnh quan thiên nhiên. (Ảnh: Ngọc Hà)

Kiến trúc nhà của Bhutan hòa hợp với cảnh quan thiên nhiên. (Ảnh: Ngọc Hà)

Tại sự kiện triển khai các chuyến bay thẳng cố định kết nối Việt Nam – Bhutan vào tháng 8 vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Damcho, Giám đốc Sở Du lịch Bhutan nói rằng: Bạn đến Bhutan không phải là cảnh đẹp, tâm linh mà là sự dung dị, mộc mạc của người dân bản địa. Đó chính là sự cuốn hút lớn nhất của Bhutan với những du khách nhiều trải nghiệm.

Vì vậy, ngoài mục tiêu gia tăng lượng du khách thì quốc gia Rồng sấm rất chú trọng tới việc bảo tồn thiên nhiên và giữ gìn nền văn hóa lâu đời. Cam kết ý thức bảo vệ môi trường của Bhutan được thể hiện rõ qua các quy định và chính sách khác nhau, nhằm thúc đẩy các hoạt động xây dựng xanh trong nước. Triết lý Tổng hạnh phúc quốc gia hỗ trợ sự thịnh vượng toàn diện của xã hội Bhutan và được phản ánh trong hoạt động xây dựng xanh của đất nước, nhấn mạnh tính bền vững và bảo tồn di sản văn hóa hơn là lợi ích kinh tế thuần túy.

Du khách ấn tượng với những công trình văn hóa kiến trúc ở Bhutan. (Ảnh: Ngọc Hà)

Du khách ấn tượng với những công trình văn hóa kiến trúc ở Bhutan. (Ảnh: Ngọc Hà)

Đến Bhutan, du khách sẽ ấn tượng với những công trình văn hóa, nhà dân với kiến trúc Phật giáo nổi bật. Bhutan không có kiến trúc nào kiểu châu Âu. Tất cả nhà cửa, công trình công sở, khách sạn đều được xây theo kiểu truyền thống. Chiều cao nhà tối đa là 7 tầng. Mái nhà thường có dạng bẹt, cửa sổ kính, thường là màu trắng. Nhà ở Bhutan thường được sơn màu vàng nhạt, màu nâu; không có bản vẽ, thiết kế.

Đá là vật liệu được sử dụng phổ biến trong kiến trúc Bhutan, đặc biệt là làm móng và tường. Gỗ có nguồn gốc từ các loài cây có sẵn tại địa phương như thông, bách và sồi… được sử dụng để xây dựng các khung và dầm gỗ phức tạp hỗ trợ các tòa nhà. Người dân Bhutan còn sử dụng vật liệu bùn kết hợp với rơm để xây tường và sàn, giúp cách nhiệt và điều hòa nhiệt độ trong các tòa nhà.

Kiến trúc truyền thống của Bhutan còn thể hiện qua các tác phẩm chạm khắc gỗ tinh xảo, họa tiết trang trí, màu sơn nổi bật trên nhiều công trình từ nông thôn đến miền núi. Những yếu tố trang trí này, thường lấy cảm hứng từ các biểu tượng Phật giáo và tín ngưỡng tôn giáo, làm tăng thêm vẻ đẹp và ý nghĩa văn hóa cho các tòa nhà.

Chính phủ Bhutan thực hiện các chính sách để đảm bảo sử dụng vật liệu bền vững, có nguồn gốc địa phương trong các dự án xây dựng mới. (Ảnh: Ngọc Hà)

Chính phủ Bhutan thực hiện các chính sách để đảm bảo sử dụng vật liệu bền vững, có nguồn gốc địa phương trong các dự án xây dựng mới. (Ảnh: Ngọc Hà)

Ngoài việc sử dụng vật liệu tự nhiên, kiến trúc Bhutan còn nhấn mạnh chiến lược thiết kế thụ động để giảm thiểu tiêu thụ năng lượng. Đó là sử dụng những bức tường dày làm bằng vật liệu có nguồn gốc địa phương như đá, đất và gỗ. Những bức tường này có khả năng cách nhiệt tuyệt vời, giúp duy trì nhiệt độ bên trong thoải mái bất kể điều kiện thời tiết bên ngoài. Một đặc điểm chung khác của kiến trúc Bhutan, là việc kết hợp các cửa sổ lớn và cửa sổ trần, giúp tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên. Điều này không chỉ làm giảm nhu cầu chiếu sáng nhân tạo vào ban ngày mà còn tạo sự kết nối với môi trường ngoài trời.

