Bài 1: Xứng tầm chức năng quan trọng của Hội đồng nhân dân
LÊ HỒNG HẠNH, PHÓ TRƯỞNG BAN KINH TẾ - XÃ HỘI HĐND THỊ XÃ HỒNG LĨNH, HÀ TĨNH. Thực hiện quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015; Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của ngày 12.9.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giám sát của HĐND các cấp được tổ chức chặt chẽ, khoa học về trình tự các bước, có chiều sâu với nhiều đổi mới, thực sự có hiệu quả và chất lượng. Qua đó, góp phần quan trọng giúp HĐND thực hiện tốt chức năng giám sát, làm tiền đề quan trọng để quyết định các vấn đề quan trọng tại địa phương.
Phát huy lợi thế từng hoạt động giám sát
Các hoạt động giám sát phong phú, nhiều địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo để vận dụng hiệu quả theo thực tiễn. Như ở HĐND Hà Tĩnh, HĐND tỉnh thực hiện rất tốt hoạt động xem xét báo cáo, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp. Theo đó, để việc xem xét các báo cáo theo luật định có chiều sâu, chất lượng làm tiền đề cho hoạt động thảo luận, chất vấn tại kỳ họp và là căn cứ để HĐND quyết định, Thường trực HĐND tỉnh đã giao cho các Ban của HĐND tỉnh thẩm tra theo thẩm quyền và lĩnh vực phụ trách; hướng dẫn, chỉ đạo các Tổ đại biểu HĐND thảo luận trước các kỳ họp HĐND làm căn cứ để phân công đại diện tham gia thảo luận tại kỳ họp…
Trong các hoạt động giám sát của Ban HĐND nói riêng và của HĐND nói chung, hoạt động thẩm tra được xem là khó nhưng lại là căn cứ quan trọng để HĐND quyết định các nội dung trình ra kỳ họp. “Công tác thẩm tra của các Ban HĐND Hà Tĩnh từ khi có Luật đã bám sát quy trình và sự chỉ đạo của Thường trực HĐND; các ban đã chủ động trong hoạt động khảo sát, giám sát kết hợp thu thập thông tin phục vụ thẩm tra, chủ động tham gia ngay từ đầu với các cơ quan soạn thảo. Do vậy báo cáo thẩm tra chất lượng, có chiều sâu và đầy đủ căn cứ pháp lý, thể hiện rõ quan điểm, là căn cứ quan trọng để đại biểu HĐND xem xét, thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương”, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Nhuần chia sẻ.
“Từ khi có Luật và Nghị quyết 594, việc xây dựng ban hành chương trình giám sát hằng năm của HĐND, Thường trực, ban của HĐND được đưa vào quy cũ, có lộ trình, nội dung, giai đoạn cụ thể, tạo thuận lợi cho cơ quan được giao giám sát và đơn vị được giám sát chủ động trong thực hiện. Đồng thời, cũng là hình thức công khai minh bạch hoạt động của HĐND, tạo điều kiện để UBMTTQ và Nhân dân giám sát. Chất lượng hoạt động giám sát của cơ quan dân cử nhờ đó được nâng lên rõ rệt, nhất là kết luận giám sát rõ địa chỉ, kiến nghị có sức thuyết phục. Từ đó nâng tầm của HĐND” - Phó Chủ tịch HĐND huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh Nguyễn Tiến Thắng khẳng định.
Cũng như nhiều địa phương khác, hoạt động chất vấn tại các kỳ họp HĐND các cấp của tỉnh Lâm Đồng ngày càng được đổi mới, bám sát quy định của Nghị quyết 594 trong lựa chọn nội dung chất vấn, chất vấn theo nhóm vấn đề, là vấn đề nổi cộm do các đại biểu ở các tổ, các ban của HĐND gửi tới trước phiên khai mạc. Kể từ khi thực thi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đến nay, HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức cho đại biểu HĐND chất vấn tại các kỳ họp thường lệ với 1.578 lượt chất vấn, trong đó cấp tỉnh chất vấn 233 lượt, cấp huyện 403 lượt và cấp xã 942 lượt.
“Cán cân” đong đếm hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử
Theo dõi các hội nghị tổng kết, các báo cáo tổng kết Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 của nhiều địa phương cho thấy, hoạt động giám sát của cơ quan dân cử từ khi có luật được thực thi quy củ, khoa học, bài bản hơn, vấn đề chất lượng giám sát được ví như “cán cân” đong đếm hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử. Giám sát để làm gì? Tại sao lại phải thực hiện phương châm “quý hồ tinh bất quý hồ đa” trong giám sát của HĐND? Giám sát muốn thực chất thì nên quan tâm tới số lượng hay là chất lượng? Làm sao để nâng cao chất lượng giám sát?… là những câu hỏi được đưa ra bàn thảo, đặc biệt là tại Hội thảo chuyên đề tổng kết việc thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 do Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh Lâm Đồng tổ chức.
“Đích đến là các vấn đề cử tri, Nhân dân quan tâm kiến nghị được tiếp thu, xem xét, giải quyết thấu đáo. Đặc biệt làkịp thời phát hiện thiếu sót, bất cập trong công tác của các cơ quan chịu sự giám sát. Từ đó, thảo luận, đưa ra các giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc để các cơ quan thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Các chuyên đề giám sát đã mang hơi thở của cuộc sống, bắt nhịp kịp thời với các tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân trên địa bàn” - cử tri Bùi Đình Quyền, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng chia sẻ.
Cử tri Nguyễn Đức Vĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh đánh giá cao việc nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri, đặc biệt là các ý kiến bức xúc, nổi cộm đã được đại biểu HĐND thị xã và phường tiếp thu, đưa vào nội dung thảo luận, chất vấn tại các kỳ họp HĐND để làm rõ, quy rõ trách nhiệm và xử lý kịp thời. Đơn cử như việc sửa chữa, lắp đặt các cụm đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn để khắc phục tình trạng tai nạn giao thông. Ngay sau khi có ý kiến phản ánh, HĐND thị xã đã phân công thành lập Đoàn khảo sát, làm rõ. Sau khi có kết quả khảo sát, trên cơ sở làm rõ trách nhiệm, các giải pháp tương ứng, trên cơ sở đề nghị của UBND, HĐND đã ra nghị quyết phân bổ kinh phí, UBND tiến hành thực thi ngay sau đó.
“Chúng tôi đánh giá rất cao sự vào cuộc tích cực, quyết liệt, kịp thời trong giải quyết các vấn đề dân sinh. Chất lượng hoạt động được đo chính là hiệu quả xử lý các vấn đề Nhân dân, thực tiễn đặt ra, cơ quan dân cử đã làm rất tốt nội dung này”. - cử tri bày tỏ.