Bhutan được coi là quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới tuyên bố không chỉ trung hòa carbon mà còn có lượng carbon âm tính đáng kể. Những năm gần đây, Chính phủ Bhutan đã thực hiện chính sách để đảm bảo sử dụng vật liệu bền vững, có nguồn gốc địa phương trong các dự án xây dựng mới. Đồng thời, nỗ lực khôi phục kỹ thuật xây dựng truyền thống thông qua các chương trình đào tạo và giáo dục. Kiến trúc xanh, truyền thống của Bhutan và việc sử dụng vật liệu địa phương không chỉ là minh chứng cho di sản văn hóa phong phú của đất nước mà còn phản ánh cam kết của nước này đối với sự bền vững và bảo tồn môi trường.

Ông Nguyễn Thành An, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại du lịch Ohdear Việt Nam, người đã trải nghiệm rất nhiều ngôi nhà truyền thống trên thế giới, trong đó có các quốc gia Phật giáo như: Hàn Quốc, Bhutan... chia sẻ: Bất cứ một nhà kinh doanh hay một khách du lịch đến quốc gia hay vùng đất mới đều muốn tìm hiểu về văn hóa, kiến trúc nơi ấy. Thông qua các hoạt động trải nghiệm lễ hội, thăm quan ngôi nhà truyền thống, thưởng thức món ăn… ở địa phương sẽ khiến khách du lịch hiểu gốc rễ, lịch sử xa xưa, văn hóa, kiến trúc cổ của mảnh đất đó và sẽ quyết định hành vi chi tiêu, mua sắm, kiếm tiền.

Ông Nguyễn Thành An, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại du lịch Ohdear Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Ông Nguyễn Thành An, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại du lịch Ohdear Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Khi tìm hiểu ngành Du lịch của quốc gia Bhutan, ông Nguyễn Thành An thấy rằng, ở Bhutan, không khí xanh, sạch, con người đối đãi với nhau hiền hòa… tạo nên thương hiệu cho quốc gia. Giá trị sống trong lành, hạnh phúc nội tâm sẽ là đích đến của mỗi du khách sau khi đến quốc gia hạnh phúc nhất thế giới này. Đó chính là sức mạnh nội lực để Bhutan phát triển du lịch.

Bhutan là đất nước Phật giáo Kim Cương thừa nên trong tiến trình dòng chảy văn hóa đó, có những quy định nghiêm ngặt để giúp người dân đảm bảo thực hành đời sống tâm linh từ không gian trong lành, môi trường sạch sẽ, nơi ở vững chãi bằng vật liệu tự nhiên… Vì được xây dựng theo một kiến trúc đặc trưng, sử dụng vật liệu tự nhiên để bảo vệ môi trường nên những ngôi nhà truyền thống và công trình đền, pháo đài của Bhutan rất ấn tượng với du khách.

Lối vào ngôi nhà truyền thống của Bhutan. (Ảnh: Ngọc Hà)

Lối vào ngôi nhà truyền thống của Bhutan. (Ảnh: Ngọc Hà)

Bài học gì cho vùng Tây Bắc để gìn giữ tinh hoa bản sắc?

Nếu nhìn sang một số quốc gia châu Á thì Tây Bắc Việt Nam có điều kiện tự nhiên tương đồng với một số vùng của Bhutan, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Đó là có nhiều dãy núi cao, nhiều sông suối; không khí mát mẻ trong lành; những dải đất phù hợp trồng cây dược liệu hay cây ăn quả có giá trị; tập trung nhiều đồng bào dân tộc với văn hóa truyền thống, lễ hội, ẩm thực đặc sắc…

Người dân Bhutan sử dụng hạnh phúc làm thước đo cuộc sống; coi nơi ở là khu vực linh thiêng để nuôi dưỡng tinh thần; không sử dụng chất hóa học để trồng trọt nhằm đảm bảo sức khỏe tuổi thọ; con người ứng xử hòa ái với nhau… Thì người dân Tây Bắc cũng sở hữu nụ cười mộc mạc, tính tình chất phác, thật thà; nhu cầu vật chất chỉ đảm bảo ở mức tối thiểu; giao lưu văn hóa được mở rộng qua các phiên chợ, lễ hội…

Trong dòng chảy phát triển của thời cuộc, du lịch kết nối ngày một phát triển, sẽ khiến người dân Tây Bắc phải nghĩ đến việc kế thừa gìn giữ và kết hợp những cái mới vào cuộc sống. Bước khởi đầu bắt nguồn từ chính những gì thân thuộc như ngôi nhà truyền thống. Nhiều chủ đầu tư, người dân đã khôi phục và đưa ngôi nhà truyền thống vào dự án homestay, resort của mình. Đây là sự kế thừa, chuyển tiếp chứ không phải phá bỏ hoàn toàn cái cũ. Thông qua đó vẫn gìn giữ được những nét tinh hoa của tổ tiên. Ký ức giúp nuôi dưỡng về tinh thần, cái mới hiện đại giúp con người thích nghi với thời cuộc. Thế hệ sau sẽ vừa được sử dụng những ngôi nhà, vừa đảm bảo các yếu tố xanh, sạch đẹp, bảo vệ sức khỏe con người; vừa hiện đại, văn minh; lại vừa duy trì tâm linh cốt lõi của dân tộc mình.

Những nếp nhà trình tường của người dân bản địa hấp dẫn du khách trải nghiệm. (Ảnh: Ngọc Hà)

Những nếp nhà trình tường của người dân bản địa hấp dẫn du khách trải nghiệm. (Ảnh: Ngọc Hà)

Ngoài việc thể hiện văn hóa thông qua ngôi nhà, vật liệu địa phương bản địa cũng giúp truyền tải phong tục tập quán của người dân. Vật liệu tự nhiên thân thiện, phù hợp với khí hậu; không tàn phá môi trường. Đó cũng là lịch sử hàng nghìn năm để lại, cần được lưu giữ và phát triển.

Sau một thời gian sử dụng vật liệu hóa thạch, con người lại quay về hướng tới vật liệu tự nhiên bản địa. Một số nước châu Âu, Mỹ bây giờ vẫn làm những ngôi nhà chọc trời hoàn toàn bằng gỗ chỉ kèm một chút kết cấu bê tông bên trong và ứng dụng khoa học công nghệ vào thi công, hướng tới không dùng vật liệu hóa thạch, giảm thiểu tác hại đến môi trường.

Những vật liệu tự nhiên qua công nghệ biến tính đã tăng độ bền để đưa vào công trình. (Ảnh: Bamboo King Vina)

Những vật liệu tự nhiên qua công nghệ biến tính đã tăng độ bền để đưa vào công trình. (Ảnh: Bamboo King Vina)

Trên phạm vi toàn cầu đều hướng về sử dụng vật liệu tự nhiên, tránh xa vật liệu hóa thạch vì sinh ra nhiều cacbonnic. Hàng nghìn năm qua, bà con dân tộc miền núi đã sử dụng vật liệu tự nhiên của địa phương để giảm chi phí vận chuyển như: Đất, tre, nứa, gỗ… Tuy nhiên, dùng vật liệu tự nhiên thông thường thì tuổi thọ không cao, do đó bắt buộc phải ứng dụng khoa học công nghệ vào để tăng độ bền cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, ở nước ta, gỗ rừng tự nhiên thuộc nhóm 1 và nhóm 2 đang dần cạn kiệt do bị khai thác quá mức. Trong khi gỗ rừng trồng hợp pháp thường mềm, không đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật và độ bền khi ứng dụng làm nội ngoại thất, nhất là khi ứng dụng cho các các công trình ngoài trời. Các công trình xây dựng đòi hỏi độ cứng và khả năng chịu lực cao. Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết phải phát triển công nghệ biến gỗ mềm thành gỗ cứng, và công nghệ biến tính đã ra đời để giải quyết vấn đề này.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đỗ Quốc Thái, Chủ tịch Công ty Bamboo King Vina tại Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng, xu hướng vật liệu tự nhiên lên ngôi trong tương lai. Mong muốn đưa ra thị trường vật liệu thân thiện môi trường, có khả năng cách nhiệt tốt, dẻo dai chống gió bão… biến sản phẩm giá trị thấp thành giá trị cao, phục vụ thị trường trong nước và đưa ra quốc tế. Muốn phát triển vật liệu xây dựng tự nhiên cần có ý thức của cả một cộng đồng xã hội và Chính phủ. Vì Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng “0” (gọi tắt là Net Zero) vào năm 2050. Do đó, rất cần có chính sách nhà nước để định hình, thông tin truyền tải để người dân hiểu được giá trị dùng sản phẩm bảo vệ môi trường, tốt cho sức khỏe cũng như có tính bền vững nhờ công nghệ”.

Xu hướng vật liệu tự nhiên lên ngôi trong tương lai. (Ảnh: Bamboo King Vina)

Xu hướng vật liệu tự nhiên lên ngôi trong tương lai. (Ảnh: Bamboo King Vina)

Tuy nhiên, với những biến động thất thường của thời tiết, thiên tai lũ lụt, lũ ống, lũ quyét đe dọa nhiều địa phương miền núi trên khắp cả nước, đặc biệt là khu vực Tây Bắc, vấn đề đặt ra hiện nay là công tác quy hoạch để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, cần có biện pháp để phòng chống sạt lở, lũ ống, lũ quét ở những vùng này. Theo TS. Nguyễn Anh Dũng – Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật công trình Việt Nam, những bản làng vùng núi phía Bắc nói chung và Tây Bắc nói riêng hình thành từ lâu và dân sinh sống ổn định nhiều đời nay. Ở khu vực này thường xuyên xảy ra hiện tượng trượt đất, lũ ống và lũ quét. Khi đất đã bị trượt hay có lũ quét thì không có thể chống lại. Vì vậy cần có biện pháp quan trắc, phát hiện khả năng xảy ra sạt trượt để đưa ra biện pháp cần thiết.

Đơn vị dân cư cần có người phụ trách về vấn đề phòng chống thiên tai. Người phụ trách nên được tập huấn để có kiến thức, kịp thời đưa ra những quyết định cần thiết báo cáo cho cấp có thẩm quyền. Cần có bản đồ khu vực quản lý trong đó có vị trí chi tiết của từng nhà, đường đi, sông suối; phải có sự tham gia của Nhân dân cùng để hiểu và xử lý các tình huống.

Với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc anh em, kiến trúc bản địa đặc sắc nổi bật qua những nếp nhà, một nền ẩm thực đặc trưng, Tây Bắc trở thành địa danh du lịch trải nghiệm hấp dẫn. Sự giao thoa hợp lý giữa các nền văn hóa thông qua hình thức du lịch cũng giúp cho Tây Bắc tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm để bảo tồn văn hóa và nâng tầm giá trị thương hiệu, tạo nên sự khác biệt. Vì vậy, kinh nghiệm từ các nước có văn hóa và kiến trúc xây dựng tương đồng sẽ trao thêm cho đồng bào Tây Bắc cơ hội mở rộng tư duy, áp dụng công nghệ tiên tiến vào kiến thiết, xây dựng, lưu giữ những công trình có yếu tố xanh trở nên hấp dẫn để thu hút nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2024 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài và bản quyền bài viết.

Vũ Huyền – Ngọc Hà

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/bai-3-de-cong-trinh-xanh-lap-lanh-giua-dai-ngan-tay-bac-384340.html